Mở đầu
Với sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp blockchain đặc biệt là giải pháp modular, việc tạo ra một blockchain đã trở nên đơn giản hơn bao giờ hết, thậm chí nhiều bộ công cụ hỗ trợ triển khai một layer-2 chỉ trong 15 phút, điều này dẫn tới sự gia tăng nhanh chóng về mặt số lượng của các mạng lưới.
Theo dữ liệu từ Coingecko, thị trường hiện tại có khoảng 300 blockchain đang hoạt động, nếu tính cả những dự án đang phát triển con số này có thể lên tới hơn 1000. Một hệ quả lớn của gia tăng số lượng nhanh chóng này là sự phân mảnh thanh khoản và làm tồi tệ trải nghiệm người dùng.
Như chúng ta đều biết, mỗi mạng lưới đều có cấu hình khác nhau, sử dụng những trình quản lý tài sản và cách hoạt động riêng. Để bắt đầu sử dụng người dùng cần nạp tiền vào các mạng lưới đó thông qua bridge, thiết lập các cài đặt, tài về các ứng dụng, lưu seed phase, vân vân. Với những người không rành công nghệ thì đó thực sự là cơn ác mộng trong mê cung blockchain.
Nếu không phải là người am hiểu công nghệ và từng có trải nghiệm trong thị trường DeFi thì những rào cản này dễ khiến người dùng bỏ cuộc. Đó là còn chưa kể tới các nhà phát triển cũng gặp khó khăn khi muốn dApp của họ giao tiếp với nhiều mạng lưới bởi sự phân mảnh công nghệ.
Theo báo cáo từ TripleA hồi tháng 5/2024, số người sở hữu crypto toàn cầu mới chỉ là 562 triệu tương ứng với tỷ lệ thâm nhập 6.8%. Con số này tương đương Internet giai đoạn 2001-2002, hiện tại tỷ lệ thâm nhập của internet khoản 66.2%.
Những điều này đã sớm được nhận ra bởi các nhà phát triển, những năm qua nhiều cải tiến đã được đưa ra như Cross-chain, Account Abstraction, Intent Centric và mới đây là Chain Abstraction, một giải pháp được coi là “end game" cho vấn đề trải nghiệm người dùng.
Trong các phần tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết về Chain Abstraction, cách hoạt động, những ưu nhược điểm của nó.
Abstraction là gì?
Có thể bạn đã nghe nhiều về từ khoá “abstraction" thông qua các giải pháp account abstraction trong thị trường crypto, nhưng abstraction cũng được sử dụng phổ biến ở các lĩnh vực khác.
Abstraction là một khái niệm được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như máy tính, toán học và triết học, ám chỉ việc đơn giản hóa các hệ thống phức tạp bằng cách loại bỏ đi chi tiết không cần thiết và chỉ tập trung vào những khía cạnh cốt lõi.
Trong lập trình, abstraction giúp giấu đi chi tiết phức tạp, cho phép người dùng tương tác với hệ thống thông qua giao diện đơn giản. Nó giúp giảm độ phức tạp, tăng tính linh hoạt và tái sử dụng mã nguồn.
Chain Abstraction là gì?
Chain Abstraction là một khái niệm ám chỉ việc đơn giản hóa tương tác của người dùng với nhiều blockchain khác nhau, mang lại trải nghiệm “không blockchain”.
Thay vì phải thực hiện các thao tác phức tạp như chuyển đổi tài sản giữa các chuỗi, quản lý nhiều loại token gas hoặc chuyển đổi mạng lưới, Chain Abstraction giúp người dùng tương tác với các ứng dụng phi tập trung thông qua một giao diện duy nhất mà không cần kiến thức kỹ thuật sâu rộng. Điều này làm cho trải nghiệm Web3 trở nên dễ tiếp cận và thuận tiện hơn.
