Thuật ngữ FUD thường xuất hiện như một chiến thuật phổ biến nhằm gây ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư và công chúng. Trong lĩnh vực đầu tư tiền điện tử, FUD có thể dẫn đến biến động giá và ảnh hưởng đến niềm tin của các trader. Do đó, trong bài viết này, hãy cùng Đánh giá coin tìm hiểu FUD là gì nhé!

FUD là gì?

FUD là viết tắt của ba từ tiếng Anh “Fear, Uncertainty, and Doubt” (Sợ hãi, Không chắc chắn và Nghi ngờ), dùng để chỉ các chiến lược hoặc hành động nhằm tạo ra cảm giác lo lắng, nghi ngờ và sợ hãi trong cộng đồng hoặc một nhóm người cụ thể.

khái niệm fud là gì

Trong lĩnh vực tiền điện tử, FUD thường ám chỉ việc lan truyền thông tin hoặc tin đồn tiêu cực với mục đích làm giảm giá trị của một loại tiền điện tử cụ thể hoặc làm lung lay lòng tin của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, FUD cũng có thể được áp dụng trong các lĩnh vực khác như tài chính, marketing và chính trị, nơi nó được dùng để ảnh hưởng đến sự nhận thức và quyết định của người khác thông qua tâm lý lo lắng và không chắc chắn.

Tâm lý khi mắc hội chứng FUD

Những người mắc hội chứng FUD thường là các nhà giao dịch hoặc nhà đầu tư ít kinh nghiệm trong thị trường tiền điện tử. Họ thường biểu hiện qua các dấu hiệu sau:

  • Sợ hãi trước thông tin tiêu cực: Họ dễ bị ảnh hưởng bởi các tin đồn và thông tin tiêu cực, dẫn đến việc ra quyết định thiếu sự nghiên cứu và xác minh nguồn tin chính xác.

  • Nôn nóng và căng thẳng: Trong quá trình giao dịch, họ thường xuyên kiểm tra lệnh và vị thế của mình mà không có kế hoạch hoặc chiến lược cụ thể, gây ra sự căng thẳng không cần thiết.

  • Thiếu kế hoạch và chiến lược: Họ thường đầu tư hoặc giao dịch mà không có kế hoạch rõ ràng, dễ dẫn đến quyết định sai lầm.

  • Giao dịch dựa trên tin tức: Họ thường xuyên giao dịch theo tin tức mà không cập nhật thông tin thị trường đủ nhanh hoặc không có cái nhìn tổng quan về tin tức, dẫn đến quyết định không chính xác.

  • Dễ bị lung lay: Họ thiếu kỹ năng phân tích kỹ thuật cơ bản, khiến họ dễ bị dao động và không kiên định với quan điểm của mình, không thể đánh giá đúng tiềm năng của dự án trong thị trường đầy tính biến động như tiền điện tử.

tâm lý khi mắc hội chứng fud

Ví dụ:

Nhà giao dịch A đã thực hiện lệnh mua token B và đang chờ giá tăng để bán kiếm lời. Tuy nhiên, vài ngày sau, một tin tức lan truyền rằng token B sẽ bị delist (gỡ khỏi) sàn giao dịch, kèm theo chứng cứ là một tấm hình thông báo giả mạo của sàn. Tin tức này khiến nhà giao dịch A hoang mang và lo lắng.

Ngay lập tức, A kiểm tra các cộng đồng crypto khác nhau trên Telegram và thấy tin tức này được bàn luận sôi nổi. Sự bàn tán này làm tăng mức độ lo lắng của A, vì nếu token B thật sự bị delist, khả năng mất tiền của A là rất cao.

Trong tình huống này, tâm lý của A chuyển từ việc theo dõi và đầu tư dài hạn sang việc chỉ tập trung vào bảo toàn tài sản. A quyết định bán tháo token B với giá thấp nhất có thể để giảm thiểu lỗ. Khi nhiều nhà đầu tư cùng rơi vào tình trạng sợ hãi như A và thực hiện hành động bán tháo, nhu cầu mua giảm và nhu cầu bán tăng cao, dẫn đến đà giảm giá mạnh của token B so với mức giá trước khi xảy ra FUD.

Trong trường hợp này:

  • Token B là đối tượng bị ảnh hưởng bởi FUD (hoặc bị FUD).

  • Nhà giao dịch A là người mắc hội chứng FUD.

Tác động của FUD đến thị trường

Đối với các dự án, FUD có thể dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng về giá của đồng token do sự mất cân bằng giữa cung và cầu. Một số dự án nhỏ thậm chí có thể đối diện với nguy cơ sụp đổ hoàn toàn nếu không có kế hoạch hợp lý để xử lý tình hình và khôi phục niềm tin từ cộng đồng nhà đầu tư.

