Trong chiến dịch tái tranh cử, ông Donald Trump cam kết đưa ra khỏi quân đội khỏi những vị tướng mà ông cho là “thức tỉnh”. Giờ đây, khi ông đã trở thành tổng thống đắc cử, câu hỏi đặt ra tại Lầu Năm Góc là liệu ông có thể đi xa đến đâu.
Ông Trump được dự đoán sẽ có cái nhìn khắt khe hơn về các lãnh đạo quân sự trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, sau khi phải đối mặt với sự phản kháng từ Lầu Năm Góc về các vấn đề như hoài nghi của ông đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), sự sẵn sàng triển khai quân để trấn áp các cuộc biểu tình trên đường phố Mỹ…
Các cựu tướng Mỹ và cựu bộ trưởng quốc phòng dưới thời ông Trump nhiệm kỳ một là những người chỉ trích ông gay gắt nhất; một số người thậm chí gọi ông là phát xít và tuyên bố ông không xứng đáng với chức vụ tổng thống. Bực tức, ông Trump đã ám chỉ rằng cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Mark Milley, có thể bị xử tử vì tội phản quốc.
Các quan chức Mỹ hiện tại và cựu quan chức cho rằng ông Trump sẽ ưu tiên lòng trung thành trong nhiệm kỳ thứ hai và loại bỏ những sĩ quan quân đội và viên chức quốc phòng mà ông cho là không trung thành.
“Ông ấy sẽ phá hủy Bộ Quốc phòng. Ông ấy sẽ vào đó và cách chức những vị tướng dám đứng lên bảo vệ Hiến pháp”, Jack Reed, Thượng nghị sĩ Dân chủ và Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, nhận định.
Các vấn đề về văn hóa có thể là một nguyên nhân gây ra các cuộc sa thải. Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News vào tháng Sáu, ông Trump được hỏi liệu ông có sa thải các tướng lĩnh bị mô tả là “thức tỉnh” hay không. “Thức tỉnh” là một thuật ngữ ám chỉ những người tập trung vào công bằng chủng tộc và xã hội, nhưng bị những người bảo thủ chỉ trích là đi quá đà.
“Tôi sẽ sa thải họ. Bạn không thể có một quân đội thức tỉnh”, ông Trump nói.
Một số quan chức hiện tại và cựu quan chức lo ngại đội ngũ của ông Trump có thể nhắm vào Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, tướng Không quân C.Q. Brown, một cựu phi công chiến đấu và chỉ huy quân sự nổi tiếng, người tránh xa chính trị.
Vị tướng bốn sao, là người Mỹ gốc Phi, đã phát hành một thông điệp video về sự phân biệt đối xử trong hàng ngũ quân đội vào những ngày sau vụ cảnh sát Minneapolis sát hại George Floyd vào tháng 5/2020. Ông mạnh mẽ ủng hộ sự đa dạng trong quân đội Mỹ.
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump và Phu nhân. Ảnh: Reuters.
Khi được yêu cầu bình luận, phát ngôn viên của Brown, Đại úy Hải quân Jereal Dorsey, nói: “Chủ tịch cùng với tất cả các thành viên trong lực lượng vũ trang của chúng ta vẫn tập trung vào an ninh và bảo vệ quốc gia của chúng ta và sẽ tiếp tục như vậy, đảm bảo một quá trình chuyển giao êm đẹp cho chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Trump”.
Phó tổng thống đắc cử J.D. Vance đã bỏ phiếu chống lại việc xác nhận ông Brown trở thành sĩ quan quân sự hàng đầu của Mỹ khi còn là thượng nghị sĩ vào năm ngoái và chỉ trích sự chống đối được cho là chống lại các mệnh lệnh của ông Trump tại Lầu Năm Góc.
“Nếu những người trong chính phủ của bạn không tuân theo bạn, bạn phải loại bỏ họ và thay thế bằng những người đáp ứng được điều mà tổng thống đang cố gắng thực hiện”, ông Vance nói trong một cuộc phỏng vấn trước cuộc bầu cử.
Trong chiến dịch, Trump đã cam kết khôi phục tên của một vị tướng Liên minh miền Nam cho một căn cứ quân sự lớn của Mỹ, đảo ngược một thay đổi được thực hiện sau vụ Floyd bị giết.
Thông điệp mạnh mẽ nhất của ông Trump về chống thức tỉnh trong chiến dịch nhắm vào các quân nhân chuyển giới. Trước đây, ông đã cấm quân nhân chuyển giới phục vụ trong quân đội và đăng một quảng cáo chiến dịch, miêu tả họ là yếu đuối, với cam kết rằng “Chúng ta sẽ không có một quân đội thức tỉnh”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sắp mãn nhiệm Lloyd Austin (giữa). Ảnh chụp năm 2008, khi ông đang công tác ở Iraq. Ảnh: Getty Images.
