Ủy ban Châu Âu (EC) đang đẩy mạnh điều tra các thương vụ trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm ngăn chặn sự độc quyền, ảnh hưởng cạnh tranh và đổi mới.

Bà Margrethe Vestager, Phó chủ tịch điều hành EC về chính sách cạnh tranh, cảnh báo rằng AI đang “phát triển với tốc độ chóng mặt” và tiết lộ nhiều cuộc điều tra sơ bộ về các hoạt động thị trường liên quan đến AI đang được tiến hành.

Lo ngại của bà Vestager về các hành vi có thể chống cạnh tranh xuất phát từ những động thái của các công ty công nghệ lớn trong lĩnh vực AI kể từ khi ChatGPT xuất hiện.

Phó chủ tịch điều hành của A Europe Fit for the Digital Age and Competition Margrethe Vestager họp báo về vụ kiện chống độc quyền đối với Mondelez tại Brussels, Bỉ, ngày 23 tháng 5. EPA-Yonhap

Theo Reuters, hiện tại Liên minh châu Âu (EU) đang tăng cường giám sát các thỏa thuận AI, bắt đầu từ các hợp tác nổi bật giữa Microsoft-OpenAI và Google-Samsung.

Động thái kể trên cho thấy mối quan ngại ngày càng tăng của khối này về khả năng độc quyền tiềm ẩn của những gã khổng lồ công nghệ trong lĩnh vực AI đang phát triển thần tốc.

Mối quan hệ hợp tác tỷ đô giữa Microsoft và OpenAI

Mối quan hệ đối tác giá trị của Microsoft với OpenAI là một trong những thương vụ hợp tác đáng chú ý nhất trong ngành AI. Bắt đầu từ năm 2019 và được mở rộng trong những năm tiếp theo, Microsoft đã đầu tư mạnh vào OpenAI, cung cấp tài nguyên điện toán đám mây thông qua nền tảng Azure và tích hợp các mô hình AI tiên tiến của OpenAI vào các sản phẩm và dịch vụ của mình.

Mục tiêu của sự hợp tác là nhằm thúc đẩy nghiên cứu và phát triển AI, cho thấy những tiến bộ đáng chú ý như mô hình ngôn ngữ GPT-3 và gần đây hơn là ChatGPT. Tuy nhiên, liên minh này làm dấy lên lo ngại về khả năng chi phối thị trường và tạo ra rào cản gia nhập đối với các công ty AI nhỏ hơn.

EC cho biết họ đã xem xét thương vụ này vào năm ngoái nhưng quyết định không điều tra sáp nhập sau khi kết luận Microsoft chưa nắm quyền kiểm soát OpenAI. Tuy nhiên, bà Vestager phát biểu rằng Ủy ban sẽ xem xét lại thỏa thuận theo luật chống độc quyền của khối, nhằm vào các hành vi lạm dụng bởi các công ty thống lĩnh thị trường.

For now, we conclude that @Microsoft has not acquired control of @OpenAI under Merger Regulation.We will keep monitoring the relationships between all key players in the AI sector, incl. Microsoft & OpenAI. #GenAIVirtualWorldsWorkshop

— Margrethe Vestager (@vestager) June 28, 2024

Hiện tại ủy ban đang yêu cầu Microsoft cung cấp thông tin cụ thể về các điều khoản độc quyền trong thỏa thuận với OpenAI, để xác định xem chúng có thể gây hại cho cạnh tranh trong thị trường AI hay không.

Câu hỏi đặt ra với sự hợp tác giữa Google và Samsung

Thỏa thuận liên quan giữa Google và Samsung cũng thu hút sự chú ý đáng kể. Samsung tận dụng khả năng phần cứng của mình với sức mạnh AI của Google để phát triển công nghệ di động và thiết bị điện tử tiêu dùng tiên tiến. Điều này bao gồm việc tích hợp các thuật toán AI của Google vào thiết bị Samsung, giúp nâng cao các tính năng như nhận dạng giọng nói, chức năng camera và trải nghiệm người dùng được cá nhân hóa hơn.

Tuy nhiên, sự hợp tác này làm dấy lên câu hỏi về tính công bằng trong cạnh tranh, đặc biệt là quyền truy cập vào các công nghệ quan trọng và ảnh hưởng đến thị trường.

Theo bà Vestager, EC đã gửi yêu cầu thông tin “để hiểu rõ hơn về tác động của thỏa thuận giữa Google và Samsung” liên quan đến việc cài đặt sẵn Gemini Nano, phiên bản nhỏ nhất của mô hình nền tảng AI Gemini của Google, trên một số thiết bị của Samsung.

Tương lai nào cho thị trường AI Châu Âu?

Với việc các gã khổng lồ công nghệ như Microsoft và Google đang tích cực mở rộng tiềm năng của AI của họ thông qua các thương vụ mua lại và hợp tác, không ngạc nhiên khi cơ quan quản lý lo ngại về sự thống trị thị trường và tác động của nó đến cạnh tranh công bằng. Điều này dẫn đến sự can thiệp từ EU, vốn được dự đoán từ trước.

Đáp lại động thái của EU, Microsoft và Google đã tái khẳng định cam kết tuân thủ các yêu cầu pháp lý, đồng thời tiếp tục đổi mới một cách có trách nhiệm trong lĩnh vực công nghệ AI.

Kết quả của cuộc điều tra chống độc quyền của EU nếu thành công có ý nghĩa quan trọng đối với cách các công ty công nghệ lớn hoạt động trên thị trường AI của Châu Âu. Điều này có thể dẫn đến các biện pháp pháp lý nhằm thúc đẩy một sân chơi bình đẳng hơn và đảm bảo rằng các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn có cơ hội công bằng để cạnh tranh và đổi mới.