Ủy ban Chứng khoán và Phái sinh Hồng Kông (SFC) đã đưa 11 dịch vụ của sàn giao dịch Bybit vào diện cảnh báo các sản phẩm đáng ngờ.

SFC vào ngày 14/3 đã đưa ra cảnh báo công khai về các hoạt động phi pháp của sàn Bybit tại Hồng Kông, khi nền tảng giao dịch tiền mã hoá này hiện chưa được cấp phép hoạt động. Đồng thời bày tỏ lo ngại Bybit đã cung cấp sản phẩm đến các nhà đầu tư.

11 sản phẩm của Bybit bị đưa vào diện cảnh báo bao gồm, hợp đồng tương lai (including futures contracts), hợp đồng tương lai đảo ngược (inverse futures contracts), quyền chọn (options), token đòn bẩy (leveraged tokens), khai thác thanh khoản (liquidity mining), staking, cho vay (lending) và quản lý tài sản (wealth management).

Cảnh báo cũng nêu tên “Bybit Dual Asset”, một công cụ giao dịch ngắn hạn và “Bybit Shark Fin”, một dịch vụ kiếm lợi nhuận đảm bảo như là những sản phẩm đáng ngờ.

Đặc biệt, SFC nhấn mạnh họ có thể theo đuổi các hành động pháp lý trong tương lai đối với Bybit nếu cần thiết. 

“SFC sẽ không ngần ngại thực hiện hành động cưỡng chế đối với các hoạt động không có giấy phép khi thích hợp”, cảnh báo nêu rõ.

Theo dữ liệu từ Coinmarketcap, Bybit hiện là sàn giao dịch tiền mã hoá lớn thứ ba thế giới, với khối lượng giao dịch hàng ngày hơn 7 tỷ USD tính đến ngày 14/3.

Bối cảnh pháp lý tại Hồng Kông

Sau khi quy định cấp phép bắt buộc đối với các sàn giao dịch tiền mã hoá tại Hồng Kông có hiệu lực, việc hoạt động và quảng bá sản phẩm phi pháp từ tháng 6/2023 có thể dẫn đến các cáo buộc hình sự.

FSC lưu ý, nhà đầu tư có thể thất thoát tài sản nếu các sàn giao dịch bị cấm hoạt động, phá sản, thậm chí có thể bị các thực thể này chiếm đoạt tài sản. Trong khi đó, việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ không có mối liên hệ tại Hồng Kông sẽ vô cùng khó khăn.

Trước đó, SFC đã ra thông báo, yêu cầu các sàn giao dịch hoạt động không phép sẽ phải dừng cung cấp dịch vụ và rời khởi Hồng Kông trước ngày 31/5, khi thời hạn nộp đơn đăng ký đã kết thúc từ ngày 29/2.

Dù có cách tiếp cận cởi mở nhằm mục tiêu trở thành trung tâm tài sản số và thu hút đầu tư, Hồng Kông vẫn được xem là khu vực có khung pháp lý chặt chẽ đối với thị trường tiền mã hoá. Do đó, các động thái gần đây của SFC sẽ giúp tăng cường bảo vệ nhà đầu tư và duy trì trật tự thị trường tài chính.

PCB Tổng hợp