Đối với cộng đồng nhà đầu tư và nhà giao dịch, FUD có thể gây ra sự dao động mạnh mẽ trong cảm xúc và tâm lý, dẫn đến lo lắng, nghi ngờ và quyết định vội vã. Hậu quả là tài sản của họ có thể giảm dần theo thời gian sau mỗi đợt bị ảnh hưởng bởi FUD.

Hơn nữa, FUD còn có thể làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư và nhà giao dịch vào thị trường tiền điện tử, khiến họ mất lòng tin vào các dự đoán của mình và vào thị trường nói chung. Điều này có thể dẫn đến cái nhìn tiêu cực về tiền điện tử và thậm chí khiến họ rời bỏ thị trường. Vì vậy, FUD được coi là một trong những rào cản chính đối với sự phát triển bền vững của thị trường tiền điện tử.

Ai có thể tạo ra FUD?

FUD là một chiến lược thường được áp dụng bởi các tổ chức và cá nhân có tầm ảnh hưởng (KOL) trong thị trường tiền điện tử nhằm phục vụ lợi ích cá nhân của họ. Các nhà tạo FUD có thể bao gồm:

  • Những nhà đầu tư lớn hoặc tổ chức: Họ có thể phát tán thông tin sai lệch để gây ảnh hưởng đến giá trị của một đồng token, từ đó mua vào với giá thấp hơn và chốt lời khi giá tăng lại.

  • Các KOL (Key Opinion Leaders): Những người có sức ảnh hưởng lớn trên các nền tảng truyền thông xã hội có thể sử dụng vị thế của mình để lan truyền thông tin tiêu cực hoặc giả mạo về một dự án.

  • Các đối thủ cạnh tranh: Một số cá nhân hoặc tổ chức có thể phát tán FUD để làm suy giảm giá trị của dự án đối thủ, từ đó làm giảm sự cạnh tranh và có lợi cho dự án của mình.

  • Các nhóm và cộng đồng không rõ nguồn gốc: Những nhóm này có thể tạo ra và phát tán thông tin giả mạo nhằm gây hỗn loạn trên thị trường, thường để phục vụ các mục đích cá nhân hoặc lợi ích nhóm.

ai có thể tạo ra fud

Các nhà tạo FUD thường sử dụng mạng xã hội hoặc các phương tiện truyền thông để phát tán thông tin sai lệch về một dự án, chẳng hạn như thông tin về quy định của chính phủ, rủi ro của dự án, hoặc các vụ lừa đảo. Mục tiêu phổ biến của họ là khiến giá trị của đồng token giảm xuống để mua vào với giá thấp, sau đó kích thích FOMO (Hội chứng sợ bỏ lỡ) trong cộng đồng để đẩy giá lên cao và thu lợi nhuận.

Tuy nhiên, chiến lược FUD có thể gây thiệt hại nặng nề cho các dự án bị ảnh hưởng, đôi khi làm cho chúng không thể phục hồi. Trong một số trường hợp, FUD còn được tạo ra vì lý do “tư thù cá nhân” nhằm làm tổn hại đến dự án hoặc đồng token mà người tạo FUD nhắm đến.

3 vụ FUD nổi tiếng trên thị trường

Trong thị trường crypto, một dự án được coi là bị FUD khi phải đối mặt với thông tin tiêu cực nào đó. Thông thường, những vụ FUD lớn đều xuất phát từ các cơ quan có thẩm quyền hoặc cộng đồng trong thị trường.

Một số ví dụ điển hình về FUD trong crypto bao gồm: Bitcoin từng bị FUD từ phía Trung Quốc, Binance bị FUD bởi SEC, và Tether bị FUD từ cộng đồng.

1. Bitcoin FUD

Kể từ khi Bitcoin ra đời vào năm 2009, chính phủ Trung Quốc đã áp đặt nhiều lệnh cấm đối với Bitcoin và tiền điện tử. Trong suốt hơn một thập kỷ qua, Trung Quốc liên tục tạo ra FUD đối với Bitcoin, khiến thị trường tiền điện tử chứng kiến những đợt giảm giá mạnh.

Các sự kiện FUD lớn liên quan đến Bitcoin ở Trung Quốc bao gồm:

  • Năm 2013: Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cấm các ngân hàng sử dụng Bitcoin và tiền điện tử làm phương tiện thanh toán.

  • Năm 2014: Trung Quốc cấm các sàn giao dịch tiền điện tử nội địa.

