Vụ Nga phóng tên lửa mới vào thành phố Dnipro của Ukraine đã khiến Mỹ và NATO lo ngại. Tổng thống Nga Putin tuyên bố, các hệ thống phòng không không thể đánh chặn tên lửa Oreshnik của nước này.
Tổng thống Vladimir Putin ngày 22/11 tuyên bố Nga sẽ tiếp tục thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mà nước này phóng vào Ukraine một ngày trước đó và tiến tới bắt đầu sản xuất hàng loạt tên lửa mới này.
Phát biểu trên truyền hình, ông Putin cho biết tên lửa này rất khó đánh chặn: "Hiện nay trên thế giới không có biện pháp đối phó nào và cũng không có phương tiện nào để đánh chặn tên lửa như vậy. Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng chúng tôi sẽ tiếp tục thử nghiệm vũ khí mới nhất này, sau đó tiến tới sản xuất hàng loạt”.
Sức mạnh đáng gờm của tên lửa siêu vượt âm Oreshnik
Tên lửa đạn đạo tầm trung mới có tên Oreshnik mà Nga sử dụng trong một cuộc tấn công vào Ukraine hôm 21/11 vừa qua là vũ khí có khả năng hạt nhân mà Moscow chưa từng công bố trước đó.
Ông Putin cho biết thêm, cuộc tấn công vào thành phố Dnipro là cuộc thử nghiệm thành công một trong những hệ thống tên lửa tầm trung mới nhất của Nga trong điều kiện chiến đấu. Các kỹ sư đã đặt tên cho tên lửa là Oreshnik, có nghĩa là cây phỉ, trong tiếng Nga. Tổng thống Putin cho biết tên lửa này đã được triển khai "theo cấu hình siêu thanh phi hạt nhân" và cuộc thử nghiệm đã thành công khi tên lửa bắn trúng mục tiêu.
Tốc độ
Tổng thống Putin tuyên bố, các hệ thống phòng không không thể đánh chặn Oreshnik, vì nó có tốc độ Mach 10, hay 2,5 đến 3 km/giây.
Tên lửa siêu vượt âm di chuyển với tốc độ cao gấp nhiều lần tốc độ âm thanh, có khả năng cơ động giữa chuyến bay, khiến chúng khó bị theo dõi và đánh chặn hơn. "Các hệ thống phòng không hiện đại không thể đánh chặn những tên lửa như vậy”, ông Putin khẳng định
Trong thông báo trên Telegram, Cơ quan Tình báo quân sự Ukraine (GUR) cho biết, tên lửa chỉ mất 15 phút để bay từ trường bắn Kapustin Yar ở vùng Astrakhan của Nga đến thành phố Dnipro, với khoảng cách 800 km, đạt tốc độ cuối cùng trên Mach 11.
Giải thích về lý do tên lửa Oreshnik khó bị đánh chặn, cựu Đại tá quân đội Nga Viktor Litovkin cho rằng: “Thứ nhất, Oreshnik là tên lửa tầm trung, có thể bay trong khoảng cách từ 1.000 km đến 5.500 km. Thứ hai, đây là tên lửa siêu vượt âm, có khả năng bay với tốc độ Mach 10". Không một hệ thống phòng không hoặc phòng thủ tên lửa nào trên thế giới có khả năng đánh chặn những tên lửa siêu vượt âm đó, ông Litovkin nhấn mạnh.
"Phương Tây không có tên lửa bay với tốc độ như vậy và cũng không có phương tiện đánh chặn phù hợp. Mặc dù Mỹ đã nhiều lần tuyên bố họ có những tên lửa như Oreshnik nhưng họ chưa bao giờ công bố chuyến bay thử nghiệm của tên lửa đó. Họ chỉ công bố những tên lửa bay với tốc độ siêu thanh gấp 5,5 lần tốc độ âm thanh hoặc Mach 5,5. Tuy nhiên, tốc độ siêu vượt âm bắt đầu ở mức Mach 6-7".