Các mệnh lệnh hợp pháp
Ông Trump gợi ý rằng quân đội Mỹ có thể đóng một vai trò quan trọng trong nhiều ưu tiên chính sách của ông, từ việc sử dụng lực lượng Vệ binh Quốc gia, quân đội thường trực để trục xuất hàng loạt người nhập cư không giấy tờ đến việc triển khai quân đội để giải quyết tình trạng bất ổn trong nước.
Các đề xuất như vậy khiến giới chuyên gia quân sự lo ngại. Họ cho rằng việc triển khai quân đội trên đường phố Mỹ không chỉ có thể vi phạm pháp luật mà còn khiến phần lớn dân chúng Mỹ phản đối lực lượng vũ trang vốn được tôn trọng ở Mỹ.
Trong một thông điệp gửi đến các lực lượng sau chiến thắng bầu cử của ông Trump, Bộ trưởng Quốc phòng sắp mãn nhiệm Lloyd Austin công nhận kết quả của cuộc bầu cử và nhấn mạnh rằng quân đội sẽ tuân theo “tất cả các mệnh lệnh hợp pháp” từ các nhà lãnh đạo dân sự.
Nhưng một số chuyên gia cảnh báo rằng, ông Trump có quyền tự do rộng rãi để diễn giải luật pháp và quân đội Mỹ không thể từ chối các mệnh lệnh hợp pháp mà họ cho là sai trái về mặt đạo đức.
“Có một sự hiểu lầm phổ biến rằng quân đội có thể chọn không tuân theo các mệnh lệnh sai trái về mặt đạo đức. Thực ra điều đó không đúng”, Kori Schake thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ, nói.
Bà Schake cảnh báo rằng nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể chứng kiến các vụ sa thải cấp cao khi ông tiếp tục thúc đẩy các chính sách gây tranh cãi. “Tôi nghĩ sẽ có sự hỗn loạn lớn trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, cả về các chính sách ông sẽ cố gắng thực thi và những người mà ông sẽ bổ nhiệm để thực hiện chúng”, bà nói.
Một quan chức quân sự Mỹ hạ thấp lo ngại này, nói rằng việc tạo ra sự hỗn loạn trong chuỗi chỉ huy của quân đội Mỹ sẽ tạo ra phản ứng chính trị và không cần thiết để ông Trump đạt được mục tiêu của mình.
“Những người này sẽ nhận ra rằng các sĩ quan quân đội thường tập trung vào chiến tranh chứ không phải chính trị. “Tôi nghĩ họ sẽ hài lòng về điều đó, hoặc ít nhất là nên hài lòng”, vị quan chức quân sự nói.
Làm suy yếu hàng ngũ dân sự?
Các viên chức tại Lầu Năm Góc có thể sẽ phải trải qua các cuộc kiểm tra lòng trung thành, theo các quan chức hiện tại và cựu quan chức. Đồng minh của ông Trump công khai ủng hộ việc sử dụng các sắc lệnh hành pháp và thay đổi quy định để thay thế hàng nghìn công chức, viên chức bằng các đồng minh bảo thủ.
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói với Reuters, có sự lo ngại ngày càng tăng trong Lầu Năm Góc rằng ông Trump sẽ đưa nhân viên dân sự khỏi Bộ Quốc phòng. “Tôi lo ngại sâu sắc về hàng ngũ của họ”, quan chức này nói, đồng thời cho biết một số đồng nghiệp đã bày tỏ lo ngại về tương lai công việc của mình.
Các viên chức sự nghiệp nằm trong số gần 950.000 nhân viên không mặc quân phục làm việc trong quân đội Mỹ và trong nhiều trường hợp có nhiều năm kinh nghiệm chuyên môn.
Lính đặc nhiệm Mỹ. Ảnh: US Airforce.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump cam kết sẽ thực thi quyền tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy của chính phủ Mỹ.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, một số đề xuất gây tranh cãi của ông Trump với các cố vấn, như việc có thể phóng tên lửa vào Mexico để phá hủy các phòng điều chế ma túy, không bao giờ trở thành chính sách, một phần vì sự phản đối từ các quan chức tại Lầu Năm Góc.
“Điều này sẽ là một phiên bản năm 2016 với quy mô lớn, và nỗi sợ là ông ấy sẽ làm suy yếu hàng ngũ và chuyên môn theo cách gây tổn hại không thể khắc phục cho Lầu Năm Góc”, vị quan chức giấu tên nhận định.
Theo Reuters
$BONK $DOGE $AVAX