Ngân hàng Trung ương Brazil đề xuất cấm rút stablecoin về ví tự quản lý, nhằm tăng cường kiểm soát dòng vốn và thị trường ngoại hối.

Ngày 29/11, Ngân hàng Trung ương Brazil (BCB) công bố đề xuất quy định mới, siết chặt quản lý hoạt động giao dịch stablecoin trong nước. Động thái được đưa ra trong bối cảnh số lượng người dùng và khối lượng giao dịch stablecoin tại Brazil tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Theo thông báo tham vấn công khai được BCB phát hành, việc chuyển đổi stablecoin, được định nghĩa là “token có giá trị bằng ngoại tệ”, giữa các cư dân Brazil sẽ bị hạn chế, trừ những trường hợp được pháp luật Brazil cho phép thanh toán bằng ngoại tệ.

Quy định này đồng nghĩa với việc người dùng sẽ không thể rút stablecoin từ các sàn giao dịch tập trung về ví tự quản lý. BCB cho biết chính sách trên nhằm bảo vệ tính toàn vẹn của dòng vốn quốc tế và điều chỉnh hệ thống tài chính phù hợp với thực tế của tài sản số.

Đề xuất trên là một phần của dự luật quy định tiền mã hóa đã được Brazil thông qua vào tháng 12/2022. Dự luật xác định BCB là cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng và giám sát các quy tắc cho ngành công nghiệp tiền mã hóa tại quốc gia này. 

Tham vấn công khai về đề xuất mới sẽ kéo dài đến ngày 28/2/2025, cho phép các bên tham gia thị trường đóng góp ý kiến. Tuy nhiên, BCB có quyền bác bỏ các ý kiến này và thực hiện theo đề xuất ban đầu.

Tác động lên thị trường tiền mã hóa Brazil

BCB khẳng định các quy định được đề xuất nhằm tăng cường sự chắc chắn về pháp lý cho doanh nghiệp và cá nhân, đồng thời thúc đẩy cạnh tranh và hiệu quả trong thị trường ngoại hối.

Cụ thể, quy định này tập trung vào ba hoạt động cốt lõi của các nhà cung cấp dịch vụ tài sản số hoạt động trong thị trường ngoại hối: hỗ trợ thanh toán và chuyển tiền quốc tế qua tiền mã hóa; cung cấp dịch vụ trao đổi hoặc lưu ký token được định giá bằng reais Brazil cho các cá nhân không cư trú; và quản lý giao dịch liên quan đến token gắn liền với ngoại tệ.

Đáng chú ý, các sàn giao dịch tập trung sẽ phải xin giấy phép ngoại hối để cung cấp các dịch vụ liên quan đến stablecoin. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ cho các sàn giao dịch, buộc họ phải đáp ứng các yêu cầu pháp lý nghiêm ngặt hơn.

Ngoài ra, các khoản đầu tư tiền mã hóa, bao gồm cả nhập khẩu và xuất khẩu, sẽ phải tuân thủ các tiêu chuẩn quy định giống như các khoản đầu tư truyền thống. Các khoản tín dụng quốc tế, đầu tư trực tiếp nước ngoài và vốn Brazil đầu tư ra nước ngoài liên quan đến tiền mã hóa cũng sẽ phải tuân thủ các quy định quốc tế về vốn hiện hành.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Thuế vụ Brazil (RFB), gần 4,4 triệu người Brazil đã chuyển 4,2 tỷ USD tiền mã hóa trong tháng 9/2024. Trong đó, stablecoin chiếm tỷ trọng đáng kể với 71,4% tổng giá trị giao dịch, tương đương khoảng 3 tỷ USD. Tether USD (USDT) là stablecoin được giao dịch nhiều nhất, với 2,77 tỷ USD được lưu chuyển bởi các nhà đầu tư tiền mã hóa Brazil.