Thị trường Crypto cũng giống như bao thị trường tài chính khác, thường được xem là một sòng bạc lớn. Những màn tiếp thị của các nhà tạo lập thị trường và lòng tham sẽ khiến phần lớn nhà đầu tư ảo tưởng rằng ai cũng có thể trở nên giàu có nhanh chóng. Nhưng trớ trêu thay, “sòng bạc” này sẵn sàng trừng phạt tất cả những ai không hiểu rõ luật chơi. Bất cứ sai lầm nào cũng sẽ khiến bạn trả giá bằng tiền và rất nhiều tiền.
Vậy bạn đã từng bao giờ hỏi bản thân những hậu quả khi tham gia “sòng bạc” Crypto mà thiếu nguyên tắc và chiến lược chưa?
Để giảm thiểu rủi ro và tránh những sai lầm không đáng có khi tham gia vào lĩnh vực đầu tư mạo hiểm như Crypto, bạn không nên bỏ qua 3 sai lầm khi đầu tư Crypto sau đây.
Sai lầm khi đầu tư Crypto: Đầu tư thiếu nguyên tắc
Sai lầm 1: Không quản trị rủi ro
Rủi ro là những sự kiện xảy ra trong tương lai. Bởi vậy nhà đầu tư thường cảm thấy khó kiểm soát rủi ro, thậm chí bỏ qua nó và hậu quả là nhận về những thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, rủi ro lại là một phần của đầu tư và việc không quản trị rủi ro thường gây ra những hậu quả đáng tiếc. Sau đây là 2 sai lầm mà các nhà đầu tư mới hay phạm phải.
Dồn tiền vào một dự án
Trong đầu tư Crypto, những quyết định như bỏ hết trứng vào một giỏ hay tất tay cho dự án nào đó chính là một trong các biểu hiện của việc thiếu quản trị rủi ro. Cho đến nay, tiền mã hóa vẫn được coi là một kênh đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên, có một thực tế là thị trường này quá biến động. Ngay cả trong giai đoạn tăng mạnh, Crypto vẫn có những thời điểm điều chỉnh ngắn hạn. Khi bạn dồn hết tiền vào một dự án thì rủi ro tiềm tàng có thể kể đến là:
Thứ nhất, khi giá coin giảm, bạn sẽ bị thua lỗ ít nhất là trên giấy tờ.
Thứ hai là bạn sẽ không còn vốn để tiếp tục mua thêm token nếu đó là token tốt.
Cuối cùng, bạn cũng sẽ mất đi chi phí cơ hội khi không còn vốn để đầu tư vào những dự án tốt khác.
Việc bạn đánh cược số vốn của mình theo kiểu “được ăn cả, ngã về không” vào một dự án là thật sự quá rủi ro. Ngay cả những khoản đầu tư từng được đánh giá là cực kỳ an toàn như trái phiếu dài hạn của Anh thì thời gian qua cũng gần như bên bờ vực sụp đổ. Và những nhà đầu tư cá nhân hay tổ chức nắm giữ quá nhiều trái phiếu trong danh mục của mình thì cũng như ngồi trên đống lửa.
Không bảo vệ thành quả
Trong hành trình đầu tư, khi đã kiếm được lợi nhuận thì chúng ta cũng cần nghĩ đến cách thức bảo vệ thành quả của mình.
Bạn có thể gặp may mắn trong đầu tư Crypto khi biến số vốn từ 1.000 USD lên 10.000 USD chỉ trong vài tháng (điều này là hoàn toàn khả thi khi bạn tham gia thị trường vào mùa tăng trưởng). Tuy nhiên, nếu bạn không biết cách để lặp lại may mắn đó và tất tay 10.000 USD vừa kiếm được để tiếp tục tham gia sòng bạc Crypto thì… chúc may mắn! Bạn có thể sẽ mất tất cả những gì mình đã tích lũy được trước đó, không chỉ tiền bạc mà còn là thời gian và công sức.
Sai lầm 2: Đầu tư vào những gì mình không thật sự hiểu rõ
Một sai lầm phổ biến của các “newbie” chính là việc sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO: Fear of Missing Out). Các nhà đầu tư F0 thường sợ bỏ lỡ cơ hội, bỏ lỡ xu hướng, bỏ lỡ thông tin… Chính tâm lý lo lắng mình sẽ lỡ mất đó khiến các nhà đầu tư mới dễ đưa ra những quyết định mang tính thời vụ mà quên đi việc phân tích kỹ lưỡng và thấu đáo.
