Ngân hàng Quốc gia Campuchia (NBC) cho phép các tổ chức tài chính cung cấp dịch vụ liên quan đến tiền mã hóa được bảo chứng, đánh dấu bước tiến thận trọng vào thị trường tài sản số.
Ngày 27/12, Ngân hàng Quốc gia Campuchia (NBC) chính thức công bố prakas (chỉ thị) cho phép các ngân hàng thương mại và tổ chức thanh toán được cấp phép cung cấp dịch vụ liên quan đến tài sản mã hóa loại 1, cụ thể là tiền mã hóa được bảo chứng hoặc ổn định giá trị.
Quy định mới này thể hiện nỗ lực của Campuchia trong tiếp cận đổi mới tài chính toàn cầu, đồng thời duy trì sự kiểm soát đối với các loại tiền mã hóa không được bảo chứng như Bitcoin, vẫn nằm trong danh sách bị cấm.
Khung pháp lý mới cho tiền mã hóa được bảo chứng
Hướng dẫn của NBC tập trung vào quản lý các hoạt động và doanh nghiệp liên quan đến tiền số. Theo đó, các tổ chức tài chính muốn tham gia thị trường này phải được NBC chấp thuận trước. Khi được cấp phép, họ có thể thực hiện các dịch vụ như trao đổi giữa tiền mã hóa được bảo chứng và tiền pháp định, chuyển tài sản mã hóa giữa các tài khoản và cung cấp dịch vụ lưu ký. Tuy nhiên, việc sử dụng tài sản mã hóa của khách hàng cho mục đích riêng của tổ chức bị nghiêm cấm.
Quyết định trên đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong lập trường của Campuchia đối với tiền mã hóa. Trước đây, quốc gia này cấm hoàn toàn các giao dịch tiền mã hóa do lo ngại về rủi ro rửa tiền, lừa đảo và các hoạt động bất hợp pháp khác trên thị trường chợ đen. Việc tập trung vào tiền mã hóa được bảo chứng cho thấy cách tiếp cận thận trọng của NBC, nhằm giảm thiểu những rủi ro này trong khi vẫn cho phép tiếp cận công nghệ mới.
Sự phát triển của tiền mã hóa trên toàn cầu, cả về mặt thanh toán và đầu tư, đã thúc đẩy Campuchia xem xét lại chính sách của mình. Theo ông Hông Vanak, nhà nghiên cứu kinh tế thuộc Học viện Hoàng gia Campuchia, tiền mã hóa, đặc biệt là loại không được bảo chứng, đang ngày càng được giao dịch như cổ phiếu do giá trị biến động mạnh.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý về những hạn chế của tiền mã hóa đối với nền kinh tế quốc gia. Tính chất kỹ thuật số và phi tập trung khiến việc quản lý, đánh thuế và theo dõi quyền sở hữu trở nên phức tạp.
Mặc dù vậy, việc cho phép các ngân hàng thương mại và tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến tài sản mã hóa được bảo chứng có thể tạo ra nguồn thu mới thông qua phí dịch vụ. Đây là bước đi cẩn trọng của Campuchia nhằm cân bằng giữa việc nắm bắt cơ hội của công nghệ tài chính mới và quản lý rủi ro tiềm ẩn.