Giới thiệu
Chỉ báo kỹ thuật đóng vai trò quan trọng trong việc phân tích thị trường tài chính. Một số chỉ báo nhằm mục đích minh họa động lượng, như Chỉ số sức mạnh tương đối (RSI), StochRSI hoặc MACD. Những chỉ báo khác có thể được dùng để tìm các điểm vào và thoát tiềm năng trên biểu đồ, chẳng hạn như công cụ Hồi quy Fibonacci, Parabolic SAR hoặc Dải Bollinger.
Nhưng đâu là chỉ báo cơ bản nhất? Có thể nói, đó là khối lượng giao dịch. Khối lượng giao dịch có thể được sử dụng làm công cụ để khẳng định một xu hướng, xác định các điểm đảo chiều tiềm năng và nhiều chiến lược khác.
VWAP kết hợp sức mạnh của khối lượng giao dịch với hành động giá, tạo nên một chỉ báo thực tiễn và dễ sử dụng. Trader có thể sử dụng VWAP làm công cụ để khẳng định xu hướng hoặc công cụ để xác định điểm vào và thoát vị thế.
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu định nghĩa về VWAP, cách thức hoạt động của chỉ báo này và cách trader có thể kết hợp chỉ báo vào chiến lược giao dịch.
VWAP là gì?
VWAP là từ viết tắt của giá trung bình theo khối lượng giao dịch. Đúng như tên gọi, đây là giá trung bình của tài sản trong một khoảng thời gian nhất định được tính theo khối lượng giao dịch.
Yếu tố khiến VWAP trở thành chỉ báo cực kỳ hữu ích chính là cách VWAP kết hợp khối lượng giao dịch vào công thức tính giá trung bình. Một số trader cho rằng khối lượng giao dịch là chỉ số quan trọng nhất – ngoài hành động giá. Yếu tố khiến VWAP trở thành công cụ đặc biệt hữu ích với cả nhà phân tích và trader là cách VWAP kết hợp hai chỉ số quan trọng này vào một chỉ báo.
VWAP có thể đưa ra chỉ báo về xu hướng thống trị thị trường, cũng như các vùng thanh khoản quan trọng.
Nếu bạn muốn đọc thêm về một số chỉ báo kỹ thuật hữu ích nhất, bạn có thể xem bài viết 5 chỉ báo cơ bản được sử dụng trong phân tích kỹ thuật.
Cách tính VWAP
Trên hầu hết giao diện giao dịch, bạn chỉ việc chọn chỉ báo, còn hệ thống sẽ đảm nhận phần việc tính toán. Dù vậy, bạn cũng nên biết công thức đằng sau chỉ báo đó để sử dụng chỉ báo một cách hiệu quả hơn. Vậy VWAP được tính như thế nào?
Để tính VWAP, chúng ta cần cộng giá trị giao dịch cho từng giao dịch (giá nhân với khối lượng giao dịch), sau đó chia cho tổng khối lượng giao dịch.
VWAP = ∑ (Giá điển hình * Khối lượng giao dịch ) / ∑ Khối lượng giao dịch
trong đó
Giá điển hình = Giá cao nhất + Giá thấp nhất + Giá đóng cửa / 3
Chúng ta hãy cùng tính VWAP trong 5 phút cho một tài sản. Sau đây là cách làm:
Đầu tiên, ta cần tính giá điển hình của cây nến trong 5 phút đầu tiên. Ta cộng Giá cao nhất, Giá thấp nhất, Giá đóng cửa, rồi chia cho 3.
Sau đó, nhân giá điển hình này với khối lượng giao dịch trong khoảng thời gian đó (trong trường hợp này là 5 phút). Ta gọi giá trị này là n1, do nó liên quan đến khoảng thời gian đo đầu tiên.
Ta chia n1 cho tổng khối lượng giao dịch cho đến hết khoảng thời gian đó. Kết quả này cho ta biết giá trị VWAP trong 5 phút giao dịch đầu tiên.
Để tính các giá trị VWAP kế tiếp, ta cần tiếp tục cộng giá trị n mới (n2, n3, n4…) của từng khoảng thời gian vào các giá trị trước đó. Sau đó, chia cho tổng khối lượng giao dịch cho đến hết thời điểm đó.
Giờ bạn đã hiểu tại sao VWAP được gọi là chỉ báo lũy kế, do giá trị tăng lên qua những lần cộng dồn.
VWAP cho trader biết điều gì
Đối với những ai quan tâm đến phong cách đầu tư thụ động hơn, dài hạn hơn, VWAP có thể được dùng làm tiêu chuẩn về triển vọng thị trường hiện tại. Một chiến lược đơn giản có thể là chỉ mua tài sản nằm dưới đường VWAP, cho thấy tài sản có khả năng bị định giá thấp.
Mặc dù vậy, một số trader có thể coi giá cắt đường VWAP như một tín hiệu để vào lệnh. Nếu giá phá vỡ và vượt lên trên đường VWAP, có thể trader sẽ giữ vị thế long (mua). Ngược lại, nếu giá phá vỡ và đi xuống dưới đường VWAP, có thể trader sẽ giữ vị thế short (bán).
