Trong bối cảnh chính quyền Nigeria đang siết chặt quản lý đối với tiền mã hoá, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khuyến nghị quốc gia này xem xét cấp phép các sàn giao dịch tiền mã hoá quốc tế, nhằm tăng cường ổn định kinh tế và vị thế trong lĩnh vực tài sản số tại Châu Phi.
Đề xuất được IMF đưa ra trong báo cáo tư vấn mới nhất dành cho Nigeria. Theo báo cáo, việc cấp phép sàn giao dịch và tuân thủ các tiêu chuẩn quản lý nghiêm ngặt về AML/CFT sẽ thu hút đầu tư nước ngoài và cải thiện quy trình chuyển tiền, đặc biệt quan trọng với lượng lớn người nước ngoài sinh sống tại Nigeria. IMF cũng chỉ ra những khoảng trống đáng kể trong cán cân thanh toán của Nigeria, với chênh lệch lên tới 7,5 tỷ USD (2% GDP quốc gia), chủ yếu do các hoạt động tài chính không khai báo, thường sử dụng tiền mã hoá trong giao dịch xuyên biên giới.
IMF cho rằng, thông qua việc quản lý và cấp phép phù hợp, tiền mã hoá sẽ cung cấp cho Nigeria các công cụ xử lý giao dịch an toàn và hiệu quả hơn, tăng cường kiểm soát đối với các giao dịch tài chính kỹ thuật số, hạn chế các hoạt động tài chính bất hợp pháp và giảm thiểu rủi ro gian lận, rửa tiền liên quan đến tiền mã hoá. Báo cáo cũng nhấn mạnh tiềm năng của tài chính kỹ thuật số trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người dân chưa có tài khoản ngân hàng ở Châu Phi.
Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, chính quyền Nigeria đã có những động thái siết chặt đáng kể đối với thị trường tiềnmã hoá và giao dịch P2P. Ngân hàng Trung ương Nigeria lo ngại về sự biến động trên thị trường ngoại hối do hoạt động đầu cơ tiền mã hoá, đặc biệt là các chiêu trò “bơm và xả” trong giao dịch P2P. Gần đây, cơ quan quản lý Nigeria đã cáo buộc Binance tạo điều kiện cho 26 tỷ USD giao dịch tiền mã hoá không thể truy xuất nguồn gốc, dẫn đến việc bắt giữ hai giám đốc điều hành của Binance và đóng băng hơn 1.000 tài khoản ngân hàng liên quan đến giao dịch P2P.
Theo các báo cáo địa phương, các nhà giao dịch tiền mã hoá tại Nigeria đang dần chuyển sang hoạt động bí mật nhằm đối phó với những cuộc đàn áp này. Họ hiện đang sử dụng các kênh phi chính thức như WhatsApp và Telegram để giao dịch P2P, sử dụng ví blockchain không giám sát hoặc tự giám sát để tiếp tục hoạt động ngoài phạm vi của các sàn giao dịch được quản lý.