Tương tự như việc bạn sử dụng các ứng dụng ngân hàng hoặc ví điện tử phổ biến, liệu bạn có biết chúng được lưu trữ ở server AWS, Google Cloud hay data central riêng, hay bạn có cần quan tâm đến việc đang kết nối với app thông qua mạng Viettel hay FPT.
Nói một cách ngắn gọn, Chain Abstraction giúp người dùng chỉ cần quan tâm tới tính năng của ứng dụng mà không cần/không muốn biết tới lớp hạ tầng của chúng.
Cách hoạt động của Chain Abstraction
Đầu tiên chúng ta cần hiểu rằng Chain Abstraction không phải là một công nghệ, nó là bộ giải pháp toàn diện hướng tới trải nghiệm người dùng mà chỉ có thể đạt được thông qua nhiều lớp công nghệ.
Hai vấn đề lớn mà Chain Abstraction cần giải quyết là Phân mảnh công nghệ và Phân mảnh thanh khoản. Những giải pháp hiện nay đang cố gắng giải quyết một phần hoặc toàn bộ vấn đề trên. Chi tiết hơn, những công việc cần được giải quyết bên dưới lớp ứng dụng bao gồm:
Định danh người dùng trên nhiều mạng lưới
Giao tiếp và xác thực xuyên chuỗi
Nhận diện và chuyển đổi mạng lưới linh hoạt
Quản lý tài sản đa chuỗi
Xử lý gas fee đa chuỗi
Mặc dù từ khoá Chain Abstraction mới chỉ bắt đầu được nhắc tới nhiều trong năm 2024, nhưng đã có không ít mô hình được giới thiệu. Nổi tiếng nhất có CAKE framework từ Frontier Research, Chain Abstraction Stack của Everclear và Multi-Layer Framework bởi Particle Network.
CAKE Framework
CAKE Framework của Frontier Research chia hạ tầng cho Chain Abstraction thành 4 lớp:
Application Layer: Lớp ứng dụng giao tiếp với người dùng. Nó có nhiệm vụ kết nối người dùng với dApp và cung cấp trải nghiệm liền mạch bằng cách ẩn đi các chi tiết phức tạp của blockchain.
Permission Layer: Lớp quản lý quyền truy cập. Lớp này đảm bảo rằng người dùng có thể thực hiện các hành động và xác thực giao dịch. Lớp này thường được phụ trách bởi các giải pháp liên quan đến quản lý tài sản người dùng như Account Abstraction.
Solver Layer: Lớp giải quyết. Lớp này tính toán và tối ưu hóa chi phí, thời gian giao dịch. Nó giúp người dùng lựa chọn các phương án tốt nhất. Lớp này là sự xuất hiện của mô hình Intent-Centric.
Settlement Layer: Lớp giải quyết. Đảm bảo việc giao dịch được hoàn tất và lưu lại trên blockchain. Lớp này chịu trách nhiệm cho việc ghi nhận và xác thực các giao dịch đã thực hiện.
Chain Abstraction Stack
Chain Abstraction Stack của Everclear (Connext cũ) chia nhỏ hơn các lớp và tập trung vào ý định của người dùng. Theo đó có 5 lớp trong mô hình hoạt động:
Permissions: Lớp quản lý quyền truy cập, chịu trách nhiệm thu thập ý định và quản lý cấp phép quyền từ người dùng.
Auctions: Lựa chọn Solver phù hợp với ý định của người dùng để thực thực thi giao dịch.
Solving: Nơi xử lý các ý định của người dùng tại chuỗi mục tiêu.
Clearing: Thực hiện thanh toán bù trừ trên các chuỗi để cân bằng thanh khoản. Lớp này được xử lý bởi chính dự án Everlear.
Settlement: Xử lý các thực thi cuối cùng trên blockchain.
