Btc$BTC

Hãy để tôi cho bạn một ví dụ về chướng ngại tâm lý phổ biến mà chúng ta đều có khả năng gặp phải. Các nhà khoa học thần kinh đã phát hiện ra rằng những phần não chịu trách nhiệm xử lý cảm giác mất mát về tài chính cũng là những phần phản ứng với các mối đe dọa mang tính sinh tử. Hãy dành một chút thời gian để nghĩ xem điều này có ý nghĩa gì. Hãy tưởng tượng bạn là một người săn bắn hái lượm đang tìm thức ăn trong rừng thì đột nhiên phải đối mặt với một con hổ răng kiếm hung hãn. Não bạn chuyển sang trạng thái cảnh giác cao độ, phát ra tín hiệu khẩn cấp đề nghị bạn chiến đấu, đứng im hoặc bỏ chạy để bảo toàn tính mạng. Có thể bạn sẽ chộp lấy hòn đá hoặc một vũ khí nào đó gần nhất để chiến đấu với con mãnh thú, hoặc bạn bỏ chạy và ẩn náu trong hang động âm u nào đó.

Bây giờ hãy tưởng tượng bạn đang ở năm 2008 và là một nhà đầu tư dành một phần lớn trong khoản tiền tiết kiệm cả đời mình để đầu tư vào chứng khoán. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tác động mạnh đến thị trường chứng khoán, các khoản đầu tư của bạn gặp khó khăn và bộ não của bạn bắt đầu nhìn nhận một thực tế là bạn đang mất cả núi tiền. Đối với bộ não của bạn, tình trạng tài chính đó hệt như một con hổ răng kiếm đang gầm gừ muốn biến bạn thành bữa tối ngon miệng của nó.

Vậy điều gì đang xảy ra? Báo động đỏ! Cơ Cơ chế sinh tồn nguyên thủy trong não bắt đầu gửi đi thông điệp rằng bạn đang gặp nguy hiểm đến tính mạng. Về mặt lý trí, có thể bạn biết rằng động thái thông minh nhất khi thị trường sụp đổ là mua thêm cổ phiếu trong khi chúng đang bị bán đổ bán tháo. Nhưng bộ não của bạn lại bảo bạn phải bán hết mọi thứ đi và ôm đống tiền mặt trốn xuống gầm giường của bạn (tiện hơn so với việc chui vào một hang động) cho đến khi mối đe dọa không còn nữa. Thảo nào hầu hết các nhà đầu tư đều đưa ra quyết định sai lầm! Đó là một tác dụng phụ đáng tiếc của bản năng sinh tồn trong mỗi con người chúng ta. Chúng ta có khuynh hướng hoảng sợ bởi bộ não của chúng ta tin rằng sụp đổ tài chính đồng nghĩa với cái chết không thể tránh khỏi.

Không những vậy, chúng ta không tin vào những gì đang diễn ra trong thực tế, mà tin vào những niềm tin mà mình có về thực tế đang diễn ra.

Niềm tin là thứ đưa ra các mệnh lệnh trực tiếp đến hệ thần kinh của chúng ta.