Đồng USD vẫn là “vua”?

Xu hướng giảm của tỷ trọng USD trong dự trữ ngoại hối toàn cầu có thể sớm dừng lại, thậm chí đảo ngược...

Sau hai thập kỷ tỷ trọng của đồng USD trong dự trữ ngoại hối toàn cầu giảm dần xuống dưới mức 60%, các yếu tố kinh tế, tài chính và địa chính trị đang bắt đầu hội tụ để xu hướng này ít nhất tạm ngừng trong vài năm tới và thậm chí có thể đảo ngược - theo một bài viết của hãng tin Reuters.

Sự nổi lên của đồng euro và việc Trung Quốc vươn lên mạnh mẽ thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã làm suy yếu địa vị đồng tiền dự trữ của USD. Ngoài ra, mong muốn đa dạng hoá dự trữ ngoại hối là một nhân tố khác có thể khiến cho đồng bạc xanh không bao giờ lấy lại được quyền lực tuyệt đối trước kia.

Tuy nhiên, theo cuộc khảo sát “Nhà đầu tư công toàn cầu 2024” của OMFIF, với sự tham gia của 73 ngân hàng trung ương nắm số dự trữ ngoại hối tổng cộng 5,4 nghìn tỷ USD, có một tỷ lệ ròng 18% các nhà quản lý ngoại hối cho biết có kế hoạch tăng dự trữ USD trong 12-24 tháng tới. Tỷ lệ này cao gấp hai lần rưỡi so với số đưa ra câu trả lời tương tự đối với đồng tiền ở vị trí thứ hai là đồng euro.

Bên cạnh đó, các yếu tố chu kỳ đang ngày càng có lợi hơn cho đồng USD, bao gồm tốc độ tăng trưởng kinh tế và tỷ suất lợi nhuận ở Mỹ đang tương đối cao so với ở các nền kinh tế phát triển khác, và xu thế này có khả năng sẽ duy trì trong khoảng 2 năm tới.