$BTC bị bán tháo dữ dội trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ duy trì quan điểm thận trọng đối với chính sách tiền tệ trong năm sau.
Sau khi mất mốc tâm lý quan trọng 100.000 USD, đồng tiền số lớn nhất thế giới đã giảm mạnh xuống sát mốc 92.000 USD. Tuy nhiên, ngay sau đó, thị trường có dấu hiệu phục hồi, đưa bitcoin trở lại giao dịch quanh ngưỡng 95.000 USD.
Dù vậy, mức giá này vẫn còn cách biệt đáng kể so với đỉnh cao 108.000 USD đạt được cách đây chỉ vài ngày.
"Việc chứng kiến những đợt điều chỉnh như thế này trong các thị trường tăng giá tiền mã hóa là điều khá bình thường", ông Strahinja Savic, Trưởng bộ phận dữ liệu và phân tích tại công ty tài chính FRNT Financial, chia sẻ với Bloomberg.
Giá bitcoin hiện vẫn cao hơn 130% so với đầu năm và tăng gần 50% kể từ sau chiến thắng của Tổng thống Donald Trump. Động thái cứng rắn hơn của Fed hôm 19/12 đã gây áp lực lên hầu hết tài sản rủi ro.
Fed đã phát tín hiệu giảm tốc trong việc hạ lãi suất năm sau. Thêm vào đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng cơ quan này "không được phép sở hữu bitcoin" theo Đạo luật Cục Dự trữ liên bang.
Ông nhấn mạnh họ cũng không có ý định sửa đổi luật để tham gia vào xây dựng kho dự trữ tiền số theo ý tưởng của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
"Mặc dù rất dễ đổ lỗi cho việc bán tháo là do Fed, nhưng chúng tôi tin rằng nguyên nhân gốc rễ của sự sụp đổ bởi thị trường ở trạng thái tăng trưởng quá mức", nhóm phân tích của nền tảng tiền số QCP Capital nhấn mạnh.
Theo Bloomberg, các quỹ ETF ở Mỹ đã kết thúc chuỗi 15 ngày đổ tiền liên tục vào bitcoin, ghi nhận mức rút vốn kỷ lục 680 triệu USD, cho thấy tâm lý thị trường đang thay đổi.
Trước đó, thị trường tiền mã hóa đã tăng mạnh sau chiến thắng của Tổng thống đắc cử Donald Trump trong cuộc bầu cử Mỹ ngày 5/11. Tuy nhiên, theo QCP Capital, tâm lý nhà đầu tư trở nên quá lạc quan, khiến thị trường dễ bị tổn thương trước bất kỳ thay đổi nào từ Fed sau này.
Sự bất ổn trên thị trường tiền mã hóa dự kiến kéo dài trong kỳ nghỉ lễ cuối năm, khi Tổng thống Trump chuẩn bị nhậm chức và đưa ra các lời đe dọa áp thuế đối với cả đồng minh lẫn đối thủ của Mỹ. Bên cạnh đó, với khả năng Fed giảm tốc độ nới lỏng chính sách, sự chú ý đang dồn vào tốc độ mà các tổ chức tài chính lớn sẽ chấp nhận bitcoin.
"Mối quan hệ giữa chính sách tiền tệ, sự chấp nhận của các tổ chức và các diễn biến chính trị cho thấy bitcoin sẽ tiếp tục nhạy cảm với cả yếu tố vĩ mô lẫn các sự kiện cụ thể trong lĩnh vực tiền mã hóa đến năm 2025", ông Hani Abuagla, nhà phân tích thị trường cấp cao tại XTB nhận định.