Bank run là gì?
Bank run xảy ra khi một số lượng lớn khách hàng của một ngân hàng hoặc tổ chức tài chính rút tiền gửi của họ đồng loạt, do lo ngại về khả năng thanh toán của ngân hàng. Khi nhiều người rút tiền, xác suất vỡ nợ tăng lên, khiến nhiều người khác cũng rút tiền gửi. Trong trường hợp cực đoan, dự trữ của ngân hàng có thể không đủ để chi trả cho các khoản rút tiền và cuối cùng dẫn đến vỡ nợ.
Hiểu về bank run
Bank run thường là kết quả của sự hoảng loạn, hơn là tình trạng mất khả năng thanh toán thực sự. Bắt đầu bởi sự hoảng loạn, nhưng sau cùng có thể biến thành một tình huống vỡ nợ thực sự. Đó là bởi vì hầu hết các ngân hàng không giữ nhiều tiền mặt tại các chi nhánh của họ. Trên thực tế, các tổ chức đều có một giới hạn nhất định về số tiền họ có thể lưu trữ trong kho của mình mỗi ngày. Các giới hạn này được đặt dựa trên nhu cầu và vì lý do bảo mật. Ngân hàng Dự trữ Liên bang cũng đặt ra các hạn mức tiền mặt nội bộ cho các tổ chức. Số tiền họ có trên sổ sách được dùng để cho người khác vay hoặc đầu tư vào các phương tiện đầu tư khác nhau.
Bởi vì các ngân hàng thường chỉ giữ một tỷ lệ nhỏ tiền gửi tại chỗ, họ phải tăng lượng tiền mặt của mình để đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng. Một phương pháp mà ngân hàng sử dụng để tăng lượng tiền mặt tại chỗ là bán bớt tài sản của mình, đôi khi với giá thấp hơn đáng kể. Các khoản lỗ do bán tài sản với giá thấp hơn có thể khiến ngân hàng mất khả năng thanh toán. Sự hoảng loạn xảy ra khi nhiều ngân hàng bank run cùng một lúc.
Những vụ bank run trong lịch sử tài chính truyền thống
Trong lịch sử hiện đại, bank run thường gắn liền với cuộc Đại suy thoái. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán sụp đổ năm 1929, những người gửi tiền ở Mỹ bắt đầu hoảng sợ và tìm cách ẩn náu bằng việc nắm giữ tiền mặt. Sự cố ngân hàng đầu tiên do rút tiền hàng loạt xảy ra vào năm 1930 ở Tennessee.
Sự cố tưởng như nhỏ nhặt và biệt lập này đã thúc đẩy một chuỗi bank run tiếp theo chạy khắp miền Nam và sau đó lan ra cả nước, khi mọi người nghe đến những gì đã xảy ra và tìm cách rút tiền trước khi họ mất tiền tiết kiệm.
Sự liên tiếp của các đợt bank run xảy ra vào đầu những năm 1930 đại diện cho một loại hiệu ứng domino, khi tin tức về một ngân hàng thất bại khiến khách hàng của các ngân hàng lân cận hoảng sợ, rút tiền của mình.
Để đối phó với bank run trong những năm 1930, chính phủ Hoa Kỳ đã thiết lập một số cơ chế quản lý để ngăn điều này xảy ra lần nữa, bao gồm việc thành lập Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), ngày nay bảo hiểm cho người gửi tiền lên tới 250.000 đô la với mỗi tổ chức ngân hàng.
Cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 lại tiếp tục xảy ra với một số vụ bank run đáng chú ý. Vào ngày 25 tháng 9 năm 2008, Washington Mutual (WaMu), tổ chức tài chính lớn thứ sáu của Mỹ vào thời điểm đó, đã bị Văn phòng Giám sát Tiết kiệm Hoa Kỳ đóng cửa. Trong những ngày tiếp theo, những người gửi tiền đã rút hơn 16,7 tỷ đô la tiền gửi, khiến ngân hàng cạn kiệt tiền mặt dự trữ ngắn hạn.
Ngay ngày hôm sau, Ngân hàng Wachovia cũng phải đóng cửa vì lý do tương tự, khi người gửi tiền rút hơn 15 tỷ đô la trong khoảng thời gian hai tuần sau khi Wachovia báo cáo kết quả kinh doanh âm vào đầu quý đó. Phần lớn số tiền rút tại Wachovia được tập trung trong các tài khoản thương mại có số dư trên giới hạn 100.000 đô la được Bảo hiểm bởi Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), rút số dư đó xuống ngay dưới giới hạn FDIC.
Tuy nhiên, sự thất bại của các ngân hàng đầu tư lớn như Lehman Brothers, AIG và Bear Stearns không phải do bank run. Thay vào đó, đó là do một cuộc khủng hoảng tín dụng và thanh khoản liên quan đến các chứng khoán phái sinh và tài sản đảm bảo.
