Các điểm chính

  • Chính sách tiền tệ là các chiến lược được các ngân hàng trung ương áp dụng để điều tiết nguồn cung tiền và mức tăng trưởng kinh tế. Thông thường, chính sách tiền tệ liên quan đến những thay đổi về lãi suất và yêu cầu về mức dự trữ của ngân hàng. 

  • Mục tiêu của chính sách tiền tệ là đạt được các mục tiêu kinh tế, chẳng hạn như kiểm soát lạm phát, quản lý chỉ số việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

  • Chính sách tiền tệ có thể mở rộng hoặc thu hẹp. Chính sách tiền tệ ảnh hưởng đến thu nhập khả dụng của cá nhân và doanh nghiệp, tác động gián tiếp đến thị trường tiền mã hóa.

Chính sách tiền tệ là gì?

Chính sách tiền tệ là các hành động do ngân hàng trung ương của quốc gia thực hiện để điều chỉnh nguồn cung tiền và chi phí vay trong nền kinh tế. Chính sách tiền tệ được sử dụng để đạt được các mục tiêu kinh tế cụ thể, chẳng hạn như kiểm soát lạm phát, quản lý chỉ số việc làm hoặc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Để thực hiện chính sách tiền tệ, các ngân hàng trung ương có thể điều chỉnh lãi suất, tiến hành nghiệp vụ thị trường mở (OMO) và thay đổi yêu cầu dự trữ đối với các ngân hàng thương mại. Bằng cách tạo ảnh hưởng đến nguồn cung và chi phí vay, chính sách tiền tệ có thể gia tăng hoạt động kinh tế hoặc giúp hạ nhiệt khi nền kinh tế quá nóng.

Chính sách tiền tệ hoạt động như thế nào?

Chính sách tiền tệ có thể mở rộng hoặc thu hẹp.

Chính sách tiền tệ mở rộng

Chính sách tiền tệ mở rộng thường liên quan đến việc hạ lãi suất trong khi tăng nguồn cung tiền để kích thích kinh tế tăng trưởng. Chính sách tiền tệ mở rộng thường được thực hiện trong thời kỳ suy thoái hoặc thời kỳ hoạt động kinh tế ở mức thấp. Mục tiêu là làm cho chí phí vay thấp hơn, khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu và doanh nghiệp đầu tư, từ đó thúc đẩy hoạt động kinh tế nói chung.

Hãy tưởng tượng rằng ngân hàng trung ương của quốc gia X muốn kích thích nền kinh tế bằng cách hạ lãi suất. Jane và John là cư dân của quốc gia X, họ nhận thấy chi phí vay đã giảm. Jane quyết định vay tiền để bắt đầu một doanh nghiệp mới, còn John tận dụng lãi suất thấp hơn để mua một ngôi nhà mới. Do đó, nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ tăng lên, qua đó tạo thêm việc làm và gia tăng hoạt động kinh tế.

Ví dụ: Khủng hoảng tài chính năm 2008

Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, chính phủ Hoa Kỳ đã thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng để vực dậy nền kinh tế. Chính phủ Hoa Kỳ đã hạ lãi suất và đưa ra phương thức nới lỏng định lượng (QE), tức là mua chứng khoán của chính phủ và chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản thế chấp. Cách này làm tăng nguồn cung tiền và giúp chi phí vay thấp hơn. Do đó, người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn, các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn và nền kinh tế bắt đầu phục hồi.

Chính sách tiền tệ thắt chặt

Chính sách tiền tệ thắt chặt liên quan đến việc tăng lãi suất và giảm nguồn cung tiền để làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như kiềm chế lạm phát. Bằng cách làm cho chi phí vay cao hơn, ngân hàng trung ương đặt mục tiêu giảm chi tiêu và đầu tư, giảm nhu cầu nói chung và hạ nhiệt nền kinh tế.

Hãy tưởng tượng rằng ngân hàng trung ương của quốc gia Y muốn kiềm chế lạm phát bằng cách tăng lãi suất. Sarah và Mike là cư dân của quốc gia đó và thấy rằng chi phí vay đã tăng lên. Sarah quyết định trì hoãn kế hoạch mở rộng kinh doanh của mình và Mike hoãn việc mua một chiếc xe mới. Do đó, nhu cầu của người tiêu dùng giảm và các doanh nghiệp chứng kiến sự sụt giảm doanh số, từ đó lạm phát giảm và giá cả bình ổn.

