Các điểm chính

  • Giao thức NEAR, Internet Computer, Artificial Superintelligence Alliance, Render và Bittensor là các dự án blockchain hướng tới mục tiêu khiến công nghệ AI trở nên dễ tiếp cận và hiệu quả hơn. 

  • Những dự án này tích hợp trí tuệ nhân tạo theo nhiều cách, chẳng hạn như tối ưu hóa hiệu suất mạng lưới, cho phép các tác nhân tự trị, phi tập trung hóa quy trình đào tạo AI, v.v.

  • Sự kết hợp giữa AI và blockchain trong lĩnh vực tiền mã hóa đang thúc đẩy sự đổi mới và tạo thêm nhiều cơ hội mới cho các ứng dụng phi tập trung, mang lại lợi ích cho đông đảo nhà phát triển và người dùng.

Giới thiệu

Sự giao thoa giữa tiền mã hóa và trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong những bước phát triển đặc biệt thú vị trong lĩnh vực công nghệ. AI đang ngày càng được tích hợp nhiều hơn vào các lĩnh vực khác nhau nên đã và đang có thêm nhiều dự án blockchain hướng tới sử dụng AI để cải thiện hệ sinh thái.

Bài viết này sẽ khám phá các dự án tiền mã hóa AI hàng đầu theo mức vốn hóa thị trường. Tính đến tháng 8 năm 2024, top 5 dự án AI hàng đầu bao gồm Giao thức NEAR (NEAR), Internet Computer (ICP), Artificial Superintelligence Alliance (FET), Render (RNDR) và Bittensor (TAO). Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn từng dự án và cách các dự án này tích hợp AI.

1. Giao thức NEAR (NEAR)

Mức vốn hóa thị trường: 4,68 tỷ USD (tính đến tháng 8 năm 2024).

Giao thức NEAR là gì?

Giao thức NEAR là blockchain lớp 1 được thiết kế để giải quyết các vấn đề về khả năng mở rộng thường gặp trong các mạng lưới phổ biến như Ethereum. Ra mắt vào năm 2020, NEAR sử dụng công nghệ sharding độc đáo có tên Nightshade, cho phép mạng lưới xử lý hàng nghìn giao dịch mỗi giây bằng cách phân bổ khối lượng công việc trên nhiều node người xác thực.

Phương thức này cho phép NEAR cung cấp một nền tảng hiệu quả cao và có thể mở rộng cho các ứng dụng phi tập trung (DApp). NEAR cũng cung cấp khả năng tương tác chuỗi chéo thông qua Rainbow Bridge, cho phép người dùng chuyển tài sản giữa Ethereum và NEAR. Ngoài ra, hệ sinh thái NEAR còn cung cấp giải pháp lớp 2 có tên Aurora, giúp tăng cường khả năng tương thích của mạng lưới với các ứng dụng hoạt động trên Ethereum.

NEAR tích hợp AI như thế nào?

Giao thức NEAR tích hợp AI theo nhiều cách, đặc biệt là trong việc thực hiện hợp đồng thông minh và phát triển DApp. AI được sử dụng để tối ưu hóa hiệu suất mạng lưới bằng cách dự đoán và quản lý lưu lượng truy cập, giúp nâng cao hiệu quả giao dịch và giảm độ trễ. 

Ngoài ra, NEAR đang khám phá các công cụ điều khiển bằng AI dành cho nhà phát triển, nhằm giúp tự động hóa cũng như tinh giản quy trình viết và triển khai các hợp đồng thông minh. Điều này giúp các nhà phát triển dễ dàng tạo ra các dApp phức tạp và đáng tin cậy hơn mà không cần kiến thức sâu rộng về công nghệ blockchain.

Tìm hiểu thêm: Giao thức NEAR (NEAR) là gì?

2. Internet Computer (ICP)

Mức vốn hóa thị trường: 3,64 tỷ USD (tính đến tháng 8 năm 2024).

Internet Computer là gì?

Giao thức Internet Computer do DFINITY Foundation phát triển và là một dự án blockchain hướng tới mở rộng chức năng của Internet bằng cách cho phép tạo tất cả các loại DApp và dịch vụ Web3.