Giải pháp ngăn chặn bank run
Để đối phó với tình trạng hỗn loạn của những năm 1930, các chính phủ đã thực hiện một số bước để giảm thiểu rủi ro của các hoạt động ngân hàng trong tương lai. Có lẽ điều lớn nhất là thiết lập các yêu cầu về dự trữ bắt buộc các ngân hàng phải duy trì một tỷ lệ nhất định trong tổng số tiền gửi dưới dạng tiền mặt.
Ngoài ra, Quốc hội Hoa Kỳ đã thành lập FDIC vào năm 1933. Được thành lập để đối phó với nhiều thất bại của ngân hàng đã xảy ra trong những năm trước đó. Nhiệm vụ của nó là duy trì sự ổn định và niềm tin của công chúng vào hệ thống tài chính Hoa Kỳ. Trong một số trường hợp, các ngân hàng đã có cách tiếp cận chủ động hơn khi đối mặt với nguy cơ bank run:
Hạ nhiệt: Các ngân hàng có thể chọn đóng cửa trong một khoảng thời gian nếu họ phải đối mặt với nguy cơ bank run. Điều này ngăn mọi người chờ rút tiền.
Vay mượn: Các ngân hàng có thể vay từ các tổ chức khác nếu họ không có đủ tiền mặt dự trữ. Các khoản vay lớn có thể ngăn họ phá sản.
Tiền gửi có bảo hiểm: Khi mọi người biết tiền gửi của họ được chính phủ bảo đẩm, nỗi sợ hãi thường giảm bớt. Điều này đã xảy ra kể từ khi Hoa Kỳ thành lập FDIC.
Các ngân hàng trung ương thường hoạt động như một phương sách cuối cùng để cho các ngân hàng cá nhân vay trong các cuộc khủng hoảng như bank run.
Nhìn lại trường hợp của FTX, sự sụp đổ của sàn đã gây ra một vụ bank run tiền điện tử. Người dùng hoảng loạn rút hơn 8 tỷ đô la khỏi các sàn giao dịch, trong đó có 3,7 tỷ đô la Bitcoin, 2,5 tỷ đô la Ether và hơn 2 tỷ đô la stablecoin. Nỗi đau sau đó đã lan sang các loại tiền điện tử khác, với tổng giá trị của thị trường giảm 12% ngay sau khi có tin tức về sự cố của FTX.
Sàn giao dịch do Sam Bankman-Fried đứng đầu đã gặp phải các vấn đề về thanh khoản “đáng kể”, khiến nó phải tìm kiếm sự cứu trợ từ đối thủ Binance. Cuộc giải cứu cuối cùng đã thất bại khi Giám đốc điều hành Binance Changpeng Zhao cho biết quá trình thẩm định đã tiết lộ những vấn đề không thể giải quyết được. Điều đó đã khiến FTX tuyên bố phá sản, tạm dừng việc rút tiền của khách hàng.
Hệ lụy mà FTX gây ra kéo theo nhiều công ty vào tình trạng tương tự. Công ty cho vay tiền điện tử BlockFi, từng được FTX và Sam Bankman-Fried cứu trợ vào mùa hè năm ngoái, đang chuẩn bị nộp đơn xin phá sản, sau khi phải dừng dịch vụ gửi và rút tiền. Mới đây vào ngày 16 tháng 11, Genesis Global, một tổ chức cho vay tiền điện tử, cũng đã thông báo sẽ tạm thời dừng các giao dịch redemption và các khoản vay mới. Genesis Global tuyên bố sự bất ổn định bất thường của thị trường liên quan đến sự sụp đổ của sàn giao dịch tiền điện tử ốm yếu FTX là lý do dẫn đến quyết định này…
Sự sụp đổ của sàn giao dịch đã khiến các chuyên gia so sánh nó với sự sụp đổ của Lehman Brothers vào năm 2008, trong khi những người khác, như cựu Bộ trưởng Tài chính Larry Summers đã so sánh nó với sự sụp đổ của Enron.
Sự sụp đổ của FTX kéo theo sự gia tăng của dòng tiền vào stablecoin và hoạt động DEX. Delphi Digital đã sử dụng các rổ tài sản để phân tích hiệu suất giữa các token DEX và CEX và nhận thấy rằng khi so sánh với BTC, rổ DEX tăng 24%, trong khi rổ CEX giảm 2%.
Hoạt động on-chain tương quan với tâm lý chung của thị trường Bitcoin, Ether và altcoin, với sự hỗn loạn FTX hiện tại đã tạo chất xúc tác cho dòng tiền chảy ra khỏi sàn giao dịch. Một xu hướng có khả năng xuất hiện từ sự hỗn loạn hiện tại là sự gia tăng ổn định của các loại tiền điện tử tự giám sát và sự gia tăng sử dụng các sàn DEX.