Bạn có thể luôn mường tượng rằng mình sẽ mua một token tốt với giá thật thấp và sẽ bán nó khi giá đạt đỉnh. Nhưng có một sự thật là thị trường thường đi ngược với mong muốn của đám đông. Những thứ bạn không nắm rõ ở đây có thể liên quan đến cách thức thị trường Crypto vận hành hay về một dự án Crypto riêng biệt nào đó.
Không hiểu cách thị trường Crypto vận hành
Giả sử bạn chưa từng có ý niệm nào về các mùa trong Crypto. Bạn bước chân vào thị trường đúng mùa hè và nhìn tất cả các khoản đầu tư “trên giấy” của mình tăng vọt. Bạn phấn khích cho rằng sự tăng trưởng này sẽ còn diễn ra rất lâu nên yên tâm chờ đợi và không mảy may chốt lời để bảo toàn số lãi mà mình có.
Thật không may, mùa hè lại quá ngắn. Mùa thu bắt đầu sang và bạn nhìn tài khoản của mình giảm dần nhưng vẫn nuôi hy vọng thị trường sẽ hồi phục. Nhưng không, mùa đông khắc nghiệt chợt đến vào lúc bạn ít mong đợi nhất. Đó là lúc bạn chứng kiến tài sản của mình rơi rụng và bắt đầu lâm vào trạng thái hoảng loạn. Bạn chấp nhận lỗ, cố gắng bán tống, bán tháo các khoản đầu tư của mình càng nhanh càng tốt và nguyền rủa cái thị trường này.
Trên đây chỉ là một ví dụ về cách thị trường Crypto vận hành. Bạn thấy đó, một trong những hậu quả của việc thiếu kiến thức là lựa chọn sai thời điểm để vào vốn hay chốt lời.
Không hiểu về dự án Crypto
Rất nhiều newbie khi bước chân vào thị trường thường được người khác rỉ tai về một dự án với tầm vóc vĩ đại nào đó có thể thay đổi thế giới. Tuy nhiên, đời lại không như mơ, rất nhiều dự án chỉ là bánh vẽ.
Quay trở lại năm 2017, khi các ICO scam như Onecoin hay Bitconnect nở rộ. Mình đã chứng kiến không ít người bán nhà, bán xe hoặc thậm chí vay mượn để đầu tư vào những canh bạc đó. Và kết quả là họ cay đắng mất trắng.
Những ai đã có kinh nghiệm thì chỉ cần lướt qua là đã đánh giá được sự chuẩn chỉnh của một dự án rồi. Những tiêu chí như đội ngũ sáng lập, các sản phẩm, dịch vụ mà dự án tạo ra để phục vụ lợi ích cho cộng đồng… tuy không phải chén thánh nhưng sẽ giúp chúng ta bước đầu sàng lọc những dự án mà mình có thể xuống tiền đầu tư.
Tỷ phú Warren Buffett được mệnh danh là một trong những nhà đầu tư thành công nhất trong lịch sử. Nhà đầu tư huyền thoại này luôn tuân theo bộ quy tắc vàng “20 lỗ”. Warren chia sẻ: “Tôi có thể giúp bạn cải thiện tình hình tài chính bằng cách đưa cho bạn một tấm thẻ đục 20 lỗ để dùng trong suốt cuộc đời. Với mỗi quyết định đầu tư, tấm thẻ đó sẽ được đục một lỗ. Khi sử dụng hết 20 lỗ đó, bạn sẽ không được thực hiện thêm bất kỳ vụ đầu tư nào cả”.
Bạn thấy đó, để tránh hậu quả, Warren luôn học cách chắt chiu thời gian, công sức và tiền bạc để nghiên cứu những thứ mà ông cho là xứng đáng nhất. Có thể bạn đúng hai lần trước đó, nhưng chỉ cần chọn sai ở lần thứ ba thì toàn bộ công sức sẽ đổ sông đổ bể.
Sai lầm 3: Không trau dồi kiến thức mỗi ngày
Có thể khi vừa đầu tư Crypto, bạn rất hăng say học hỏi, vì khi đó bạn như một tờ giấy trắng vậy. Tuy nhiên đến một lúc nào đó, bạn cảm thấy mình đã biết đủ nhiều và dừng việc trau dồi kiến thức. Nhưng trong một thế giới số thay đổi chóng mặt như hiện tại, bạn không tự trau dồi thì sẽ trở nên tụt hậu. Và điều đó càng đúng với tiền mã hóa khi những diễn biến trong thị trường này luôn diễn ra vô cùng nhanh chóng.
