Ngân hàng Trung ương Nga đang triển khai một nền tảng giám sát tập trung tiên tiến nhằm xác định và ngăn chặn các giao dịch tiền điện tử OTC. 

Theo Bogdan Shablya, trưởng bộ phận Giám sát Tài chính và Kiểm soát Tiền tệ tại Ngân hàng Trung ương Nga, hệ thống này sẽ nhắm đến những cá nhân cho mượn tài khoản ngân hàng và thẻ của mình để thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền điện tử, các trang web vi phạm bản quyền, cửa hàng ma túy và sòng bạc trực tuyến – thường được gọi là “dropper” hoặc “mule”. 

Theo báo cáo của hãng truyền thông RBC, đây là nỗ lực phối hợp quy mô lớn đầu tiên của Nga nhằm thiết lập một cơ chế có hệ thống để kiểm soát giao dịch tiền điện tử OTC ở cấp độ ngân hàng. Trái ngược với cách tiếp cận truyền thống chỉ giám sát giao dịch đáng ngờ trong từng ngân hàng riêng lẻ, nền tảng mới này sẽ xây dựng một cơ sở dữ liệu tập trung mà tất cả các tổ chức tài chính trên toàn quốc có thể truy cập. 

Động thái này xuất phát từ lo ngại ngày càng tăng của chính quyền Nga, khi các sàn giao dịch được cho là một trong những nguồn lớn nhất sử dụng các mạng lưới ngân hàng phi chính thức, gây áp lực lên hệ thống tài chính quốc gia.

Nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng tiền điện tử OTC

Nền tảng giám sát mới của Ngân hàng Trung ương Nga đánh dấu một bước đột phá tinh vi trong nỗ lực làm giảm hoặc ngừng hoạt động của các mạng giao dịch tiền điện tử không hợp pháp hoặc không được quản lý. Tâm điểm của hệ thống là một cơ sở dữ liệu tập trung, được thiết kế để theo dõi các cá nhân bị nghi ngờ tham gia vào việc điều phối các giao dịch này.

Những “dropper” này thường điều hành nhiều tài khoản ngân hàng tại các tổ chức khác nhau để thực hiện các giao dịch OTC, khiến họ gần như không thể bị phát hiện qua các hệ thống giám sát ngân hàng truyền thống. Điểm mạnh của nền tảng nằm ở khả năng chia sẻ dữ liệu theo thời gian thực trên toàn bộ mạng lưới ngân hàng Nga, tạo ra một hàng rào bảo vệ đồng nhất trước các hoạt động đáng ngờ. 

Khi một cá nhân cố gắng mở tài khoản ngân hàng mới, hệ thống sẽ tự động kiểm tra thông tin của họ với cơ sở dữ liệu trung tâm về các đối tượng đã được xác định. Ngay lập tức, ngân hàng sẽ nhận được cảnh báo về những trường hợp khả nghi, cho phép thực hiện các biện pháp ngăn chặn trước khi tài khoản bị lạm dụng cho giao dịch bất hợp pháp. 

Theo Bogdan Shablya, hệ thống đã xác định được khoảng 700.000 cá nhân liên quan đến các giao dịch không chính thức. Đây là một bước tiến lớn trong việc khắc phục lỗ hổng của các biện pháp giám sát hiện tại, nơi mà các trader có thể dễ dàng mở tài khoản mới tại ngân hàng khác sau khi bị một tổ chức phát hiện. 

Quy mô hoạt động của “dropper” 

Quy mô của các hoạt động ngân hàng phi pháp tại Nga đang vượt xa những ước tính ban đầu. Theo số liệu từ Ngân hàng Trung ương Nga, khoảng 10 triệu công dân đã thực hiện chuyển tiền vào các tài khoản được xác định là thẻ “dropper”. 

Điều đáng chú ý là nhiều người trong số họ có thể không hề hay biết họ đang vô tình tham gia vào các giao dịch crypto bất hợp pháp. Trong khi các hoạt động ngân hàng đáng ngờ thông qua tài khoản doanh nghiệp giảm xuống chỉ còn 5 tỷ rúp (50 triệu đô la) trong 9 tháng đầu năm 2024, thì giao dịch thông qua tài khoản cá nhân “dropper” đã vọt lên 39 tỷ rúp (390,6 triệu đô la) trong cùng kỳ. 

Mức tăng trưởng này cao hơn đáng kể so với các năm trước, với khối lượng giao dịch tăng từ 37 tỷ rúp (370,6 triệu đô la) vào năm 2022 lên 44,9 tỷ rúp (449,7 triệu đô la) vào năm 2023. Các quan chức ngân hàng cho rằng các sàn giao dịch, cùng với cờ bạc trực tuyến và các dịch vụ kỹ thuật số khác, là những động lực chính thúc đẩy hoạt động này. 

Tác động đối với thị trường crypto tại Nga 

Việc triển khai nền tảng giám sát tập trung đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cách người Nga tiếp cận thị trường crypto. Bằng cách nhắm đến cơ sở hạ tầng ngân hàng hỗ trợ giao dịch OTC, Ngân hàng Trung ương Nga kỳ vọng sẽ giảm thiểu các giao dịch không chính thức, đồng thời định hướng hoạt động giao dịch tài sản kỹ thuật số thông qua các kênh được cấp phép. 

Tác động ngay lập tức có thể buộc các trader từ bỏ phương thức OTC truyền thống dựa trên hệ thống ngân hàng. Khi nền tảng này khiến việc sử dụng tài khoản ngân hàng cá nhân cho các giao dịch tiền điện tử trở nên khó khăn hơn, các trader có thể buộc phải tìm kiếm giải pháp thay thế hoặc chuyển sang các nền tảng được phê duyệt chính thức. 

Về dài hạn, nền tảng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhanh chóng sự phát triển của hạ tầng tiền điện tử được quản lý tại Nga. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương vẫn duy trì lập trường thận trọng đối với lĩnh vực crypto. 

Bắt đầu thanh toán quốc tế bằng Bitcoin và crypto

Ngoài ra, sau khi thực hiện các điều chỉnh pháp lý để cho phép sử dụng Bitcoin và các loại tiền điện tử khác nhằm đối phó với các lệnh trừng phạt từ phương Tây, các công ty Nga đã bắt đầu sử dụng các loại tiền điện tử này trong thanh toán quốc tế. Bộ trưởng Tài chính Nga, Anton Siluanov, cho biết:

“Các giao dịch này đã bắt đầu được triển khai. Chúng tôi tin rằng các giao dịch này cần được mở rộng và phát triển hơn nữa. Tôi tin rằng điều này sẽ diễn ra mạnh mẽ trong năm tới.”

Ông cũng nhấn mạnh rằng việc sử dụng tiền điện tử trong thanh toán quốc tế đại diện cho một xu hướng của tương lai.

https://tapchibitcoin.io/nga-thanh-toan-quoc-te-bang-bitcoin-va-crypto.html