Đạo luật Trí tuệ Nhân tạo (AI) của Liên minh châu Âu, có hiệu lực vào 1/8, yêu cầu các nhà phát triển AI phải tuân thủ các biện pháp nghiêm ngặt và áp đặt các khoản phạt nặng nề đối với các vi phạm.
Liên minh châu Âu đã công bố văn bản cuối cùng của Đạo luật Trí tuệ Nhân tạo (AI), đánh dấu bộ quy tắc AI toàn diện đầu tiên trên thế giới. Sau khi được Hội đồng EU phê duyệt vào tháng 5/2024, Đạo luật sẽ được thực thi từ ngày 1/8/2024. Luật này nhằm giảm thiểu rủi ro từ các ứng dụng AI ‘có nguy cơ cao’, bảo vệ nền dân chủ, quyền con người, môi trường và pháp quyền.
Tuy nhiên, các quy định AI mới đặt ra thách thức lớn cho các công ty trên toàn thế giới, đặc biệt là các công ty Trung Quốc. Patrick Tu, đồng sáng lập và CEO của Dayta AI có trụ sở tại Hồng Kông, dự đoán chi phí hoạt động sẽ tăng từ 20% đến 40% để tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt của EU. Điều này cho thấy tác động tài chính và hoạt động rộng lớn hơn đối với các nhà phát triển AI toàn cầu.
Đạo luật AI yêu cầu các nhà phát triển AI có trụ sở tại EU thực hiện các quy định của mình trước ngày 2/8/2026. Mỗi quốc gia thành viên EU phải tạo ra ít nhất cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho công nghệ AI (regulation sandbox), cung cấp môi trường để các nhà phát triển thử nghiệm hệ thống AI trong giới hạn pháp lý mà không cản trở sự phát triển công nghệ.
Đối với các nhà phát triển, nhà cung cấp và người dùng AI sinh trắc học, hạn chót là ngày 2/2/2025. Luật cấm các ứng dụng AI có “nguy cơ không chấp nhận được”, bao gồm phân loại sinh trắc học dựa trên các đặc điểm nhạy cảm, nhận diện cảm xúc trong môi trường làm việc và trường học, và thu thập hàng loạt hình ảnh khuôn mặt cho các cơ sở dữ liệu nhận diện khuôn mặt. Đáng chú ý, có các điều khoản miễn trừ cụ thể cho cơ quan thực thi pháp luật trong một số điều kiện nhất định.
Đến ngày 2/5/2025, Văn phòng AI mới thành lập sẽ ban hành các quy tắc thực hành để hướng dẫn các nhà cung cấp AI về việc tuân thủ. Các hệ thống AI mục đích chung, như ChatGPT, phải tuân thủ các tiêu chuẩn về bản quyền và minh bạch bắt đầu từ tháng 8/2025. Các nhà phát triển hệ thống AI có nguy cơ cao có thời hạn đến 27/8/2027 để đáp ứng các yêu cầu bổ sung được nêu trong Phụ lục I của Đạo luật AI.
Các hình phạt và tác động pháp lý cho các vi phạm Đạo luật AI
Đạo luật AI áp đặt các hình phạt nghiêm ngặt nếu các doanh nghiệp không tuân thủ, dao động từ 35 triệu euro (38 triệu USD) đến 7% tổng doanh thu của công ty trong năm trước đó, tùy theo số nào cao hơn. Emma Wright từ công ty luật Harbottle and Lewis nhận xét, “Đạo luật AI của EU là nỗ lực quan trọng đầu tiên để điều chỉnh AI trên toàn cầu. Vẫn còn phải xem liệu chi phí tuân thủ có kìm hãm sự đổi mới hay không hoặc liệu mô hình quản trị AI có trở thành xuất khẩu chủ lực của EU hay không.”
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ AI, đặc biệt là là AI tạo sinh như ChatGPT đã vượt qua các nỗ lực pháp lý. Các quốc gia và khối thương mại trên toàn thế giới đang cố gắng thiết lập các khung pháp lý để điều chỉnh việc sử dụng AI, phản ánh sự nhận thức ngày càng tăng về nhu cầu quản trị AI.