Nếu đã tiếp xúc với Crypto đủ lâu thì bạn chắc hẳn sẽ nhận ra sự “tiến hóa” khủng khiếp của những dự án lẫn công nghệ trong thị trường này. Từ việc mới đầu chỉ có thể giao dịch vài cặp Crypto trên một số sàn giao dịch thì nay bạn có bạt ngàn lựa chọn. Đơn cử như bạn có thể mua bán trên các CEX (sàn giao dịch tập trung) hay DEX (sàn giao dịch phi tập trung) đều được.
Việc không trau dồi kiến thức trong thị trường Crypto sẽ khiến bạn đưa ra các lựa chọn sai lầm. Ví dụ như bạn có thể lựa chọn sai một dự án, hay giao dịch trên một sàn “lởm”… Và tất nhiên mọi sai lầm sẽ đều phải trả giá.
Đầu tư thiếu chiến lược
Chiến lược vốn là một từ có nguồn gốc từ lĩnh vực quân sự, ám chỉ cách để đạt được chiến thắng trong chiến trận, hoặc tạo ra những kết quả tích cực tại các khu vực, thời điểm then chốt. Mỗi vị tướng khi ra trận cũng sẽ áp dụng những chiến thuật riêng biệt.
Trong đầu tư cũng vậy, chiến lược được dùng để chỉ tập hợp các quy tắc, hành vi hoặc nguyên tắc để hướng nhà đầu tư lựa chọn, thiết kế danh mục. Chiến lược cần phù hợp với tính cách, kỹ năng, sở trường của từng người, cân bằng giữa rủi ro và lợi nhuận. Nếu bạn là người có tính cách phù hợp với việc nắm giữ lâu dài thì không thể ép bạn theo chiến lược trading ngắn hạn và ngược lại.
Như vậy có thể thấy, nếu bạn đầu tư mà không có chiến lược cụ thể, hoặc chiến lược bạn thực hiện lại đi ngược với tính cách của mình thì khả năng cao bạn sẽ thua lỗ. Từ đó, việc bạn tham gia thị trường không khác gì một canh bạc như mình đã nói ở trên.
Lựa chọn đúng chiến lược
Trong phạm vi bài viết này, mình muốn giới thiệu đến bạn một chiến lược mà theo kinh nghiệm, mình thấy dễ sử dụng cho hầu hết mọi người, kể cả những người mới, đó chính là chiến lược trung bình giá tiêu chuẩn (DCA – Dollar Cost Averaging).
Với cách thức này, cứ định kỳ hằng tuần hoặc hằng tháng, nhà đầu tư sẽ mua một lượng tài sản nhất định trong một khoảng thời gian đủ dài để thu được lợi nhuận. Bất cứ ai cũng có thể áp dụng chiến lược đầu tư Crypto này dù số vốn là bao nhiêu.
Nhìn qua thì có vẻ đơn giản nhưng trên thực tế không phải ai cũng đủ kiên trì và kỷ luật để theo chiến lược này đến cùng. Mình đã từng gặp một số người trung bình giá được một thời gian nhưng sau đó vẫn chưa thấy kết quả. Họ từ bỏ và quay sang học phân tích kỹ thuật với hy vọng “mua đáy, bán đỉnh”, đánh một trận thắng lớn.
Hậu quả khi bỏ cuộc giữa chừng
Công sức mà họ dùng để tích lũy trước đó sẽ đổ sông đổ bể. Tinh hoa của chiến lược DCA nằm ở việc tích lũy một tài sản tốt nào đó trong thời gian đủ dài. Khi sự tích lũy đạt tới điểm bùng phát thì đó là lúc bạn gặt hái thành quả.
Thứ hai, việc nhảy sang làm một trader có thể khiến vốn của bạn bị bào mòn bởi lẽ bạn sẽ phải học cách cắt lỗ. Mình tin rằng với tâm thế của một nhà đầu tư mới, xác suất cắt lỗ của bạn thường sẽ nhiều hơn chốt lời. Nếu không tin, bạn có thể tự mình kiểm chứng số lượng trader giỏi có thể thường xuyên chiến thắng thị trường. Với việc cụt dần vốn, vô hình trung, cơ hội để bạn sửa sai sẽ ít đi rất nhiều.
Như vậy mình đã chia sẻ với bạn một số sai lầm khi đầu tư tiền điện tử mà nhà đầu tư cần tránh. Tất nhiên chúng chưa bao trùm hết tất cả nhưng mình hy vọng qua đó, bạn sẽ hiểu được tầm quan trọng của nguyên tắc và chiến lược trong đầu tư. Chúc bạn có thể lựa chọn cho mình những nguyên tắc và chiến lược đúng đắn nhất để thu về thành quả xứng đáng.