Mặc dù Bitcoin ETF giao ngay đã được ra mắt hơn 5 tháng và thu hút dòng tiền khổng lồ, đạt hơn 1 triệu BTC tài sản được quản lý (AUM) nhưng các cố vấn tài chính vẫn tỏ ra hoài nghi và hoàn toàn đứng ngoài cuộc.

Một luận điểm chính xung quanh Bitcoin ETF là các cố vấn tài chính cần các quỹ được quản lý để hướng các khách hàng giàu có của họ đầu tư vào Bitcoin.

Có rất ít dấu hiệu cho thấy các cố vấn đang hướng dẫn đầu tư vào các quỹ này. Dù nhiều người vẫn ác cảm với Bitcoin nhưng điều đó không có nghĩa là ETF là một thử nghiệm thất bại. Đầu tiên, Bitcoin ETF đã được ca ngợi là quỹ ETF thành công nhất trong lịch sử, với iShares Bitcoin Trust (IBIT) của BlackRock đạt gần 20 tỷ đô la AUMtrong tuần này, ngay cả khi các cố vấn vẫn đang quan sát bên lề.

Nguồn: sosovalue

Lee Baker, nhà sáng lập và chủ tịch của Apex Financial Services ở Atlanta, cho biết:

“Tôi vẫn đang nghiên cứu về nó và nếu có được nhiều thành tích hơn, nó sẽ có khả năng lọt vào danh mục đầu tư của khách hàng”.

Vậy, tại sao rất nhiều nhà hoạch định tài chính vẫn không quan tâm đến Bitcoin và các quỹ Bitcoin ETF? Điều gì có thể khiến họ thay đổi thái độ? Câu trả lời phần lớn đều là thời gian tham gia thị trường và tuân thủ quy định.

Ted Jenkin, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của oXYGen Financial ở Atlanta chia sẻ:

“Khi Bitcoin được quản lý nhiều hơn, bạn sẽ thấy nhiều người chấp nhận hơn. Ngay cả khi không có quy định, nếu nó có thể tự chứng minh là một tài sản ổn định như một công ty công nghệ theo thừoi gian – bởi vì quan điểm của tôi về vấn đề này là công nghệ sơ khai hơn là tiền – thì sẽ có nhiều sự chấp nhận hơn.”

Lượng nắm giữ BTC của các quỹ Bitcoin ETF tính đến ngày 30 tháng 5. Nguồn: CryptoQuant

Hầu hết các cố vấn cho biết họ không bắt đầu các cuộc trò chuyện cũng như không giải đáp các thắc mắc của khách hàng về quỹ ETF – và hầu hết không có quá một khách hàng đã phân bổ vốn vào quỹ. Trong số những cố vấn đó, một số người đang chủ động tự học về đầu tư Bitcoin, trong khi những người khác – thường là những người có cơ sở khách hàng cũ, truyền thống và bảo thủ hơn – lại tỏ ra ác cảm hơn.

Một số cố vấn này làm việc với những khách hàng trẻ tuổi, những người ưa thích rủi ro hơn và có thời gian đầu tư dài hơn. Họ cho biết khách hàng của họ đã quan tâm và được đào tạo về việc tiếp xúc với tiền điện tử trước năm nay và sự xuất hiện của các quỹ ETF không thúc đẩy họ nhảy vào.

Đánh giá hiệu suất

Ở tuổi 15, Bitcoin đang trong giai đoạn trưởng thành tương đương với tuổi thiếu niên – nó có tiềm năng lớn nhưng vẫn có nhiều biến động. Bitcoin đã tăng hơn 59% trong năm nay và khoảng 230% so với mức thấp năm 2022 do ảnh hưởng bởi sự sụp đổ của FTX. Trong 3, 5 và 10 năm qua, tiền điện tử đã tăng lần lượt 85%, 704% và 10.854%. Nó cũng đã phải chịu một số đợt giảm giá 70% trong những năm gần đây, điều mà không phải nhà đầu tư nào cũng có thể chấp nhận được.

Nhiều người hy vọng dòng tiền ổn định chảy vào các quỹ Bitcoin ETF giao ngay trong những năm qua có thể làm giảm sự biến động đó, nhưng hiện tại, nó vẫn là yếu tố ngăn cản đối với một số người.

