Giao dịch P2P trên Binance không phải lúc nào cũng thuận lợi, bạn có thể gặp những tình huống phát sinh như scam, lừa đảo. Vậy nếu gặp vấn đề đó thì bạn cần xử lý thế nào để giao dịch Binance P2P an toàn?
Binance P2P là một kênh giao dịch nhanh chóng và được sử dụng nhiều trong thị trường Crypto. Hệ thống giao dịch này giúp người mua và người bán dễ dàng trao đổi với nhau thông qua một trung gian uy tín. Tuy nhiên, P2P vẫn tồn tại những kẽ hở hay một số vấn đề nhất định khiến nhiều người dùng và cả các thương nhân gặp khó khăn trong thời gian qua. Hãy cùng điểm qua một số trường hợp trục trặc khi mua bán crypto trên Binance P2P và những lưu ý quan trọng để có được trải nghiệm tốt nhất.
Một số trường hợp phát sinh trong giao dịch Binance P2P và cách giải quyết
Sau đây là những trường hợp khiếu nại phổ biến hay gặp từ người dùng Việt Nam:
Trường hợp 1: Người mua đã thanh toán nhưng quên nhấn nút “Đã thanh toán”
Người mua đã thanh toán nhưng quên nhấn nút Đã thanh toán, giao dịch bị hủy bởi hệ thống vì quá thời gian quy định.
Cách giải quyết: Đầu tiên, bạn cần bình tĩnh để xử lý vấn đề. Hãy thông báo ngay lập tức cho người bán trong chatbox, cung cấp bằng chứng chuyển tiền và yêu cầu họ hoàn lại tiền cho mình.
Trường hợp người bán không phản hồi, hãy tìm lại quảng cáo đang hiện hành của người bán và đặt lại một lệnh tương đương (ví dụ ban đầu bạn đã chuyển khoản 5 triệu VNĐ thì lúc này bạn cũng chọn mua với giá trị 5 triệu VNĐ). Khi giao dịch được đặt, bạn không chuyển tiền cho người bán mà bấm vào Đã chuyển tiền, sau đó thông báo với họ là bạn đặt lại cho giao dịch cũ bị huỷ và đính kèm bằng chứng chuyển tiền. Điều này sẽ giúp người bán rà soát và xác nhận cho bạn nhanh chóng.
Nếu bạn không thể tìm thấy người bán này, hãy liên hệ ngay lập tức với bộ phận hỗ trợ của sàn Binance.
Trường hợp 2: Thời gian xử lý giao dịch đã hết nhưng người bán vẫn chưa trả coin.
Người mua đã chuyển khoản thành công và thời gian xử lý giao dịch đã hết nhưng người bán vẫn chưa trả coin.
Cách giải quyết: Liên hệ với người bán bằng cách nhắn tin thông qua chatbox và cung cấp bằng chứng đã chuyển tiền, hoặc có thể gọi điện trực tiếp đến người bán để yêu cầu họ trả coin.
Nếu người bán cố ý không trả coin, bạn hãy bấm vào Khiếu nại và liên hệ với bộ phận hỗ trợ của Binance P2P để được giải quyết.
Trường hợp 3: Ghi nhầm nội dung liên quan đến crypto như “mua USDT, BTC…”
Người mua chuyển khoản thành công nhưng “lỡ tay” ghi nội dung liên quan đến crypto như “mua USDT, BTC…” nên bị đối tác chậm trễ giải phóng coin hoặc phạt tiền.
Cách giải quyết: Các nội dung chuyển khoản như vậy hoàn toàn không được phép vì pháp luật Việt Nam vẫn chưa cho phép sử dụng Crypto làm phương tiện thanh toán. Trong trường hợp này, bạn hãy thử thương lượng với đối tác, cố gắng đạt được thỏa thuận từ hai bên.
Trường hợp 4: Rửa tiền qua P2P
Gần đây chúng ta gặp rất nhiều trường hợp rửa tiền qua P2P. Một số bên lừa đảo lợi dụng thương nhân trong việc giao dịch P2P trên Binance như một trung gian để rửa tiền. Làm thế nào để tránh những trường hợp này?
Cách giải quyết:
Luôn đảm bảo khoản thanh toán nhận được từ người mua đến từ tài khoản chính chủ trước khi giải phóng tài sản.
Hãy giao dịch với đối tác có lịch sử giao dịch tốt, dựa trên số lệnh đã hoàn thành, tỷ lệ hoàn thành lệnh, có nhiều phản hồi tích cực của các người mua bán trước đó…
Khi đăng quảng cáo, bạn có thể thiết lập sao cho chỉ những đối tác đủ điều kiện mới có thể giao dịch với bạn. Ví dụ, bạn đặt yêu cầu khi giao dịch với số tiền lớn (trên 50 triệu VNĐ chẳng hạn) thì phải gọi video để xác minh rõ người mua.
Kiểm tra kỹ thông tin của đối tác cũng như các điều khoản và điều kiện của họ. Có thể kiểm tra kỹ đối tác trên các trang mạng xã hội, mối quan hệ để xem có dấu hiệu đáng ngờ nào không.
