Bắt thóp các mánh lừa đảo: Cách tự bảo vệ mình khỏi những mánh lừa đảo mạo danh trên Binance
Các nội dung chính
Lừa đảo mạo danh Binance là hành động giả danh nhân viên hoặc đại diện Binance của những tên tội phạm nhằm cung cấp các dịch vụ giả được thiết kế nhằm đánh cắp tiền của mọi người.
Kẻ lừa đảo tiếp cận với nạn nhân tiềm năng thông qua các email không chính thức hoặc tài khoản mạng xã hội trông rất giống với tài khoản chính thức của Binance.
Nếu bạn là nạn nhân của trò lừa đảo mạo danh Binance, hãy báo cáo ngay vụ việc cho các cơ quan chức năng có liên quan tại địa phương và đội ngũ Hỗ trợ của Binance.
Bảo vệ tài khoản khỏi kẻ mạo danh Binance. Tìm hiểu cách những kẻ scammer lấy lòng tin bên cạnh các tip giúp bạn nhận diện và báo cáo những tài khoản Binance giả mạo trong loạt bài viết Bắt thóp các mánh lừa đảo tuần này.
Hiện nay, bất kỳ ai có kết nối Internet đều có thể tạo một tài khoản giả trên mạng xã hội bằng tên và logo của Binance.
Có thể bạn đã bắt gặp một kênh hoặc tài khoản Binance giả trong những đoạn thread trên Twitter, trong phần bình luận của một bài đăng trên Instagram hoặc thậm chí liên hệ trực tiếp với bạn qua ứng dụng nhắn tin như Telegram.
Trên thực tế, chúng tôi không thể kiểm soát việc kiểm duyệt của các nền tảng này. Những kẻ muốn mạo danh Binance hoàn toàn có thể tạo tài khoản mới trong vài giây, ngay cả sau khi chúng tôi đã báo cáo chúng với đội ngũ kiểm duyệt của nền tảng liên quan.
Hãy nhớ rằng: Trong mọi trường hợp — chúng tôi sẽ không bao giờ — chủ động liên hệ với người dùng qua các kênh không chính thức để đưa ra lời khuyên đầu tư, mời tham gia chương trình giveaway miễn phí hoặc "có cách" để mở khóa tài khoản Binance của bạn.
Để giúp bạn bảo vệ tài khoản Binance của mình, chúng tôi sẽ trình bày quy trình gồm 4 bước mà kẻ lừa đảo mạo danh Binance thường sử dụng và phân tích một số ảnh chụp màn hình kẻ mạo danh Binance mà chúng tôi đã gặp.
Quy trình gồm 4 bước mà kẻ mạo danh Binance sử dụng để lừa nạn nhân
1. Tạo danh tính giả
Bước đầu tiên: tạo vỏ bọc hoàn hảo. Trò lừa đảo mạo danh, mà chúng tôi đã đề cập trong bài viết tuần trước, thường liên quan đến việc kẻ lừa đảo giả làm nhân viên công quyền như công an.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, kẻ lừa đảo tạo danh tính giả cùng một kịch bản tinh vi về việc là nhân viên của Binance. Chúng sẽ tạo một tài khoản giả với ảnh đại diện là logo Binance hoặc ảnh một người mặc áo phông Binance.
Tên người dùng của chúng thường bao gồm các chức danh như Bộ phận chăm sóc khách hàng Binance, nhân viên Binance xxx hoặc Ưu đãi Binance, còn địa chỉ email của chúng rất giống địa chỉ email chính thức.
2. Nhắm mục tiêu đến nạn nhân trên các kênh nhóm trên mạng xã hội
Kẻ lừa đảo sẽ lùng sục thị trường chợ đen để lấy dữ liệu cá nhân nhạy cảm, bao gồm số điện thoại, email, thông tin nhận dạng, thậm chí cả hồ sơ về các giao dịch mua hàng và chuyến đi trước đây. Sau đó, những thông tin bất chính này được sàng lọc tỉ mỉ để xác định các nạn nhân tiềm năng có khả năng bị thao túng.
Một số kẻ lừa đảo thích thu hút nạn nhân mới bằng cách lập một nhóm "Binance chính thức" và trang bị cho giống như một nhóm được nhân viên của Binance quản lý, nhóm này sẽ thường xuyên cung cấp lời khuyên đầu tư và cơ hội kiếm tiền sinh lời.
3. Giành được lòng tin và lôi kéo
Kẻ lừa đảo bắt đầu lấy lòng tin thông qua một kịch bản được thiết kế tỉ mỉ cho con mồi mới tìm được. Mục tiêu là thiết lập mối quan hệ với nạn nhân, tạo cảm giác quen thuộc giả tạo, cuối cùng là dụ họ rơi vào bẫy lừa đảo.