Nguyên lý hoạt động của tên lửa này tương tự như nguyên lý hoạt động của tên lửa siêu thanh Kinzhal được phóng từ máy bay siêu thanh MiG-31K, hay phương tiện lướt siêu vượt âm Avangard, được tăng tốc nhờ sử dụng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa UR-100N UТТKh làm động cơ đẩy, chuyên gia Viktor Litovkin giải thích.
Đầu đạn
Tên lửa Oreshnik có thể có từ 3 đến 6 đầu đạn, chuyên gia quân sự Viktor Baranets suy đoán. Còn Cơ quan Tình báo Ukraine cho rằng tên lửa có 6 đầu đạn. Trong khi đó ông Igor Korotchenko, biên tập viên của tạp chí National Defence có trụ sở tại Moscow lưu ý, dựa trên video về cuộc tấn công, Oreshnik có khả năng mang nhiều đầu đạn dẫn đường độc lập. Trong vụ tấn công này, đó là đầu đạn thông thường. Nhưng tên lửa cũng có thể mang đầu đạn hạt nhân.
Việc "các đầu đạn chạm đến mục tiêu gần như đồng thời cho thấy hệ thống tên lửa này hoạt động "rất hiệu quả", ông Korotchenko nhận định, đồng thời cho đây là "kiệt tác của tên lửa quân sự nhiên liệu rắn hiện đại của Nga".
Cựu đại tá Litovkin cho rằng: "Tên lửa tăng tốc toàn bộ đầu đạn của nó lên tốc độ siêu vượt âm và các đầu đạn bay đến mục tiêu cũng ở tốc độ siêu vượt âm".
Một số chuyên gia quân sự suy đoán, tên lửa mới của Nga có thể mang theo ít nhất sáu đầu đạn tái nhập mục tiêu độc lập (MIRV). Họ cho rằng Oreshnik chỉ mất khoảng thời gian ngắn để tiếp cận các mục tiêu quan trọng của NATO ở châu Âu. Theo một số đánh giá, tên lửa có thể tiếp cận căn cứ tên lửa Aegis Ashore của Mỹ tại Redzikowo, Ba Lan trong vòng 8 đến 11 phút.
Tầm bắn
Tổng thống Putin nói rằng Oreshnik là tên lửa tầm trung. Thông thường, tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) có tầm bắn từ 1.000 đến 5.500 km, thấp hơn một cấp so với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Chuyên gia quân sự Ilya Kramnik cũng nhận định tầm bắn của Oreshnik có thể ở mức cao nhất của loại tên lửa tầm trung, khoảng 3.000 đến 5.000 km.
"Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Nga sử dụng tên lửa tầm trung trong chiến đấu", bien tập viên Dmitry Kornev của trang web Military Russia nhận định.
Nguồn gốc
Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng Oreshnik là tên lửa "thử nghiệm", được phát triển dựa trên tên lửa đạn đạo RS-26 Rubezh của Nga. Nhưng có rất ít thông tin về tên lửa này.
Rubezh là tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM), được sản xuất vào năm 2011 và thử nghiệm thành công vào năm 2012. Nó có có khả năng mang đầu hạt nhân, nặng 36.000 kg với tầm bắn 5.800 km. Nhưng Nga đã dừng việc phát triển và triển khai tên lửa này vào năm 2018 để chuyển sang chế tạo phương tiện lướt siêu vượ âm Avangard.
Chuyên gia vũ khí Nga Yan Matveyev cho rằng, việc phát triển tên lửa Oreshnik sẽ bao gồm hai giai đoạn với chi phí khá đắt đỏ, do vậy khả năng Nga sản xuất hàng loạt tên lửa này là không cao.
Chuyên gia vũ khí Pavel Podvig, Giám đốc Dự án Lực lượng hạt nhân Nga cho rằng, với tầm bắn trên, "Oreshnik có thể đe dọa hầu như toàn bộ châu Âu nhưng khó có khả năng đe dọa Mỹ".
Tổng thống Putin ngày 21/11 tuyên bố, Nga sẽ "xem xét việc triển khai thêm tên lửa tầm trung và tầm ngắn dựa trên hành động của Mỹ cùng các nước đồng minh và đối tác của Washington”.