Multi-Layer Framework
Multi-Layer Framework bởi Particle Network là một kiến trúc đa lớp được thiết kế để tối ưu hóa trải nghiệm người dùng và khả năng tương tác giữa các blockchain. Nó bao gồm ba lớp chính là Application, Account và Blockchain tương ứng với các nhóm vấn đề cần được giải quyết ở mỗi lớp.
Cụ thể nhiệm vụ của mỗi lớp như sau:
Application layer: Lớp ứng dụng hay còn gọi là Orchestration, lớp này tạo điều kiện cho các nhà phát triển xây dựng và triển khai các dApp trên nhiều blockchain khác nhau mà không cần thay đổi cấu trúc ứng dụng. Nó giúp điều phối các giao dịch xuyên chuỗi một cách mượt mà và hiệu quả.
Account layer: Giúp định danh và quản lý số dư của người dùng trên nhiều chuỗi, nó cho phép người dùng quản lý tài sản mà không phải lo lắng về sự phức tạp của việc chuyển đổi qua lại giữa các blockchain.
Blockchain layer: Đảm bảo khả năng tương tác và bảo mật giữa các blockchain, giúp các chuỗi chia sẻ tài nguyên và giao tiếp hiệu quả, đồng thời giảm chi phí và rủi ro khi thực hiện các giao dịch liên chuỗi.
Nhìn chung ở tất cả các mô hình Chain Abstraction đều là sự phối hợp của đa lớp công nghệ với đích đến cuối cùng là trải nghiệm người dùng.
Ở lớp sát với người dùng nhất là các giao diện thân thiện, ẩn đi sự phức tạp bên dưới của blockchain giúp người dùng chỉ cần tập trung vào tính năng sản phẩm. Các dự án trong nhóm này cung cấp cho nhà phát triển các bộ công cụ để phát triển ứng dụng ít phụ thuộc vào chuỗi.
Lớp tiếp theo là lớp quản lý quyền truy cập thông qua các giải pháp như Account Abstraction, Intent Centric. Lớp này giúp người dùng quản lý tài sản trên nhiều chuỗi khác nhau, nắm bắt ý định và điều phối luồng thực thi để đưa ra kết quả tốt nhất.
Bên dưới là là lớp giải quyết có trách nhiệm thực thi các ý định của người dùng, lớp này thường có sự xuất hiện của các giải pháp liên quan tới nghiệp vụ tạo thanh khoản cho thị trường.
Cuối cùng là lớp Settlement, tại đây các giao dịch của người dùng sẽ được bảo mật trên các mạng lưới blockchain đích.
Các dự án nổi bật
Application layer
Agoric, Socket, Skip, Orb Labs, Light, Okto, Klashter, LiFi.
Permission layer
Particle Network, Near, Xion, Arcana, Aarc, OneBalance, Orb Labs, Light, Safe, Argent.
Solver layer
UniswapX, Suave, Everclear, Essential, Anoma, Across, Socket, Aori, Enso, Khalani, Valentis, Wintermute, Amber.
Settlement layer
Ethereum, Polygon, Optimism, ZKsync, Bitcoin, LayerZero, Wormhole, Axelar, Hyperlane, CCIP (Chainlink), ZetaChain, EigenLayer, Celestia, Avai.
Lời kết
Web3 cung cấp cho người dùng nhiều hơn quyền kiểm soát đối với dữ liệu và tài sản của họ. Tuy nhiên, cái giá phải trả giá là sự phức tạp về mặt kỹ thuật, đặc biệt là trong bối cảnh số lượng blockchain đang tăng lên từng ngày theo cách “spam”.
Chain Abstraction không chỉ là một giải pháp mà đó là đích đến cho ngành công nghiệp Web3, tập trung vào làm mượt trải nghiệm người dùng sẽ là bước đệm tốt để đưa công nghệ này tiến tới phổ cập.
Trên đây là toàn bộ thông tin về Chain Abstraction - giải pháp “end game” cho trải nghiệm người dùng Web3, hy vọng bài viết giúp ích cho bạn trong quá trình nghiên cứu.