Tổng thống đắc cử Donald Trump đang củng cố quyền lực cho nhiệm kỳ sắp tới bằng đội ngũ những đồng minh ủng hộ nhiệt thành phong trào "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại".

Nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump tại Nhà Trắng có thể sẽ chứng kiến một Cánh Tây thiên hữu bậc nhất trong lịch sử chính trị hiện đại.

Đội ngũ của ông Trump được dự đoán nhắm vào giới tinh hoa ở Washington và đối tượng nhập cư để khẳng định với thế giới rằng "nước Mỹ luôn là ưu tiên hàng đầu", CNN nhận định.

Nội các của ông Trump đang được định hình và kiến tạo ngay tại tư gia Mar-a-Lago của tổng thống đắc cử, nơi những đồng minh thân cận tìm cách để trở nên gần gũi hơn với ông Trump, trong đó có cả Elon Musk, người giàu nhất hành tinh.

Những cái tên đã được công bố trong "đội hình" tương lai tại Nhà Trắng đều đủ để phe cánh tả rùng mình khi nghĩ đến viễn cảnh 4 năm tới, CNN nhận định.

Người được đề cử cho vị trí phó giám đốc chính sách Nhà Trắng dưới nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump là Stephen Miller, người từng công khai tuyên bố rằng "nước Mỹ là của người Mỹ và chỉ dành riêng cho người Mỹ" tại một cuộc mít tinh của phe Cộng hoà trên quảng trường Madison, New York.

Trên cương vị phó giám đốc chính sách Nhà Trắng, ông Miller được dự đoán triển khai các cuộc trục xuất người nhập cư hàng loạt với quy mô lớn.

Tương tự, người được chọn cho vị trí "ông trùm biên giới" trong chính quyền mới là Tom Homan, vốn được nhận xét là sẽ phù hợp với lập trường cứng rắn của tổng thống đắc cử.

Xuất hiện trên Fox News hôm 11/11 (giờ Mỹ), ông Homan cảnh báo rằng những quan chức thuộc đảng Dân chủ có ý định ngăn chặn các cuộc trục xuất "cần phải tránh đường".

Thống đốc South Dakota Kristi Noem, một tên tuổi khác của phong trào "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại" (MAGA), được cho là sẽ ngồi vào ghế bộ trưởng An ninh Nội địa trong chính quyền ông Trump, theo CNN.

Từ lâu, bà Noem đã được ca tụng là "nữ tướng" của phong trào MAGA và là ngôi sao trong giới truyền thông bảo thủ. Với cương vị bộ trưởng An ninh Nội địa, bà Noem sẽ tạo thành "kiềng ba chân" chịu trách nhiệm quản lý vấn đề biên giới, cùng với hai ông Miller và Homan.

Trên khía cạnh đối ngoại, ông Trump sẽ bổ nhiệm Thượng nghị sĩ Florida Marco Rubio vào vị trí ngoại trưởng.

Ông Rubio trong quá khứ từng công khai chế giễu ông Trump hồi 2016 và bị xem là kiểu người tân bảo thủ mà những người ủng hộ ông Trump không ưa.

Tuy nhiên, sau 8 năm, ông Rubio giờ đây đã chuyển sang cổ vũ ông Trump, theo CNN. Tại Đại hội Toàn quốc của đảng Cộng hòa, thượng nghị sĩ Florida phát biểu rằng "cách duy nhất để nước Mỹ trở nên giàu có, an toàn và mạnh mẽ trở lại là đưa Donald J. Trump trở thành tổng thống của chúng ta một lần nữa".

Tờ New York Times cũng từng nhận định ông Rubio khả năng cao sẽ được bổ nhiệm làm ngoại trưởng trong chính quyền Trump.

Lựa chọn của Tổng thống đắc cử Trump cho vị trí đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc là Hạ nghị sĩ New York Elise Stefanik, người phụ nữ quyền lực nhất đảng Cộng hòa tại Hạ viện.

Sự nghiệp chính trị của bà Stefanik thăng tiến nhanh chóng sau khi bà từ bỏ chủ nghĩa bảo thủ chính thống để trở thành một trong những đồng minh trung thành của ông Trump.

"Tôi sẵn sàng trợ lực cho Tổng thống Donald J. Trump khôi phục tôn chỉ 'nước Mỹ trên hết' thông qua sức mạnh lãnh đạo trên trường thế giới", bà Stefanik cho biết trong một tuyên bố.

Vào tối 11/11 (giờ Mỹ), CNN dẫn một số nguồn tin cho biết ông Trump có ý định bổ nhiệm Hạ nghị sĩ Florida Mike Waltz làm cố vấn an ninh quốc gia.

Động thái này được cho là sẽ làm chấn động Đại Tây Dương bởi ông Waltz từng tuyên bố rằng "đã đến lúc các nước đồng minh phải bỏ tiền ra đầu tư cho nền an ninh của chính họ" và rằng người Mỹ "đã chi trả hoá đơn quân sự quá lâu rồi".

Cả ba quan chức dự kiến nói trên đều được đánh giá là có lập trường cứng rắn trên trường quốc tế, qua đó phản ánh cách tiếp cận của ông Trump trước những đối trọng nước ngoài.

Tổng thống đắc cử cũng chọn Hạ nghị sĩ Lee Zeldin làm người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) vì ông Zeldin từng cam kết sẽ bám sát chính sách về môi trường mà ông Trump đưa ra, theo CNN.

Điểm chung của những ứng viên nội các đã được "chỉ mặt đặt tên" nằm ở lòng trung thành tuyệt đối với ông Trump, đặc biệt là trong khoảng thời gian chính trị gia 78 tuổi vướng vào những lùm xùm pháp lý.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên tại Nhà Trắng, nhiều thành viên nội các đã chọn ưu tiên lời tuyên thệ với Hiến pháp thay vì lòng trung thành với ông Trump. Điều này được cho là đã ảnh hưởng đến cách tổng thống đắc cử chọn ra bộ khung chính quyền mới.

Hai lựa chọn mới nhất cho nội các của ông Trump là tỷ phú Elon Musk và doanh nhân Vivek Ramaswamy cho vị trí đồng lãnh đạo Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE).

Tuy cách tiếp cận của ông Musk không có xu hướng thiên hữu cực đoan song ông Ramaswamy là một trong những tên tuổi nổi bật trong đảng Cộng hoà với lập trường bảo thủ cứng rắn, đặc biệt các vấn đề như môi trường, bình đẳng giới và nhập cư, theo New York Times.