Những kẻ lừa đảo tinh vi thể hiện khả năng thích ứng tình huống đầy ấn tượng, kiên trì nỗ lực và ứng biến nhanh chóng, ngay cả khi nạn nhân mà chúng nhắm đến thoạt đầu có vẻ không phản ứng hoặc bất hợp tác.
4. Chốt
Nạn nhân tin vào danh tính giả của kẻ lừa đảo. Họ sẽ làm theo yêu cầu gửi tiền hoặc thậm chí tệ hơn là cung cấp thông tin đăng nhập Binance của họ cho kẻ lừa đảo. Khi có được quyền truy cập vào tài khoản Binance của nạn nhân, kẻ lừa đảo có thể rút toàn bộ số dư tiền mã hóa của tài khoản vào ví của chúng trước khi nạn nhân lấy lại quyền truy cập.
Để minh họa cơ chế của quy trình 4 bước này trong thực tế, hãy xem tình huống bên dưới.
Ví dụ thực tế
Tình huống 1: Thông tin giao dịch nội gián — Nhóm WhatsApp Binance
Người dùng – tạm gọi là Mark – mới tham gia lĩnh vực tiền mã hóa. Một "nhà phân tích Binance" tên là Morris đã liên hệ với Mark.
Thông qua một tin nhắn trên Instagram, Morris thông báo cho Mark về một nhóm WhatsApp chia sẻ lời khuyên đầu tư crypto và thông tin giao dịch nội gián, với lợi nhuận được đảm bảo lên tới 20%. Morris mời Mark vào nhóm, trong nhóm có một số "nhân viên Binance" thường xuyên đăng nội dung hướng dẫn kiếm tiền, cùng với các thành viên khác chia sẻ số tiền khổng lồ mà họ thắng được.
Mark cũng nhận thấy "nhân viên Binance" trả lời mọi câu hỏi một cách chuyên nghiệp. Tin rằng đây là nhóm hợp pháp, Mark làm theo hướng dẫn rút token về địa chỉ ví của kẻ lừa đảo.
Đương nhiên, tất cả đều không phải là thật và Mark nhận ra mình là nạn nhân của một vụ lừa đảo mạo danh.
"Chào mừng bạn đến với nhóm thảo luận về tiền mã hóa của Binance. Binance luôn sẵn sàng phục vụ bạn. Chúng tôi là nền tảng giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới. Nếu bạn có thắc mắc về crypto, vui lòng đặt câu hỏi trong nhóm và chúng tôi sẽ trả lời trong thời gian sớm nhất." - Bản dịch phần mô tả nhóm WhatsApp của kẻ lừa đảo.
Ví dụ 2: "Chuyên gia giao dịch của Binance"
Các nền tảng mạng xã hội như Instagram đầy rẫy các tài khoản giả tuyên bố có liên kết với Binance hoặc làm việc cho Binance. Ví dụ, trong vụ việc gần đây, kẻ lừa đảo đã cố tình đặt @binance trong phần tiểu sử. Cần lưu ý rằng tiểu sử của chúng cũng bao gồm một loạt từ thông dụng như "Chuyên gia giao dịch" và "Chuyên gia đầu tư".
Thật không may, kẻ xấu thường cố lợi dụng mức độ ảnh hưởng và danh tiếng của chúng tôi trong lĩnh vực tiền mã hóa, một danh tiếng được hàng triệu người dùng trên thế giới tin tưởng — để săn tìm các nạn nhân nhẹ dạ cả tin. Nhân viên của Binance bị nghiêm cấm giao dịch hoặc đưa ra lời khuyên đầu tư. Đừng tin bất kỳ "nhân viên Binance" nào tự xưng là chuyên gia giao dịch hoặc đầu tư. Về các chi nhánh và KOL, mặc dù chúng tôi kiểm tra nghiêm ngặt tất cả họ để đảm bảo nội dung của họ hợp lý, nhưng quan điểm và ý kiến của họ không phản ánh quan điểm của Binance.
Cách dễ dàng để nhận diện tài khoản Instagram giả là so sánh số lượng người theo dõi với số lượt thích hoặc bình luận mà hồ sơ đó nhận được. Nếu có sự không nhất quán đáng kể, ví dụ: 25.000 người theo dõi nhưng chỉ có 100 lượt thích và 2 bình luận mỗi bài đăng — thì đây có thể là một tài khoản giả.
Các tình huống khác
Nâng cấp ví. Người dùng nhận được email Binance giả mạo từ địa chỉ "do.not.reply.sv.binance@gmail.com" yêu cầu họ "nâng cấp ứng dụng". Bạn sẽ thấy địa chỉ email là gmail.com thay vì tên miền chính thức của chúng tôi: binance.com.
