Meta thừa nhận thu thập dữ liệu công khai của người dùng trưởng thành tại Úc để huấn luyện AI, nhưng không cung cấp tùy chọn từ chối như ở châu Âu.

Trong phiên điều trần gần đây về việc liệu Facebook có thu thập dữ liệu của tất cả người dân Úc để phát triển công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) hay không, bà Melinda Claybaugh, Giám đốc quyền riêng tư toàn cầu của Meta, ban đầu đã bác bỏ cáo buộc này.

Tuy nhiên, đại diện của Facebook sau đó đã thừa nhận họ thu thập dữ liệu từ các bài đăng công khai của người dùng trưởng thành tại Úc, trong khi không làm như vậy ở châu Âu.

Theo tờ ABC, bà Claybaugh cũng không thể trả lời liệu công ty có thu thập dữ liệu từ các năm trước của những người dùng hiện là người lớn, nhưng đã dưới 18 tuổi khi tạo tài khoản hay không.

Trước đó vào tháng 6, Meta thông báo cho người dùng tại Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ rằng dữ liệu của họ sẽ được sử dụng để huấn luyện các sản phẩm AI, chẳng hạn như Meta AI, trừ khi họ chọn từ chối. Trong khi người dùng tại Úc không có tùy chọn này. Bà Claybaugh giải thích rằng tại EU, Meta phải cung cấp tùy chọn từ chối do những quy định bảo mật nghiêm ngặt, trong khi luật bảo mật tại Úc chưa theo kịp.

Meta lý giải rằng họ cần một lượng dữ liệu lớn để phát triển các công cụ AI mạnh mẽ và an toàn hơn, ít thiên vị hơn. Tuy nhiên, điều này làm dấy lên lo ngại về việc bảo vệ quyền riêng tư của người dùng Úc, đặc biệt là trẻ em.

Giám đốc chính sách bảo mật toàn cầu của Meta, Melinda Claybaugh đã phát biểu tại cuộc điều tra của Thượng viện về việc áp dụng AI. Nguồn: ABC News: Adam Kennedy. Sức ép đối với chính phủ Úc

Thông tin trên được tiết lộ vào thời điểm chính phủ Úc đang xem xét các biện pháp cải cách luật bảo mật.

Thượng nghị sĩ Shoebridge đã kêu gọi chính phủ cần ưu tiên cập nhật luật bảo mật để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, tương tự như tại châu Âu. Ông cho rằng sự chậm trễ của chính phủ trong việc cải cách đã cho phép các công ty như Meta tiếp tục khai thác dữ liệu cá nhân của người dùng mà không bị kiểm soát.

Chính phủ Úc dự kiến sẽ công bố các cải cách quan trọng đối với Đạo luật Bảo mật trong thời gian tới, nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân trong bối cảnh các nền tảng truyền thông xã hội tiếp tục mở rộng phạm vi và tác động đến đời sống hàng ngày.