Ngân hàng Trung Quốc được yêu cầu giám sát chặt chẽ các giao dịch liên quan đến tiền mã hóa, gây khó khăn hơn cho việc mua bán tài sản số trong nước.

Ngày 31/12, South China Morning Post đưa tin Cơ quan quản lý ngoại hối Trung Quốc đã ban hành quy định mới, yêu cầu các ngân hàng trong nước tăng cường giám sát và báo cáo các giao dịch ngoại hối có rủi ro cao, bao gồm cả những giao dịch liên quan đến tài sản mã hóa. Quy định này được xem là bước đi mới nhất của Bắc Kinh trong việc thắt chặt quản lý thị trường tiền mã hóa, vốn đã bị cấm giao dịch từ năm 2019.

Cụ thể, các ngân hàng Trung Quốc phải giám sát và báo cáo các hoạt động giao dịch ngoại hối liên quan đến đánh bạc xuyên biên giới, hệ thống ngân hàng ngầm và các hoạt động tài chính xuyên biên giới bất hợp pháp có sử dụng tiền mã hóa. Việc theo dõi sẽ dựa trên danh tính của cá nhân và tổ chức tham gia, nguồn gốc của dòng tiền và tần suất giao dịch. 

Theo luật sư Lưu Trịnh Diêu từ công ty luật Chí Hanh, quy định này cung cấp cơ sở pháp lý bổ sung để xử lý các giao dịch tài sản mã hóa và cho thấy lập trường cứng rắn của Trung Quốc đối với tiền mã hóa có thể tiếp tục được duy trì. Đặc biệt, việc sử dụng Nhân dân tệ để mua tiền mã hóa trước khi đổi sang tiền pháp định nước ngoài có thể bị coi là hoạt động xuyên biên giới theo quy định mới, làm phức tạp thêm việc né tránh các quy tắc ngoại hối thông qua tiền mã hóa.

Tín hiệu trái chiều từ thị trường tiền mã hóa Trung Quốc

Trung Quốc đã cấm giao dịch tiền mã hóa từ năm 2019 với lý do giảm tiêu thụ năng lượng từ hoạt động khai thác và lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Các tổ chức tài chính cũng bị cấm xử lý tài sản số và hoạt động khai thác tiền mã hóa. 

Tuy nhiên, theo công cụ theo dõi Bitcoin Treasuries của Bitbo, Trung Quốc hiện nắm giữ 194.000 Bitcoin, tương đương khoảng 18 tỷ USD, đứng thứ hai trên thế giới. Lượng Bitcoin này không phải do Trung Quốc mua mà được thu giữ từ các hoạt động bất hợp pháp. Sự mâu thuẫn giữa lập trường cứng rắn của chính phủ và lượng Bitcoin nắm giữ đáng kể này cho thấy bức tranh phức tạp của thị trường tiền mã hóa tại Trung Quốc.

Số lượng quốc gia nắm giữ Bitcoin. Nguồn: BitcoinTreasuries.NET của Bitbo 

Mặc dù chính phủ Trung Quốc liên tục đưa ra các chính sách hạn chế tiền mã hóa, nhưng một số chuyên gia vẫn tin tưởng vào tiềm năng của thị trường này tại đây. Ông Triệu Trường Bằng (CZ), cựu CEO của sàn giao dịch tiền mã hóa Binance, nhận định Trung Quốc có thể sẽ là một trong những quốc gia áp dụng chiến lược dự trữ Bitcoin trong tương lai. Theo ông, Trung Quốc có khả năng triển khai các chính sách nhanh chóng nếu muốn và “chính phủ sẽ phải thực hiện điều đó vào một thời điểm nào đó”.