Các nhà kinh tế học của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) khẳng định giá Bitcoin tăng liên tục sẽ dẫn đến sự nghèo đói trong xã hội.

Bitcoin làm tăng phân hóa giàu - nghèo trong xã hội

Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) vừa phát hành nghiên cứu về tác động tiêu cực đối với xã hội khi giá Bitcoin tăng vào hôm 12/10. Tính đến tháng 2 năm nay, ECB vẫn giữ quan điểm "Bitcoin có giá trị bằng 0".

Các nhà kinh tế học Ulrich Bindseil và Jürgen Schaaf của ECB lập luận, ngay cả khi giá Bitcoin tiếp tục tăng và không có kịch bản "bong bóng vỡ”, thì cũng chỉ những người đầu tư sớm hưởng lợi, còn người đến sau hoặc không sở hữu Bitcoin sẽ chịu thiệt hại nặng nề.

Họ cho rằng Bitcoin đã “đi chệch” với mục tiêu ban đầu của Satoshi Nakamoto, từ hệ thống thanh toán toàn cầu đang trở thành một tài sản đầu tư.

Các tác giả đề cập đến những nhân vật nổi tiếng, từ CEO BlackRock - Larry Fink, nhà sáng lập Galaxy Digital - Mike Novogratz đến vận động viên Tom Brady và các diễn viên Gwenyth Paltrow và Ashton Kutcher, đã góp phần xây dựng hình ảnh Bitcoin như một khoản đầu tư có tiềm năng tăng trưởng không giới hạn.

Nghiên cứu khẳng định Bitcoin hiếm khi được sử dụng như một phương thức thanh toán, đồng thời trích dẫn một tuyên bố sai lầm từ một nghiên cứu trước đó rằng “Bitcoin là phương thức giao dịch ưa thích của tội phạm”. Theo thống kê từ Bộ Tài chính Hoa Kỳ vào tháng 05/2024, tiền mặt vẫn là lựa chọn hàng đầu cho các giao dịch bất hợp pháp.

Những người đầu tư sớm có thể bán Bitcoin cho người đến sau hoặc rút vốn mua tài sản vật chất như các món đồ xa xỉ. Vì Bitcoin không làm tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế, các tác giả xem Bitcoin như một trò chơi có tổng bằng không (zero-sum game). Điều này có thể dẫn đến việc tái phân phối tài sản giữa người mới và bộ phận tham gia thị trường lâu năm, làm gia tăng khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội.

Thay vì coi Bitcoin là một phương tiện thanh toán, những người ủng hộ thường so sánh nó với vàng. Cách nhìn nhận này gợi lên câu hỏi về động cơ xã hội khi lựa chọn Bitcoin làm công cụ đầu tư. Mặc dù giá Bitcoin biến động, nhưng những người ủng hộ kỳ vọng giá trị của nó sẽ tăng lên theo thời gian, dù mang lại rất ít lợi ích thực cho xã hội.

Để đối phó với các rủi ro trên, Bindseil và Schaaf đề xuất kiểm soát giá nghiêm ngặt đối với Bitcoin. Từ đó ngăn chặn việc lợi dụng và nguy cơ gây ra bất ổn xã hội do sự phân phối tài sản không công bằng.

Họ cũng khuyến khích những người không nắm giữ Bitcoin nhận ra sự cần thiết phải phản đối Bitcoin. Những người này được khuyên ủng hộ các quy định nhằm kiểm soát hoặc loại bỏ sự tăng giá của Bitcoin.

Cuối cùng, các tác giả nhấn mạnh những người đầu tư muộn và không nắm giữ Bitcoin, cùng với đại diện chính trị, cần nhận thức rõ việc coi Bitcoin như một tài sản đầu tư đang diễn ra theo hướng tái phân phối tài sản gây bất lợi cho họ. Nếu không hành động, kết quả bầu cử có thể nghiêng về phía các chính trị gia ủng hộ Bitcoin, thúc đẩy sự chia rẽ xã hội và gia tăng tái phân phối tài sản.

Cộng đồng crypto phẫn nộ với bài báo của ECB

Cộng đồng tiền mã hóa đã chỉ trích mạnh mẽ bài viết của Ngân hàng Trung ương châu Âu. Nhà phân tích thị trường Tuur Demeester cảnh báo tài liệu của ECB có thể khuyến khích các chính phủ áp đặt các loại thuế nặng và thêm rào cản đối với tiền mã hóa. Ông cho rằng các nhà kinh tế của ngân hàng trung ương coi Bitcoin như một mối đe dọa đến sự tồn tại mà cần phải chống lại.

Demeester làm rõ, cộng đồng nắm giữ Bitcoin (HODLer) cần hành động để đảm bảo chính phủ tôn trọng quyền cơ bản về sở hữu tài sản của họ, đồng thời lưu ý Bitcoin đang trở thành một vấn đề chính trị quan trọng trong các cuộc bầu cử quốc gia và quốc tế.

Marc van der Chijs, đồng sáng lập công ty khai thác Bitcoin Hut 8, cũng bày tỏ lo ngại về quan điểm của ECB. Ông khẳng định những người đầu tư sớm không nên bị chỉ trích vì tầm nhìn và sự chấp nhận rủi ro của họ. Van der Chijs dự đoán nếu giá Bitcoin tăng gấp đôi hoặc gấp ba vào năm 2025, có thể sẽ có nhiều chính trị gia quay lưng với Bitcoin và cố gắng trấn áp nặng nề hơn.

Ngân hàng Trung ương Châu Âu từng kêu gọi xây dựng khung pháp lý toàn cầu để quản lý tiền mã hóa, bảo vệ nhà đầu tư và ngăn chặn lợi dụng crypto trong rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Vào tháng 06/2023, Liên minh Châu Âu đã thông qua luật quản lý tiền mã hóa MiCA, quy định về ví crypto, công ty tiền mã hóa và phát hành stablecoin, sẽ bắt đầu mở khóa hiệu lực từ tháng 6 đến tháng 12 năm nay.

ECB cũng để ngỏ khả năng phát hành đồng tiền kỹ thuật số riêng (CBDC) song vẫn cần thêm thời gian nghiên cứu.

DYOR! #Write2Win #Write&Earn #Write2Learn $BTC