Bộ phận chăm sóc khách hàng của Binance. Kẻ lừa đảo này đang cố lừa người dùng bằng cách giả làm nhân viên Hỗ trợ Binance bằng cái tên như "Bộ phận chăm sóc khách hàng của Binance".
Binance VIP. Kẻ lừa đảo này đang cung cấp lời khuyên đầu tư crypto giả dưới vỏ bọc là nhân viên Binance hỗ trợ chương trình Binance VIP – một chương trình phúc lợi của chúng tôi dành riêng cho các doanh nghiệp đầu tư và nhà giao dịch chuyên nghiệp có khối lượng giao dịch lớn.
Cách bảo vệ bản thân khỏi trò lừa đảo mạo danh Binance
Cảnh giác với những người tự xưng là nhân viên Binance
Đừng ngay lập tức tin tưởng một người tự xưng là "nhân viên Binance" liên hệ với bạn qua điện thoại hoặc mạng xã hội như Telegram, WhatsApp, Instagram, v.v. Nhân viên của chúng tôi sẽ không bao giờ chủ động nhắn tin cho người dùng qua các kênh không chính thức để đưa ra lời khuyên đầu tư, mời tham gia chương trình giveaway hoặc cung cấp dịch vụ mở khóa tài khoản.
Hãy chú ý đến tên người dùng hoặc địa chỉ email, đặc biệt là tên miền ở cuối địa chỉ. Bạn có thể xác minh tính xác thực của địa chỉ email và đường link đến trang web trên Binance Verify. Người dùng vẫn nên thận trọng kể cả khi đường link được ghi là "Đã xác minh" và tránh các đường link được ghi là "Nguồn chưa được xác minh".
Bảo vệ thông tin cá nhân của bạn
Để bảo vệ bản thân khỏi các trò lừa đảo tiềm ẩn, điều quan trọng là phải bảo mật thông tin cá nhân của bạn, bao gồm lịch sử du lịch và mua sắm cũng như thông tin liên hệ.
Như đã đề cập trước đó trong bài viết, kẻ lừa đảo thường sử dụng dark web để thu thập dữ liệu cá nhân không được quản lý cẩn thận nhằm tìm con mồi tiếp theo.
Nếu bạn đã bị lừa đảo
Nếu không may bị lừa, hãy cảnh giác với thủ đoạn tiếp theo của chính những kẻ lừa đảo đó và không xử lý bất kỳ giao dịch rút tiền hoặc chuyển tiền nào do người lạ thực hiện.
Tìm kiếm sự trợ giúp từ các cơ quan chức năng tại địa phương nếu bạn là nạn nhân của một vụ lừa đảo mạo danh Binance. Nếu tài khoản Binance của bạn bị xâm phạm, hãy ngay lập tức báo cáo bằng cách làm theo các bước được nêu trong hướng dẫn này: Cách báo cáo lừa đảo trên Binance Hỗ trợ.
Chúng tôi cũng khuyến khích tất cả người dùng, cả mới và cũ, đọc qua loạt bài chống lừa đảo của chúng tôi để trang bị tốt hơn cho bản thân trước những trò lừa đảo tiền mã hóa phổ biến.
Đọc thêm
(Blog) Bắt thóp các mánh lừa đảo: Hướng dẫn hoàn thiện về các trò lừa đảo phổ biến nhất đối với tiền mã hóa
(Blog) Bắt thóp các mánh lừa đảo: Các khoản đầu tư tiền mã hóa giả mạo cần cảnh giác
(Blog) Bắt thóp các mánh lừa đảo: Dấu hiệu cảnh báo để phát hiện hành vi lừa đảo mạo danh
(Blog) Bắt thóp các mánh lừa đảo: Lừa đảo việc làm cần cảnh giác
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm và Cảnh báo rủi ro: Nội dung này được trình bày cho bạn trên cơ sở "nguyên trạng" chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin chung và kiến thức giáo dục và không có bất kỳ đảm bảo nào. Nội dung trên đây không nên được hiểu là lời khuyên tài chính, cũng như không nhằm mục đích đề xuất mua bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể nào. Giá tài sản kỹ thuật số có thể biến động. Giá trị khoản đầu tư của bạn có thể giảm hoặc tăng và có thể bạn sẽ không nhận lại được số tiền đã đầu tư. Bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư của mình và Binance không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất nào bạn có thể gặp phải. Đây không phải lời khuyên tài chính. Để biết thêm thông tin, hãy xem Điều khoản sử dụng và Cảnh báo rủi ro.