Theo nghĩa này, VWAP có thể được sử dụng tương tự như đường trung bình động. Khi giá nằm phía trên đường VWAP, thị trường có thể được coi là trong xu hướng tăng. Ngược lại, nếu giá nằm dưới đường VWAP, thị trường có thể trong xu hướng giảm. Tất nhiên, điều này còn phụ thuộc nhiều vào bối cảnh của mô hình kỹ thuật và cần được thực hiện một cách thận trọng.
VWAP cũng có thể được sử dụng để xác định các vùng thanh khoản. Chỉ báo này có thể đặc biệt hữu ích với trader ở cấp độ tổ chức lớn muốn khớp các lệnh lớn. Chỉ báo này giúp trader xác định điểm vào và thoát vị thế lý tưởng cho các giao dịch lớn, việc này có thể giúp giảm bớt tác động của thị trường.
VWAP cũng có thể được dùng để đo lường hiệu quả thực hiện giao dịch. Theo nghĩa này, lệnh mua được thực hiện dưới đường VWAP có thể coi là khớp lệnh hiệu quả, do giá khớp lệnh thấp hơn giá trung bình của tài sản tính theo khối lượng giao dịch. Ngược lại, lệnh mua được thực hiện trên đường VWAP có thể coi là khớp lệnh kém hiệu quả, do giá khớp lệnh cao hơn giá trung bình của tài sản tính theo khối lượng giao dịch.
Thực tế là một số trader lớn mua dưới và bán trên đường VWAP có thể mang lại một lợi ích khác cho thị trường. Trong cả hai trường hợp, các hành động này đẩy giá về gần mức trung bình hơn. Điều này đảm bảo các trader lớn không đẩy giá xa hơn giá trung bình thông qua hành động giá của họ. Hãy nhớ rằng, các trader cá voi giao dịch với quy mô cực lớn, do đó họ có thể tạo ra ảnh hưởng đáng kể đối với thị trường.
Bạn muốn bắt đầu cùng tiền mã hoá? Mua Bitcoin trên Binance ngay hôm nay!
Mặt hạn chế của VWAP
VWAP chủ yếu hiệu quả với vai trò là chỉ báo một ngày. Việc cố tạo VWAP trong nhiều ngày có thể đồng nghĩa với việc giá trung bình bị sai lệch. Do đó, VWAP hiệu quả nhất với phân tích trong ngày, tức là chỉ áp dụng cho một ngày giao dịch hoặc ít hơn.
Giống như đường trung bình động, VWAP là chỉ báo chậm, do nó dựa trên dữ liệu giá trong quá khứ. Tương tự như đường trung bình động, càng có nhiều dữ liệu thì độ trễ càng lớn. Do đó, VWAP 20 phút sẽ đáp ứng biến động giá hiện tại nhanh hơn so với VWAP 200 phút.
Điều quan trọng cần lưu ý là do dựa trên dữ liệu giá trong quá khứ, nên VWAP không có bất kỳ tính chất dự đoán nào.
Mặc dù VWAP là chỉ báo hiệu quả, được nhiều trader sử dụng, nhưng không nên diễn giải theo cách riêng lẻ. Ví dụ: chúng tôi đã đề cập đến việc một tài sản có thể bị định giá thấp khi giá nằm dưới đường VWAP. Tuy nhiên, trong một xu hướng tăng mạnh, giá có thể không xuống dưới đường VWAP trong một khoảng thời gian đáng kể.
Do đó, những trader đang chờ đợi tín hiệu cụ thể này có thể đứng ngoài cuộc và lỡ mất cơ hội tiềm năng. Tuy vậy, bỏ lỡ một giao dịch có thể không phải là điều tồi tệ. Nếu chiến lược vào thị trường của trader định rõ một sự kiện cụ thể xảy ra và sự kiện đó không xảy ra, thì trader không nên tiến hành giao dịch. Tuy nhiên, nếu chiến lược được vạch ra một cách thấu đáo và trader luôn kiên định với chiến lược đề ra, thì trader sẽ giao dịch hiệu quả về lâu dài. Bất kể phương pháp tiếp cận thế nào đi chăng nữa, điều quan trọng là phải hiểu rõ và quản lý rủi ro.
Tổng kết
VWAP là chỉ báo cho trader biết giá trung bình của một tài sản trong một khoảng thời gian nhất định, liên quan đến khối lượng giao dịch.
Một số trader có thể sử dụng VWAP để vào hoặc thoát vị thế khi chỉ báo này giao cắt với giá. VWAP có thể cực kỳ hữu ích khi xác định điểm vào và thoát tiềm năng cho các giao dịch lớn.
VWAP là một chỉ báo chậm, điều này nghĩa là VWAP không mang tính dự đoán giá. Một số trader cho rằng chỉ nên dùng chỉ báo này để phân tích trong ngày. Giống như mọi công cụ phân tích thị trường khác, không nên diễn giải VWAP theo cách riêng lẻ và chỉ báo này chỉ hiệu quả nhất khi kết hợp với các kỹ thuật khác.