Thị trường tài chính phi tập trung và tiền điện tử đang ngày càng thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư với mức lợi nhuận khủng mà chúng mang lại. Tuy nhiên, người dùng mới vẫn còn khá e dè trong việc tiếp cận với thị trường do các rào cản về tính an toàn và bảo mật trong việc lưu trữ tài sản trên các ví điện tử. Vậy làm thế nào để nhà đầu tư có thể bảo vệ ví điện tử và tài sản của mình một cách an tâm nhất, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Ví crypto là gì?
Decentralized wallet hay ví điện tử phi tập trung, là một loại ví tiền điện tử không được kiểm soát bởi bất kỳ tổ chức hay một bên thứ ba nào, được sử dụng để lưu trữ và quản lý các loại tài sản điện tử như token hay NFT. Ngoài ra, người dùng còn có thể sử dụng ví để tương tác với các ứng dụng phi tập trung (Dapps) trong blockchain.
Vì không được quản lý bởi bất kỳ tổ chức nào, nên người dùng sẽ là người có toàn quyền kiểm soát và quản lý với các loại tài sản của mình. Thường các loại ví điện tử này sẽ được kiểm soát bởi các cụm từ seed phrase và khoá riêng (private key).
2. Các loại ví tiền điện tử crypto
Hiện tại, có 2 loại ví crypto được sử dụng phổ biến và rộng rãi nhất là ví nóng (hot wallet) và ví lạnh (cold wallet).
2.1. Ví nóng
Ví nóng (hot wallet) là loại ví điện tử có thể kết nối với internet và thường được sử dụng để lưu trữ tiền điện tử để thực hiện các giao dịch mua bán trên các sàn giao dịch phi tập trung hay tương tác với các ứng dụng phi tập trung.
Những loại ví này thường sẽ được quản lý bởi cụm từ seed phrase bao gồm những cụm từ ngẫu nhiên khác nhau và private key được sử dụng gắn riêng với ví đó.
Chính vì vậy, khi sử dụng ví nóng, người dùng dễ có nguy cơ đánh mất tài sản của mình nếu vô tình làm mất cụm từ seed phrase, khi để lộ private key hoặc những rủi ro khi kết nối với Internet như tấn công mạng lưới, kết nối nhầm trang web scam, các đường link dính mã độc,…
Một số ví nóng phổ biến: Metamask, C98 Wallet, Trust Wallet,…
2.2. Ví lạnh
Ví lạnh (cold wallet) là loại ví điện tử dạng vật lý, được lưu trữ offline và không kết nối với internet. Các loại ví này thường được sản xuất dưới dạng ổ cứng như USB, đĩa CD,…
Ví lạnh cho phép người dùng lưu trữ và bảo vệ khoá riêng tư (private key) một cách an toàn nhờ vào thiết kế chip bảo mật. Hầu hết các ví lạnh này sẽ được bảo mật bằng mã PIN để bảo vệ thiết bị, vì vậy trong trường hợp quên mã PIN thì vẫn sẽ có nguy cơ mất mát tài sản.
Chính vì vậy, khi sử dụng ví lạnh, tài sản của người dùng sẽ hạn chế được tối đa những rủi ro liên quan đến việc kết nối Internet nhưng lại không quá thuận lợi cho người dùng khi muốn truy cập hay sử dụng tài sản.
Một số loại ví lạnh phổ biến: Ledger Nano S, Trezor, Safepal,…
3. Làm thế nào để tránh được rủi ro và bảo vệ ví điện tử của mình an toàn nhất?
3.1. Lưu trữ seed phrase và private key an toàn
Seed phrase là một cụm từ bí mật ngẫu nhiên, được sử dụng để khôi phục ví trong trường hợp quên mật khẩu. Đây chính là công cụ duy nhất để có thể truy cập vào ví nên người dùng cần lưu trữ seed phrase của mình ở những nơi an toàn tuyệt đối. Vì một khi đánh mất seed phrase, người dùng sẽ không thể truy cập lại ví của mình, cũng đồng nghĩa với việc tài sản lưu trữ trong ví sẽ có nguy cơ mất hoàn toàn.
Ngoài ra, private key cũng được coi là chìa khoá cho phép người dùng truy cập vào ví. Chính vì vậy, bất kỳ ai có private key cũng sẽ đều có quyền truy cập vào tài khoản của bạn.
Chính vì vậy, người dùng sẽ cần lưu trữ seed phrase và private key một cách bảo mật nhất, tránh việc mất kiểm soát tài sản của mình vào tay kẻ xấu.
3.2. Sử dụng mật khẩu mạnh và khó đoán
Người dùng nên sử dụng mật khẩu kết hợp ngẫu nhiên giữa các chữ cái, số và ký tự đặc biệt không liên quan đến cá nhân quá nhiều hay dễ đoán. Ngoài ra, chúng ta cũng nên tránh việc sử dụng một mật khẩu giống nhau cho nhiều dịch vụ hay ví, vì một khi để lộ mật khẩu vào tay người xấu, họ có thể sử dụng mật khẩu đó để truy cập hết vào những ví cá nhân hay thông tin quan trọng của mình.