  • Năm 2017: Trung Quốc cấm ICO (Initial Coin Offerings) và yêu cầu các sàn giao dịch tiền điện tử đóng cửa.

  • Năm 2018: Chính phủ Trung Quốc áp dụng các biện pháp hạn chế đối với hoạt động khai thác và giao dịch tiền điện tử.

  • Năm 2019: Các ngân hàng Trung Quốc bắt đầu đóng cửa tài khoản liên quan đến tiền điện tử và ngăn chặn các hoạt động thanh toán liên quan đến Bitcoin.

  • Năm 2021: Trung Quốc thực hiện cuộc truy quét mạnh mẽ đối với hoạt động khai thác tiền điện tử, dẫn đến sự giảm sút về quy mô và công suất khai thác Bitcoin trong nước, đồng thời tuyên bố rằng giao dịch tiền điện tử là bất hợp pháp.

bitcoin fud

Lệnh cấm giao dịch tiền điện tử của Trung Quốc đã có tác động lớn đến thị trường toàn cầu. Trước đó, Trung Quốc là quốc gia có nhiều sàn giao dịch và thợ đào tiền điện tử nhất thế giới. Hiện nay, nhiều sàn giao dịch tiền điện tử đã chuyển trụ sở ra nước ngoài, chẳng hạn như Binance, Huobi, Gate.io, và OKX (trước đây là OKEx).

Quan điểm tiêu cực của Trung Quốc đối với tiền điện tử vẫn tiếp tục và cuộc chiến này chưa kết thúc. Với sức mạnh của quốc gia này, các quyết định của Trung Quốc về tiền điện tử có thể tạo ra hiệu ứng domino và ảnh hưởng lớn đến các quốc gia khác, làm cho đây trở thành một chủ đề đáng quan tâm trong cộng đồng tiền điện tử.

2. Binance FUD

Ngày 5/6/2023, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đã nộp đơn kiện Binance – sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới với cáo buộc vi phạm Luật Chứng khoán Liên bang. SEC cho rằng token BNB và stablecoin BUSD của Binance là loại chứng khoán, nhưng sàn giao dịch này không có giấy phép giao dịch chứng khoán theo quy định của SEC.

Ngoài Binance, sàn Coinbase và nhiều đồng coin khác cũng đối mặt với các cáo buộc tương tự, bao gồm Solana (SOL), Cardano (ADA), Polygon (MATIC), Coti (COTI), Algorand (ALGO), Axie Infinity (AXS), Filecoin (FIL), Cosmos (ATOM), Sandbox (SAND) và Decentraland (MANA).

binance fud

Ngay sau khi thông tin này được công bố, toàn bộ thị trường tiền điện tử đã trải qua một ngày giảm giá mạnh mẽ. Bitcoin (BTC) giảm 5% xuống mức 25,800 USD, trong khi Ether (ETH) giảm 4.5% còn 1,811 USD.

Chỉ sau 4 ngày từ khi SEC công bố cáo buộc (ngày 9/6/2023) đã xảy ra các sự kiện đáng chú ý:

  • 2 triệu USD dòng tiền ròng trên blockchain Ethereum đã bị rút khỏi Binance, bao gồm cả ETH và các token khác trên blockchain Ethereum.

  • Số tiền rút BTC ra khỏi sàn nhiều hơn số tiền gửi BTC khoảng 838 triệu USD, tương đương với 31,868 BTC.

  • Riêng ngày 7/6/2023, đã có 13,953 BTC bị rút ra khỏi Binance, đánh dấu mức rút tiền hàng ngày lớn nhất trên sàn kể từ tháng 12/2022.

Mặc dù tổng giá trị rút ròng trong tuần là rất lớn, nhưng nó chỉ chiếm khoảng 5% tổng số tài sản trên sàn giao dịch. Thực tế, cùng với Coinbase, Binance đã thành công trong việc giải quyết vụ kiện và đạt được thỏa thuận về việc tiếp tục hoạt động tại Hoa Kỳ.

3. Tether FUD

Ngày 15/6/2023, USDT đã giảm nhẹ so với mức peg 1 USD xuống còn khoảng 0.9972 USD. Sự chênh lệch này đã làm dấy lên lo ngại trong cộng đồng crypto vì USDT là stablecoin có vốn hóa lớn nhất thị trường. Nhiều tin đồn FUD đã xuất hiện, cho rằng USDT có nguy cơ mất peg và trở thành “UST thứ hai”, hoặc rằng Tether không có đủ dự trữ để duy trì tỷ lệ 1:1 với USD.

