Sau hơn một năm bùng nổ AI tạo sinh, Amazon cùng các bên liên quan cam kết thúc đẩy hợp tác công tư để cân bằng đổi mới và an toàn AI.

25 năm – đó là quãng thời gian Amazon cùng nhiều công ty Mỹ khác bền bỉ đặt từng viên gạch nền móng cho AI, tích hợp học máy vào mọi ngóc ngách của đời sống hiện đại. Sự xuất hiện của AI tạo sinh như một cú hích, mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng đầy rẫy thách thức. Lo ngại về mặt trái của công nghệ mới bùng nổ, thôi thúc thế giới tìm kiếm lời giải cho bài toán cân bằng giữa đổi mới và an toàn.

Mỹ là một trong những quốc gia tiên phong nắm bắt và hành động. Bắt đầu từ cam kết tự nguyện với sự tham gia của những ông lớn công nghệ như Amazon, chính quyền Biden đã tạo nên cú hích mạnh mẽ, thúc đẩy nỗ lực chung trong việc xây dựng khuôn khổ và tiêu chuẩn toàn cầu cho AI có trách nhiệm.

Từ lộ trình chính sách của Thượng viện, Bộ Quy tắc Ứng xử Hiroshima của G7 đến Hội nghị thượng đỉnh An toàn AI, thế giới đang từng bước tiến gần hơn đến một tương lai nơi AI được phát triển và ứng dụng một cách an toàn, minh bạch và có lợi cho nhân loại.

Tiên phong từ những gã khổng lồ công nghệ

Amazon là một ví dụ điển hình cho cam kết này. Có thể kể đến như hơn 500 bài báo nghiên cứu, công trình nghiên cứu nghiên cứu và blog khoa học về AI có trách nhiệm được công bố, 70 tính năng và khả năng AI có trách nhiệm được ra mắt hay hàng chục nghìn giờ đào tạo về AI có trách nhiệm cho nhân viên.

Không chỉ Amazon, Google cũng cam kết với 7 nguyên tắc cốt lõi hướng đến AI vì lợi ích xã hội, tránh thiên kiến, an toàn, minh bạch, giải trình… Trong khi đó, Microsoft tập trung vào các nguyên tắc công bằng, tin cậy, an toàn, riêng tư, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong phát triển AI.

Hợp tác công tư: Chìa khóa cho tương lai của AI

Để khai thác tối đa tiềm năng của AI một cách an toàn và có lợi, sự hợp tác chặt chẽ giữa khu vực công và tư nhân là điều kiện tiên quyết. Có một số giải pháp được đề cập:

Thứ nhất, tất cả các công ty xây dựng, sử dụng hoặc tận dụng AI phải cam kết triển khai nó một cách có trách nhiệm. Thứ hai, cần có sự minh bạch từ các công ty về cách thức phát triển và triển khai AI, đồng thời xây dựng niềm tin giữa khu vực công và tư về các biện pháp AI an toàn và có trách nhiệm. Cuối cùng, sự hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các công ty và chính phủ về các vấn đề an toàn và tin cậy là rất quan trọng.

AI có tiềm năng to lớn trong việc giải quyết những bài toán hóc búa của nhân loại. Tuy nhiên, để biến tiềm năng thành hiện thực, cần có sự chung tay của cả cộng đồng quốc tế, mà nòng cốt là sự hợp tác chặt chẽ giữa khu vực công và tư nhân.

Những cam kết và nỗ lực như cam kết của Nhà Trắng là tín hiệu đáng mừng, cho thấy con người đang đi đúng hướng trong việc kiến tạo một tương lai mà ở đó, AI phát triển một cách bền vững, an toàn và có trách nhiệm, mang lại lợi ích thiết thực cho toàn nhân loại.