Cách vài tháng, người dùng nên thay đổi mật khẩu để đảm bảo an toàn nhất có thể cho ví của mình. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn tới việc người dùng quên mất mật khẩu mới và bị nhầm lẫn giữa các mật khẩu, nên bạn có thể lưu trữ mật khẩu ở những nơi an toàn riêng.
3.3. Hạn chế truy cập và kết nối ví với những trang web không an toàn
Như đã đề cập bên trên, phần lớn những rủi ro chính của ví điện tử đều đến từ việc có thể tương tác và kết nối với Internet, dẫn đến những xâm hại hoặc tấn công nguy hiểm trên không gian mạng.
Chính vì vậy, trước khi truy cập hay kết nối ví với bất kỳ trang web hay ứng dụng nào, người dùng cần phải check kỹ trước xem trang web đó có uy tín và bảo mật không, tên miền của trang web đó có đáng ngờ không,…. Một khi truy cập và các trang web không an toàn, dữ liệu của người dùng có thể bị kiểm soát và đánh cắp, gây thiệt hại và mất mát tài sản.
3.4. Sử dụng tính năng đa chữ ký
Nếu ví đang lưu trữ lượng lớn tài sản, người dùng có thể sử dụng tính năng multisig (đa chữ ký) để đảm bảo an toàn cho tài sản. Đôi khi, người dùng sẽ có xu hướng thao tác quá nhanh mà không kịp để ý. Với tính năng này, mỗi khi thực hiện bất kỳ một giao dịch nào đều sẽ yêu cầu có sự xác thực từ những người được uy quyền. Khi không có sự cho phép và xác nhận từ tất cả những người uỷ quyền, giao dịch cũng sẽ không thể thực hiện.
Đây là một tính năng khá hữu dụng vì nó đòi hỏi phải thông qua khá nhiều yêu cầu và kiểm tra kỹ lưỡng từ nhiều người trước khi thực hiện tương tác hay giao dịch. Kể cả trong trường hợp hacker hay kẻ lừa đảo cố tình lợi dụng để chiếm quyền quản lý tài sản cũng sẽ cần trải qua nhiều rào cản hơn.
3.5. Lưu trữ tài sản trên ví lạnh
Mặc dù ví lạnh có những nhược điểm riêng ví dụ như không thể lúc nào cũng mang theo để truy cập hay trực tiếp tương tác với những ứng dụng blockchain, nhưng ví lạnh sẽ giúp người dùng tránh được hoàn toàn rủi ro đến từ Internet như tấn công mạng, trang web lừa đảo, đường link độc hại. Nên nếu người dùng có ý định giữ tài sản trong thời gian lâu dài, lưu trữ tài sản trên ví lạnh sẽ là một trong những lựa chọn tối ưu nhất để bảo vệ tài sản của mình an toàn.
3.6. Phân chia tài sản thành nhiều ví
Khi tiếp cận với không gian tài chính phi tập trung, nhu cầu sử dụng của người dùng là khá cao. Chính vì vậy, người dùng nên chia tài sản của mình thành nhiều ví với những mục đích sử dụng khác nhau để tránh rủi ro và mất mát trong trường hợp một trong các ví đó bị tấn công.
Ví dụ, người dùng có thể sử dụng một ví riêng chỉ để lưu trữ tài sản, loại ví này sẽ không bao giờ truy cập vào bất kỳ một trang web hay kết nối với bất kỳ ứng dụng nào. Khi muốn trải nghiệm các ứng dụng DeFi hay blockchain, người dùng có thể sử dụng một ví riêng, chỉ để một chút phí để đủ trả cho các giao dịch khi trải nghiệm ứng dụng. Trong trường hợp những nền tảng đó bị tấn công hay dính mã độc, gây ảnh hưởng tới ví của mình thì lượng tài sản trong đó cũng không bị mất mát hay rủi ro quá nhiều.
4. Kết luận
Ví crypto là một trong những ứng dụng quan trọng nhất của crypto, là cánh cổng kết nối người dùng với thế giới web3. Bất kỳ ai khi muốn tham gia thị trường tài chính phi tập trung đề sẽ cần thiết lập ví đầu tiên để có thể bắt đầu gia nhập. Tuy nhiên không phải ai cũng nắm được những nguy hiểm và rủi ro có thể xảy ra trong quá trình sử dụng ví và lưu trữ tài sản.
Trên đây là những phương pháp cơ bản và tối ưu nhất để đảm bảo an toàn cho ví tiền điện tử và tài sản của người dùng. Hy vọng bài viết cung cấp những thông tin hữu ích cho người dùng, theo dõi đội ngũ Bigcoin để cập nhật thêm nhiều thông tin hơn nữa về thị trường crypto.