Ví dụ: đầu những năm 1980

Vào đầu những năm 1980, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã sử dụng chính sách tiền tệ thắt chặt để kiềm chế lạm phát ở mức cao ở Hoa Kỳ. Fed tăng lãi suất, khiến chi phí vay trở nên đắt đỏ hơn. Cách này đã làm giảm lạm phát thành công nhưng cũng dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tạm thời gia tăng.

So sánh chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa

Công cụ

Chính sách tiền tệ chủ yếu liên quan đến việc điều chỉnh lãi suất, thực hiện nghiệp vụ thị trường mở và thay đổi yêu cầu dự trữ đối với các ngân hàng. Chính sách tài khóa sử dụng chi tiêu của chính phủ và thuế làm công cụ chủ chốt.

Sự linh hoạt

Chính sách tiền tệ có thể được triển khai tương đối nhanh chóng, giúp tạo ra tác động trong vận hành nền kinh tế. Thực hiện thay đổi chính sách tài khóa thường mất nhiều thời gian vì chính sách tài khóa phải được phê duyệt trong toàn bộ quy trình lập pháp.

Phạm vi

Chính sách tiền tệ chủ yếu tập trung vào các mục tiêu kinh tế vĩ mô như kiểm soát lạm phát hay quản lý tỷ lệ thất nghiệp. Chính sách tài khóa thường nhắm vào các lĩnh vực cụ thể của nền kinh tế. Chi tiêu của chính phủ có thể hướng tới các dự án cụ thể và các chính sách thuế có thể được điều chỉnh cho phù hợp với các nhóm nhất định.

Chính sách tiền tệ trong thị trường tiền mã hóa

Chính sách tiền tệ cũng có thể tác động đến thị trường tiền mã hóa. Mặc dù giá tiền mã hóa đôi khi có thể biến động độc lập với hệ thống tài chính truyền thống nhưng những thay đổi trong chính sách tiền tệ có thể ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý thị trường và hành vi của nhà đầu tư.

Tác động của chính sách tiền tệ mở rộng

Khi một ngân hàng trung ương thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng, sẽ có nhiều tiền chảy vào nền kinh tế hơn. Lãi suất thấp hơn và nguồn cung tiền tăng khuyến khích người vay và chi tiêu, gia tăng thu nhập khả dụng cho mọi người. Điều này có nghĩa là các cá nhân có nhiều khả năng đầu tư vào Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác, giá có khả năng sẽ tăng.

Tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt

Khi một ngân hàng trung ương thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, tiền sẽ được rút ra khỏi nền kinh tế một cách hiệu quả. Lãi suất cao hơn và nguồn cung tiền giảm không khuyến khích chi tiêu, dẫn đến thu nhập khả dụng dành cho các khoản đầu tư ít hơn. Điều này có nghĩa là sẽ có ít người có phương tiện để đầu tư vào tiền mã hoá hơn, giá có khả năng sẽ giảm.

Tổng kết

Chính sách tiền tệ là biện pháp kiểm soát nguồn cung tiền và lãi suất của các ngân hàng trung ương để đạt được nhiều mục tiêu kinh tế khác nhau, chẳng hạn như kiểm soát lạm phát, tạo thêm việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vì có ảnh hưởng đến thu nhập khả dụng, chính sách tiền tệ cũng có thể tác động gián tiếp đến thị trường tiền mã hóa.

Đọc thêm:

Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Nội dung này được trình bày cho bạn trên cơ sở "nguyên trạng" chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin chung và hướng dẫn, không phải là sự cam đoan hay bảo đảm dưới bất kỳ hình thức nào. Không nên coi nội dung này là nội dung tư vấn tài chính, pháp lý hoặc chuyên môn khác. Đây cũng không phải khuyến nghị mua bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể nào. Bạn nên tìm kiếm lời khuyên từ các cố vấn chuyên môn phù hợp. Trong trường hợp bài viết do cộng tác viên bên thứ ba đóng góp, xin lưu ý rằng những quan điểm được đưa ra thuộc về cộng tác viên bên thứ ba và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Binance Academy. Vui lòng đọc toàn bộ tuyên bố miễn trừ trách nhiệm của chúng tôi tại đây để biết thêm chi tiết. Giá tài sản kỹ thuật số có thể biến động. Giá trị khoản đầu tư của bạn có thể tăng hoặc giảm và bạn có thể không lấy lại được số tiền đã đầu tư. Bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với các quyết định đầu tư của mình và Binance Academy không chịu trách nhiệm pháp lý đối với bất kỳ tổn thất nào bạn có thể gặp phải. Không nên coi tài liệu này là nội dung tư vấn tài chính, pháp lý hoặc chuyên môn khác. Để biết thêm thông tin, hãy xem Điều khoản sử dụngCảnh báo rủi rocủa chúng tôi.