Theo Bradley Klontz, giám đốc điều hành của YMW Advisors ở Boulder, Colorado:

“Các cố vấn tài chính hiện có cách cung cấp cho khách hàng quyền truy cập vào Bitcoin một cách an toàn, đáng tin cậy và được quản lý. Tôi thích nó… đó là một công cụ có sẵn dành cho những khách hàng muốn nắm bắt. Tôi chỉ không thấy, ngay bây giờ, hầu hết các công ty đều khuyến nghị điều đó bởi vì họ không đề xuất bất kỳ loại tài sản nào hoặc bất kỳ tài sản cụ thể nào có nhiều biến động như vậy.”

Rianka Dorsainvil, đồng sáng lập và đồng giám đốc điều hành của 2050 Wealth Partners, cho biết hầu hết khách hàng của bà ưu tiên sự ổn định và tăng trưởng dài hạn hơn các cơ hội có rủi ro cao và nhấn mạnh rằng “giai đoạn tương đối sớm của quỹ Bitcoin ETF giao ngay trong bối cảnh tài chính và sự biến động liên tục liên quan đến Bbitcoin” là những yếu tố chính khiến các quỹ này nằm ngoài chiến lược đầu tư của bà.

Cathy Curtis, nhà sáng lập Curtis Financial Planning ở Oakland, California, tuyên bố bà không biết liệu Bitcoin có trở thành một loại tài sản ổn định hay không nhưng cô sẽ cân nhắc thêm nó vào danh mục đầu tư của khách hàng nếu nó cho thấy lợi nhuận ổn định trong ít nhất 15 năm.

“Có thể lọt vào danh mục đầu tư nếu nó chứng tỏ mình là một công cụ đa dạng hóa thực sự đối với cổ phiếu. Dẫu vậy, lịch sử của tài sản chưa cho tôi thấy điều đó.”

Những đợt giảm khủng khiếp từ ATH của Bitcoin từ năm 2015. Nguồn: CNBC/ Coin Metrics 

Baker của Apex Financial chỉ ra rằng các nhà đầu tư có hàng thập kỷ phần mềm và công cụ để cho họ thấy một tỷ lệ phần trăm nhất định của một trái phiếu, quỹ ETF hoặc tài sản khác trong danh mục đầu tư có thể nâng cao lợi nhuận hoặc tăng tính biến động, v.v.

“Là một nhóm, chúng tôi khá bảo thủ và có phần không thích rủi ro. Chúng tôi đã quá quen với việc xem biểu đồ và xem xét cách hoạt động của một loại tài sản và thông qua những loại thị trường nào – đó gần như là cách chúng tôi kết nối.”

Ông nói thêm, sau một vài năm nữa tồn tại trên thị trường, các nhà đầu tư có thể thực hiện mô hình tương tự với Bitcoin, điều này sẽ giúp các cố vấn thu hút các quỹ, nhận định rằng sự ủng hộ của các cố vấn là vấn đề khi nào chứ không phải nếu.

“Tại thời điểm này… mọi người nên tin rằng Bitcoin sẽ tiếp tục tồn tại, chỉ là có một vài số liệu chúng tôi chưa thể hiểu theo cách tương tự mà chúng tôi đang xem xét và định giá cổ phiếu hoặc trái phiếu. Chúng tôi không có đủ nền tảng và đó là một lý do nữa khiến tốc độ tiếp xúc chậm.”

“Tôi đoán là nó sẽ được áp dụng chậm rãi. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng chúng ta sẽ bắt đầu thấy xu hướng sử dụng bởi các cố vấn tăng lên trong vòng hai đến ba năm tới.”

Không đủ quy định

Theo Douglas Boneparth, nhà sáng lập và chủ tịch của Bone Fide Wealth ở thành phố New York, mặc dù các quỹ Bitcoin ETF hiện tồn tại ở Mỹ như một phương tiện đầu tư được quản lý, nhưng khả năng và thời điểm các cố vấn có thể giới thiệu các quỹ này vẫn chưa chắc chắn.

“Phần lớn việc này vẫn liên quan đến vai trò quan trọng của các văn phòng tuân thủ và các nhà môi giới trong việc xác định các quỹ ETF mà các cố vấn có thể cung cấp. Mặc dù có các quỹ ETF mới được giới thiệu nhưng quy trình không phải lúc nào cũng đơn giản do các yếu tố tuân thủ và các hạn chế của nhà môi giới. Việc cho phép một quỹ ETF mới không đảm bảo rằng các cố vấn có thể dễ dàng phân bổ vốn vào chúng”.