Ví dụ: Các nhà phát triển có thể sử dụng các tính năng đa chuỗi của ICP và các công cụ toàn diện để xây dựng các kênh mạng xã hội, nền tảng tập trung vào doanh nghiệp, game, thực tế ảo, v.v. Trong khi các blockchain truyền thống thường chạy DApp trên các dịch vụ đám mây, ICP chạy DApp trực tiếp trên mạng phi tập trung của mình. Cách này có thể mang lại tính bảo mật, khả năng mở rộng và hiệu quả cao hơn.

ICP tích hợp AI như thế nào?

AI đóng một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái ICP nhờ giúp tăng cường khả năng của các ứng dụng phi tập trung. ICP hỗ trợ tích hợp các thuật toán AI trực tiếp vào các hợp đồng thông minh và DApp, cho phép thực hiện các tính toán phức tạp và các quy trình ra quyết định theo cách tự trị. Điều này có thể đặc biệt hữu ích trong DeFi. AI có thể được sử dụng để tối ưu hóa chiến lược giao dịch, quản lý rủi ro và thậm chí là tự động hóa dịch vụ giao dịch và tài chính.

3. Artificial Superintelligence Alliance (FET)

Mức vốn hóa thị trường: 2,80 tỷ USD (tính đến tháng 8 năm 2024).

Artificial Superintelligence Alliance là gì?

Artificial Superintelligence Alliance (ASI) do Fetch.ai, SingularityNET và Ocean Protocol cùng phát triển. Đây là một màn hợp tác chiến lược nhằm thúc đẩy Trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI) phi tập trung và trên hết là đạt được Siêu trí tuệ nhân tạo (Artificial Superintelligence - ASI).

Bằng cách sử dụng các thành phần tự trị của Fetch.ai, các sáng kiến AGI mã nguồn mở của SingularityNET và khung trao đổi dữ liệu an toàn của Ocean Protocol, ASI Alliance hướng tới mục tiêu tăng tốc nghiên cứu và đổi mới AI.

Artificial Superintelligence Alliance tích hợp AI như thế nào?

Các thành phần tự trị của nền tảng có các thuật toán AI hỗ trợ để có thể thực hiện các nhiệm vụ phức tạp như đàm phán hợp đồng, tối ưu hóa logistic và quản lý mức tiêu thụ năng lượng. Các thành phần này có thể ngay lập tức tương tác với nhau và với blockchain, tạo ra một thị trường năng động và hiệu quả cho tất cả các loại dữ liệu và dịch vụ.

Artificial Superintelligence Alliance cam kết thúc đẩy AI phi tập trung bằng cách tập trung phát triển các giải pháp nguồn mở và phân bổ công bằng các sáng kiến đổi mới AI. Phương thức này không chỉ đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng AI mà còn đảm bảo rằng các công nghệ này mang lại lợi ích cho đông đảo người dùng hơn nữa.

Tìm hiểu thêm: Artificial Superintelligence Alliance (ASI) là gì?

4. Render (RNDR)

Mức vốn hóa thị trường: 2,04 tỷ USD (tính đến tháng 8 năm 2024).

Render là gì?

Render là một nền tảng kết xuất GPU phi tập trung nhằm mục đích kết nối các nghệ sĩ và studio kỹ thuật số với chủ sở hữu GPU có sức mạnh tính toán dư thừa. Nền tảng này cho phép người dùng kết xuất đồ họa và hình ảnh động chất lượng cao bằng cách sử dụng tài nguyên GPU phân tán, giúp nhà sáng tạo dễ tiếp cận hơn và có giá cả phải chăng hơn.

Bằng cách sử dụng token RNDR, nền tảng này hỗ trợ thanh toán an toàn và tự động thông qua các hợp đồng thông minh hoạt động trên Ethereum, giúp tinh giản và tăng tính minh bạch cho quy trình giao dịch giữa nhà sáng tạo và nhà điều hành node. Phương thức phi tập trung này không những làm giảm các chi phí liên quan đến dịch vụ kết xuất tập trung truyền thống, mà còn cung cấp khả năng kết xuất nâng cao cho nhiều đối tượng hơn, bao gồm các studio nhỏ, nghệ sĩ độc lập và những nhà sáng tạo không thể sử dụng phần cứng GPU cao cấp, đắt tiền.

Render tích hợp AI như thế nào?

