Ông Donald Trump hứa hẹn đưa Bitcoin thành tài sản dự trữ quốc gia, chấm dứt cuộc đàn áp tiền số và chấn hưng lại ngành công nghiệp khai thác tiền điện tử.
"Tôi cam kết với cộng đồng nhà đầu tư Bitcoin, ngày tôi tuyên thệ nhậm chức, các động thái chống tiền số sẽ kết thúc. Ngành công nghiệp này sẽ phát triển", một trong những phát biểu chấn động của ông Donald Trump trước khi cuộc bầu cử tổng thống thứ 47 của Mỹ diễn ra. Sau chiến thắng vang dội, chính sách của ông trở thành chủ đề được quan tâm bậc nhất, trong đó có những cam kết để đưa nước Mỹ trở thành "cường quốc tiền số".
Đưa tất cả Bitcoin chưa được khai thác về Mỹ
Từ đầu, ông Trump không phải là người ủng hộ Bitcoin và tiền số. Tuy nhiên quan điểm của ông về ngành công nghiệp này đã thay đổi. Chiến dịch tranh cử của ông Trump nhận quyên góp bằng tiền mã hóa và nhận được sự ủng hộ từ David Bailey, CEO của Bitcoin Magazine.
Trước đó vào tháng 6, tại Palm Beach, Florida (Mỹ), hơn mười giám đốc điều hành và chuyên gia trong ngành khai thác Bitcoin đã ngồi lại với cựu tổng thống. Cuộc trò chuyện kéo dài một tiếng rưỡi, đánh dấu lần đầu tiên ông Trump họp với các đại diện ngành công nghiệp trị giá 1.500 tỉ USD. Cuộc họp này cũng quy tụ một liên minh gồm các công ty khai thác tiền số lớn nhất của Mỹ như Riot Platforms, Marathon Digital Holdings, Terawulf, CleanSpark và Core Scientific.
Chưa đầy bốn giờ sau khi cuộc họp kết thúc, ông Trump lên mạng xã hội và tuyên bố: "Tôi muốn toàn bộ Bitcoin còn lại sẽ được khai thác tại Mỹ". Ông ví von tiền số mới chỉ đang trong giai đoạn thai nghén và là "ngành thép của 100 năm trước". Kể từ đó, ông Trump nhiều lần nhắc lại quan điểm này trong suốt chiến dịch tranh cử để trở thành tổng thống thứ 47 của Mỹ.
Đến tháng 7, cựu tổng thống là diễn giả chính tại Hội nghị Bitcoin Conference 2024 diễn ra ở Nashville. Tại đây, ông đã đưa ra loạt cam kết rõ ràng để ủng hộ tiền số như thành lập "hội đồng cố vấn về tiền điện tử"; đưa tiền số vào quỹ dự trữ liên bang; cam kết giữ lại toàn bộ Bitcoin trong tay chính phủ thay vì bán...
"Tôi sẽ trình bày kế hoạch của mình để đảm bảo Mỹ sẽ là thủ phủ của tiền số và là cường quốc Bitcoin của thế giới. Chúng tôi sẽ thực hiện được điều đó", ông Trump nói tại Hội nghị Bitcoin hồi tháng 7.
Chấm dứt cuộc "thập tự chinh chống tiền số"
Trong các bài phát biểu của mình, ông Trump nhấn mạnh việc chính quyền hiện tại không mấy thân thiện với Bitcoin là sai và mang lại "kết quả tệ hại" cho nước Mỹ. Ông gọi "chiến dịch Choke Point 2.0" là cuộc "thập tự chinh chống tiền số" và cần kết thúc ngay lập tức.
"Ngày đầu tiên nhậm chức, tôi sẽ sa thải Gary Gensler", ông Trump nhắc đến Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC). Ông Gensler nổi tiếng là người có quan điểm tiêu cực về tiền điện tử. Trong nhiệm kỳ của mình, Chủ tịch SEC đã thực hiện hơn 100 vụ kiện chống lại các công ty tiền điện tử. Tuy nhiên, các công ty trong ngành cho rằng cuộc chiến pháp lý do SEC khơi mào không mang lại những lợi ích hay quy định rõ ràng.
Chưa dừng lại ở đó, ông Trump còn cam kết sẽ giảm án cho Ross Ulbricht, người đang lĩnh án tù chung thân vì đã sáng lập và điều hành "chợ đen" trực tuyến Silk Road. Trang web này là một trong những bê bối lớn nhất lịch sử tiền số khi Bitcoin trở thành công cụ để tội phạm mua bán vũ khí, ma túy và thực hiện các giao dịch phi pháp.
Mở quỹ dự trữ quốc gia chiến lược
Tại Hội nghị Bitcoin hồi tháng 7, cựu Tổng thống Trump tuyên bố khi trở lại Nhà Trắng, ông sẽ đảm bảo chính phủ liên bang không bao giờ bán hết số Bitcoin đang nắm giữ. "Trong thời gian quá dài, chính phủ của chúng ta đã vi phạm nguyên tắc cơ bản mọi người chơi Bitcoin đều thuộc lòng: Không bao giờ bán Bitcoin của bạn", ông Trump nói.
Cựu tổng thống Mỹ cũng đề xuất thành lập một quỹ dự trữ liên bang chính thức dành cho tiền số. Thượng nghị sĩ Mỹ Marsha Blackburn của bang Tennessee gọi thông báo này là "khoảnh khắc lịch sử".
Ông Trump còn cam kết duy trì toàn bộ số Bitcoin Mỹ đang có từ việc tịch thu tài sản của tội phạm tài chính. Thậm chí ông còn muốn mua lại số Bitcoin chính phủ từng bán.
Hiện tại, Cơ quan Cảnh sát liên bang của Mỹ thường xuyên đấu giá Bitcoin cũng như các loại tiền điện tử khác. Những lần đẩy Bitcoin ra thị trường như thế có thể khiến giá tiền số sụt giảm do mất cân bằng cung cầu.
Lập Hội đồng cố vấn về Bitcoin
Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump tuyên bố sẽ thành lập một "hội đồng cố vấn về Bitcoin và tiền điện tử". Ông nói: "Các quy tắc sẽ được viết ra bởi những người yêu mến ngành này chứ không phải người ghét nó".
Lời hứa này của ông Trump có căn cứ khi trong đêm ăn mừng chiến thắng tại Mar-a-Lago, ông Trump đã có mặt cùng một danh sách những người ủng hộ thân thiết như Elon Musk, Robert F. Kennedy, Giám đốc điều hành của Cantor Fitzgerald, Howard Lutnick. Ba người này có một điểm chung: tiền điện tử. Ngay cả ứng viên phó tổng thống JD Vance cũng là tín đồ của tiền số và được cho là đang nắm giữ lượng lớn Bitcoin.
Quan trọng hơn, dữ liệu từ trang web "Stand With Crypto" (SWC) của Coinbase cho thấy 262 ứng cử viên ủng hộ tiền điện tử đã giành chiến thắng tại Quốc hội, trong đó có 247 ghế tại Hạ viện và 15 ghế ở Thượng viện. Con số này vượt xa 123 ứng cử viên phản đối hoặc giữ quan điểm trung lập về tiền điện tử, đồng nghĩa sự ảnh hưởng ngày càng tăng của cộng đồng tiền số trong chính trường Mỹ.
Không phải tất cả lời hứa của ông Trump trước tranh cử đều thành hiện thực, tuy nhiên các tín hiệu đều cho thấy chiến thắng của ông đang mở ra một chính quyền thân thiện với Bitcoin và tăng thêm kỳ vọng cho những người ủng hộ tiền mã hóa.