Trong bối cảnh này, những nhà đầu tư lo lắng đã nhanh chóng chuyển đổi USDT sang USDC để bảo vệ tài sản của mình. Trên sàn Binance, tỷ giá của cặp giao dịch USDC/USDT đã đạt mức 1.0030, tức USDC có giá cao hơn USDT 0.3%.

Một số cá voi cũng đã tận dụng cơ hội này để kiếm lợi nhuận bằng cách tạo vị thế short USDT qua các nền tảng lending như Compound, Aave, hoặc mua vào USDT để thực hiện giao dịch chênh lệch giá (arbitrage).

tether fud

Sự sụt giảm giá của USDT chủ yếu là do khối lượng bán lớn USDT trong 3pool (pool thanh khoản stablecoin lớn nhất của Curve Finance), khiến tỷ lệ USDT trong pool quá cao (gần 75%) và dẫn đến sự mất cân bằng tỷ giá trên thị trường.

Nguyên nhân sâu xa hơn của việc bán tháo này là thông tin sai lệch được Coindesk đưa ra, trong đó nêu rõ Tether nắm giữ nhiều thương phiếu có tính rủi ro cao và đồng USDT không được đảm bảo đầy đủ trong giai đoạn 2017 – 2018.

Tuy nhiên, Tether đã ngay lập tức phản hồi, khẳng định rằng các báo cáo mà Coindesk đưa ra đã lỗi thời và thuộc về năm 2021. Tether cũng tuyên bố công ty hoạt động minh bạch với quỹ dự trữ đủ khả năng đáp ứng nhu cầu redeem tài sản của tất cả người dùng.

Khoảng 7 giờ sau khi xảy ra sự cố mất peg, USDT đã nhanh chóng phục hồi về mức 0.99826 USD, và tỷ trọng của USDT trong 3pool của Curve Finance cũng giảm từ hơn 73% xuống còn 68.71%.

6 cách giúp nhà đầu tư tránh tâm lý FUD

Trên thực tế, tâm lý FUD là một phần tự nhiên của mọi nhà đầu tư trên thị trường và không thể hoàn toàn loại bỏ. Tuy nhiên, bạn có thể hạn chế ảnh hưởng của tâm lý FUD bằng những cách sau:

  1. Nắm vững kiến thức: Hiểu rõ về dự án hoặc đồng coin mà bạn đang quan tâm là rất quan trọng. Điều này giúp bạn phân biệt thông tin chính xác với lời đồn đại, từ đó tránh được tâm lý hoảng loạn do thông tin sai lệch.

  2. Nắm bắt thông tin từ nhiều nguồn đáng tin cậy: Đừng chỉ dựa vào một nguồn thông tin duy nhất. Hãy tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn khác nhau để có cái nhìn tổng quan và đánh giá chính xác tình hình.

  3. Xây dựng kế hoạch đầu tư: Trước khi đầu tư vào bất kỳ dự án nào, hãy thiết lập một kế hoạch đầu tư rõ ràng và tuân thủ nó. Kế hoạch này nên bao gồm việc xác định mục tiêu đầu tư, mức độ rủi ro chấp nhận được và chiến lược thoát ra khỏi vị thế.

  4. Giữ tinh thần bình tĩnh: Đừng để tâm lý hoảng loạn chi phối quyết định đầu tư của bạn. Hãy giữ tinh thần bình tĩnh và điều chỉnh kế hoạch đầu tư dựa trên thông tin và phân tích chính xác.

  5. Thực hiện phân tích kỹ thuật và cơ bản: Kết hợp phân tích kỹ thuật và cơ bản để có cái nhìn toàn diện về thị trường và dự án. Phân tích kỹ thuật giúp bạn hiểu về xu hướng và biến động giá, trong khi phân tích cơ bản giúp bạn đánh giá tiềm năng phát triển của dự án.

  6. Duy trì sự tự tin: Dù thị trường có biến động, hãy tin tưởng vào quyết định của mình và không để tâm lý FUD làm giảm đi sự tự tin. Nhớ rằng sự biến động là điều bình thường trong thị trường tiền điện tử và bạn cần có sự kiên nhẫn để giao dịch thành công.

Kết luận

Mặc dù không thể hoàn toàn loại bỏ tâm lý FUD, nhưng các nhà đầu tư có thể giảm thiểu ảnh hưởng của nó bằng cách nắm vững kiến thức, kiểm tra thông tin từ nhiều nguồn đáng tin cậy, xây dựng kế hoạch đầu tư rõ ràng, và duy trì sự bình tĩnh. Bằng cách này, các bạn có thể đưa ra quyết định đầu tư dựa trên phân tích và thông tin chính xác, thay vì bị chi phối bởi những tin đồn và cảm xúc tiêu cực.