Jenkin cho biết một số đại lý môi giới đã chấp thuận việc mua quỹ Bitcoin ETF, nhưng hạn chế số lượng có thể mua và các công ty khác không cho phép các cố vấn bán quỹ Bitcoin ETF.

Một số người nói rằng đó là do tiền điện tử quá nổi danh về vấn đề gian lận, bê bối và tội phạm – một tình huống được làm rõ hơn mỗi năm nhưng chắc chắn đã để lại vết sẹo cho ngành. Hơn nữa, việc thiếu quy định trong ngành đã làm tăng cơ hội khiếu nại của người tiêu dùng, các vụ kiện tiềm ẩn chống lại các đại lý môi giới và có khả năng bị Cơ quan quản lý ngành tài chính (FINRA) phạt tiền.

“Một phần lý do tại sao nó vẫn chưa phổ biến là do gặp phải các vấn đề nghiêm trọng về tuân thủ trong ngành. Rất nhiều công ty rất lo lắng về thông tin liên lạc mà các cố vấn tài chính đang thực hiện với khách hàng của họ về tài sản kỹ thuật số và không ai trong số họ muốn vi phạm FINRA.”

“Hầu hết các đại lý môi giới đều muốn giảm thiểu rủi ro. Họ muốn cho phép các cố vấn làm mọi việc cho khách hàng, nhưng chắc chắn họ không muốn bị chú ý để gây ra nhiều rủi ro hơn. Đó là lý do tại sao việc áp dụng trở nên trì trệ.”

Xây dựng niềm tin

Bitcoin và các quỹ ETF cần nhiều thời gian hoạt động trên thị trường hơn để có được sự tin tưởng và chấp nhận của những người chơi lớn như Vanguard – công ty đã tuyên bố vào đầu năm nay rằng họ không có kế hoạch cung cấp Bitcoin ETF giao ngay và sẽ không thay đổi quan điểm của mình trừ khi tài sản thay đổi trở nên trưởng thành hơn.

Boneparth tỏ ra lạc quan về việc tăng cường niềm tin của khách hàng, nói rằng điều này sẽ đến theo thời gian khi ngành công nghiệp tiền điện tử trưởng thành hơn. Ông nhấn mạnh rằng ngành đã phải đối mặt với hàng loạt thách thức, như sự cố của các sàn giao dịch, điều này đã ảnh hưởng đến niềm tin của người dùng vào Bitcoin và các loại tiền điện tử khác. Tuy nhiên, ông tin rằng khi ngành công nghiệp phát triển, niềm tin sẽ tăng lên, đặc biệt khi nó vượt qua giai đoạn đầu đời của mình.

Cho đến lúc đó, điều tốt nhất mà các cố vấn có thể làm là đào tạo khách hàng của mình.

“Mặc dù về cơ bản, các quỹ Bitcoin ETF có thể là một cách ít rủi ro hơn và được quản lý chặt chẽ hơn để đầu tư vào tài sản kỹ thuật số… nhưng sự liên kết với Bitcoin vẫn là rào cản lớn đối với khách hàng”, Dorsainvil nhận định.

Các cố vấn có thể sẽ có ‘ác cảm’ nhiều hơn đối với các quỹ Ether ETF giao ngay, do tính phức tạp hơn của các trường hợp sử dụng và chức năng của loại tiền điện tử này.

Tuần trước, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch đã bật đèn xanh cho các sàn giao dịch Hoa Kỳ niêm yết các quỹ Ether ETF giao ngay, điều mà nhiều nhà đầu tư dự đoán cũng sẽ thành công, nhưng có lẽ chỉ chiếm một phần nhỏ so với những gì các quỹ Bitcoin ETF đã làm được.

“Các quỹ ETF đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, từ quỹ hưu trí đến các quỹ lớn. Phần lớn dòng tiền chảy vào Bitcoin ETF này đều đến từ các quỹ đó… Nó vẫn còn khá cồng kềnh ở cấp độ khách hàng cố vấn bán lẻ”, Boneparth chia sẻ.



https://tapchibitcoin.io/tai-sao-bitcoin-etf-khong-chiem-duoc-cam-tinh-cua-cac-co-van-tai-chinh.html