Tỉ phú Elon Musk đã thành công trong việc cắt giảm chi tiêu và nhân sự ở cấp độ doanh nghiệp, như cách ông giảm nhân viên X (Twitter) từ 8.000 xuống còn 1.500 người. Nhưng liệu ông có thể làm điều tương tự với Chính phủ Mỹ?
Tại buổi vận động của Tổng thống đắc cử Donald Trump ở New York vào tháng trước, tỉ phú Elon Musk cho rằng Mỹ có thể tiết kiệm ít nhất 2.000 tỉ USD bằng cách giảm "lãng phí" trong chi tiêu công.
Hiện tại ông Musk đã được bổ nhiệm đồng dẫn dắt Ban Hiệu suất Chính phủ, mang lại cho ông cơ hội biến những ý tưởng của mình thành hiện thực.
Chi tiêu của Chính phủ Mỹ
Theo số liệu từ Bộ Tài chính Mỹ, trong năm tài chính vừa qua (từ tháng 10-2023 đến tháng 9-2024), Chính phủ liên bang đã chi tiêu tổng cộng 6,75 nghìn tỉ USD. Điều này có nghĩa là đề xuất cắt giảm 2.000 tỉ USD của ông Musk sẽ tương đương với việc cắt giảm khoảng 30% tổng chi tiêu của chính phủ.
Hiện nay, khoảng 880 tỉ USD (chiếm 13% tổng chi tiêu) dành cho trả lãi nợ công, một khoản chi không thể giảm nếu không muốn gây ra nguy cơ vỡ nợ cho Chính phủ Mỹ.
Khoản chi lớn khác là 1,46 nghìn tỉ USD (22%) cho an sinh xã hội, chủ yếu là lương hưu - một khoản chi bắt buộc theo luật.
Một số khoản chi bắt buộc lớn khác là Medicare - chương trình bảo hiểm y tế cho người từ 65 tuổi trở lên.
Các khoản chi tiêu "linh hoạt" (chi khi cần thiết), tức là các khoản phải được Quốc hội thông qua hằng năm, bao gồm quốc phòng (874 tỉ USD, chiếm 13%), giao thông vận tải (137 tỉ USD, chiếm 2%), giáo dục và các dịch vụ xã hội (305 tỉ USD, chiếm 5%).
Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO), chi tiêu "linh hoạt" chiếm khoảng 25% tổng chi tiêu năm 2023, trong đó hơn một nửa dành cho quốc phòng.
Như vậy về lý thuyết, việc cắt giảm chi tiêu "linh hoạt" dễ hơn so với các khoản chi bắt buộc.
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã tuyên bố ông Musk và người đồng dẫn dắt Ban Hiệu suất Chính phủ Vivek Ramaswamy sẽ tiết kiệm ngân sách bằng cách tinh giản bộ máy hành chính, cắt giảm quy định dư thừa và tái cơ cấu các cơ quan chính phủ.
Tuy nhiên, nếu muốn tiết kiệm 2.000 tỉ USD từ chi tiêu "linh hoạt", theo các chuyên gia phân tích, Mỹ sẽ phải đóng cửa hoàn toàn các cơ quan như giao thông, nông nghiệp, và an ninh nội địa. Lý do vì tổng chi tiêu cho hạng mục này năm 2023 chỉ khoảng 1,7 ngàn tỉ USD.
Theo Đài BBC, mấu chốt nằm ở chỗ ông Musk chưa làm rõ liệu ông muốn tiết kiệm 2.000 tỉ USD trong một năm hay nhiều năm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tài chính công ở Mỹ, ngay cả những người ủng hộ cắt giảm chi tiêu, vẫn hoài nghi về khả năng đạt được mức tiết kiệm này trong ngắn hạn mà không gây ra suy thoái trong các dịch vụ công hoặc đối mặt với sự phản đối từ công chúng.
Những thách thức trong chính sách tài khóa
Ông Trump trong chiến dịch tranh cử đã hứa hẹn sẽ tăng cường phúc lợi an sinh xã hội bằng cách miễn thuế thu nhập đối với khoản này, thay vì cắt giảm. Ngoài ra, ông cũng cam kết xây dựng "hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt" để bảo vệ nước Mỹ, ám chỉ đến việc tăng cường chi tiêu quốc phòng, chứ không phải cắt giảm.
Báo cáo từ Bộ Tài chính Mỹ công bố ngày 13-11 cho thấy thâm hụt ngân sách của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tháng 10 vừa qua tăng 287% so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức 67 tỉ USD lên 257 tỉ USD.
Xét trong năm tài chính 2024, Bộ Tài chính Mỹ ghi nhận mức thâm hụt ngân sách lên đến 1.833 tỉ USD, tăng so với năm 2023 (1.695 tỉ USD) do chi tiêu nhiều hơn, trong đó có việc trả lãi nợ công.
Trong khi đó, nợ công Mỹ vừa lần đầu vượt mốc 35.000 tỉ USD vào tháng 7 vừa qua, tăng gần 12.000 tỉ USD so với năm 2020.
Chỉ riêng từ đầu năm đến nay, nợ công đã tăng thêm 1.000 tỉ USD, đạt tỉ lệ 97% GDP.
Ủy ban Ngân sách liên bang có trách nhiệm (CRFB) dự báo rằng nếu không có các biện pháp cắt giảm chi tiêu lớn, thâm hụt ngân sách sẽ tăng đáng kể do các chính sách cắt giảm thuế của ông Trump, đẩy nợ công lên mức 143% vào giữa thập kỷ tới.