Render sử dụng AI để nâng cao quy trình kết xuất và cải thiện hiệu quả tổng thể của mạng lưới. Các thuật toán AI được sử dụng để tối ưu hóa việc phân bổ tài nguyên GPU, đảm bảo rằng các tác vụ kết xuất được hoàn thành nhanh nhất và tiết kiệm chi phí nhất có thể. 

Ngoài ra, AI được sử dụng trong chính quá trình kết xuất để cải thiện chất lượng đồ họa và ảnh động, đặc biệt là trong các tác vụ như mở rộng hình ảnh, tạo kết cấu và kết xuất tức thì. Điều này giúp các nghệ sĩ dễ dàng đạt được kết quả ở cấp độ chuyên nghiệp mà không cần đến phần cứng đắt tiền.

Tìm hiểu thêm: Render (RNDR) là gì?

5. Bittensor (TAO)

Mức vốn hóa thị trường: 2,03 tỷ USD (tính đến tháng 8 năm 2024).

Bittensor là gì?

Bittensor (TAO) là một giao thức phi tập trung, hoạt động trên blockchain cho phép tạo ra một mạng lưới nơ-ron mã nguồn mở và sử dụng AI. Không giống như các mô hình AI truyền thống do các thực thể tập trung kiểm soát, Bittensor hướng tới phân quyền đào tạo và sử dụng AI, cho phép tất cả người tham gia đóng góp sức mạnh tính toán và dữ liệu cho mạng lưới. Điều này giúp tạo ra một mạng lưới AI toàn cầu và phân tán, đồng thời những người đóng góp được thưởng bằng đồng tiền mã hóa TAO cho sự tham gia của họ.

Bittensor tích hợp AI như thế nào?

Toàn bộ giao thức Bittensor được xây dựng xung quanh AI. Điều này cho phép những người tham gia (hay còn gọi là thợ đào) cung cấp dữ liệu có giá trị và sức mạnh tính toán để đào tạo các mô hình AI trên mạng lưới. Đổi lại, thợ đào được thưởng bằng token TAO dựa trên chất lượng và khối lượng đóng góp của họ.

Bittensor cũng tích hợp AI vào cơ chế đồng thuận của mạng lưới. Mạng lưới này sử dụng AI để đánh giá công lao đóng góp và đảm bảo rằng phần thưởng được phân bổ công bằng dựa trên giá trị của các đóng góp mang lại cho mạng lưới. Ý tưởng ở đây là khuyến khích sử dụng dữ liệu hữu ích và tài nguyên tính toán, giúp tạo ra các mô hình AI chính xác và hiệu quả hơn.

Tổng kết

Sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo và công nghệ blockchain thể hiện một lĩnh vực mới trong thế giới công nghệ, hứa hẹn tiềm năng đổi mới và đột phá. Giao thức NEAR, Internet Computer, Artificial Superintelligence Alliance, Render và Bittensor là một số dự án AI phổ biến trong không gian blockchain. Mỗi dự án đều có phương thức và thiết kế độc đáo.

Đọc thêm:

Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Nội dung này được trình bày trên cơ sở "nguyên trạng" chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin chung và chia sẻ kiến thức, không có bất cứ hình thức cam đoan hay bảo đảm nào. Không nên coi đây là nội dung tư vấn tài chính, pháp lý hoặc chuyên môn khác. Nội dung này cũng không nhằm khuyến nghị mua bất cứ sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể nào. Bạn nên tham khảo lời khuyên dành riêng cho mình từ các cố vấn chuyên nghiệp phù hợp. Trong trường hợp bài viết có sự đóng góp từ cộng tác viên bên thứ ba, xin lưu ý rằng những quan điểm đó thuộc về cộng tác viên bên thứ ba đó và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Binance Academy. Vui lòng đọc toàn bộ tuyên bố miễn trừ trách nhiệm của chúng tôi tại đây để biết thêm chi tiết. Giá tài sản kỹ thuật số có thể biến động. Giá trị khoản đầu tư của bạn có thể tăng hoặc giảm và bạn có thể sẽ không lấy lại được số tiền đã đầu tư. Bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với các quyết định đầu tư của mình và Binance Academy không chịu trách nhiệm pháp lý đối với bất kỳ tổn thất nào mà bạn có thể gặp phải. Không nên coi đây là tài liệu tư vấn tài chính, pháp lý hoặc chuyên môn khác. Để biết thêm thông tin, hãy xemĐiều khoản sử dụngCảnh báo rủi ro của chúng tôi.