Như bạn thấy ở biểu đồ trên, sàn Binance bị nhiều đối tượng lợi dụng nhất để rửa tiền nên bạn cần lưu ý để tránh vướng vào rắc rối
Trường hợp 5: Gặp phải đối tượng giao dịch bằng tiền bẩn và bị ngân hàng phong toả tài khoản
Giao dịch P2P trên Binance gặp phải đối tượng giao dịch bằng tiền bẩn/rửa tiền dẫn đến bị ngân hàng phong toả tài khoản và chưa biết khi nào mở, chỉ biết khi nào cơ quan điều tra gửi thông báo mới mở được thẻ.
Cách giải quyết: Đây là trường hợp rất nhạy cảm và chưa có phương án giải quyết tốt nhất. Trong trường hợp này, nếu muốn an toàn, bạn có thể rút hết ra tiền mặt rồi gửi vào tài khoản ngân hàng khác sau khi giao dịch xong.
Nếu cơ quan chức năng đã phong toả tài khoản thì khả năng cao phải đợi một thời gian. Bạn cũng có thể gửi đơn khiếu nại nếu chứng minh được mình không liên quan đến giao dịch tiền bẩn trước đó.
Căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 17 Thông tư 23/2014/TT-NHNN và Điều 129 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, nếu cơ quan chức năng không chứng minh được hành vi vi phạm thì buộc phải kết thúc vụ án và mở các tài khoản liên quan.
Trường hợp 6:
Có một số nhà giao dịch P2P trên Binance để giá mua cao hơn so với những người khác cùng với hạn mức giao dịch nhỏ. Khi người bán chọn thì sẽ nhận được tin nhắn trả lời tự động là thu 10.000 VNĐ làm phí giao dịch. Nếu người bán không đồng ý thì họ cũng không hủy giao dịch mà bắt phải chờ hết 30 phút cho giao dịch tự hủy, làm mất rất nhiều thời gian. Liệu có cách nào để xử lý những giao dịch này không?
Cách giải quyết: Hành vi thông báo và thực hiện thu phí chuyển khoản trong giao dịch là vi phạm quy định của P2P. Khi gặp trường hợp này, điều đầu tiên nên làm là trao đổi với bên mua rằng bạn không đồng ý việc thu phí như vậy và yêu cầu bên mua huỷ lệnh. Sau đó, bạn liên hệ với bộ phận hỗ trợ giao dịch P2P trên Binance, cung cấp order ID để được giải quyết.
Trường hợp 7: Nội dung chuyển khoản không đúng với yêu cầu ban đầu của người bán
Người mua ghi nội dung chuyển khoản không đúng với yêu cầu ban đầu của người bán (chẳng hạn như yêu cầu ghi số lệnh mà lại ghi “A chuyển tiền cho B”…), nên người bán yêu cầu phải đóng một số tiền nào đó mới được giải quyết.
Cách giải quyết: Hãy thương lượng với người bán. Tuyệt đối không chuyển thêm tiền, nếu họ vẫn không đồng ý, bạn mở khiếu nại và liên hệ với bộ phận hỗ trợ của sàn Binance để giải quyết. Nhưng dù sao bạn cũng cần làm theo đúng những hướng dẫn của người bán để tránh phát sinh vấn đề.
Nếu bị yêu cầu trả thêm một khoản phí mới được giải phóng coin thì bạn tuyệt đối không được làm theo
Trong trường hợp cần khiếu nại lên sàn liên quan đến giao dịch mua/bán thì nên làm thế nào? Bài viết này hướng dẫn chi tiết quy trình khiếu nại khi giao dịch P2P trên Binance, bạn nên đọc qua để luôn chủ động trong trường hợp cần được hỗ trợ: Quy trình khiếu nại của Binance P2P
Các lưu ý khi giao dịch trên Binance P2P an toàn
Đối với người mua
Ghi đúng mã số lệnh vào nội dung chuyển khoản (toàn bộ mã hoặc 4 số cuối).
Không ghi chuyển tiền ảo, USDT, Bitcoin… vào nội dung chuyển khoản.
Đọc kỹ các thông tin phương thức thanh toán, điều kiện, điều khoản do đối tác yêu cầu trước khi tiến hành giao dịch.
Nếu không rõ, hoặc nếu số tiền lớn, hãy trao đổi và thống nhất với người bán trước khi thanh toán.
Khi đã thực hiện thanh toán, ngay lập tức bấm vào nút Đã thanh toán để tránh phát sinh các trường hợp không đáng có.
Thông báo với người bán mình đã thực hiện và chờ người bán xác nhận.
Một số thông tin bạn cần lưu ý trước khi thanh toán/giao dịch P2P trên Binance
Đối với người bán
Hãy chắc rằng bạn chọn đối tác tin cậy (thương nhân hoặc người dùng), tỷ lệ hoàn thành cao, số giao dịch nhiều.
Để tìm đối tác phù hợp, bạn có thể nhập số tiền mong muốn vào thanh/nút tìm kiếm để có kết quả nhanh hơn.
Chú ý đến thời gian giao dịch của quảng cáo để tránh giao dịch tự hủy khi hết thời gian.
Nếu không rõ, hoặc nếu số tiền lớn, hãy trao đổi và thống nhất với người mua trước khi thực hiện chuyển khoản.
Khi nhận được tiền, hãy kiểm tra các thông tin xem có khớp với số tiền giao dịch không.
Nếu mọi thứ đã ổn, hãy bấm xác nhận để giải phóng coin/token.
Một số lưu ý khác
Luôn lựa chọn người bán/người mua uy tín, được đánh giá tốt thông qua một số tiêu chí như hình dưới đây:
Các tiêu chí giúp bạn đánh giá độ tin cậy của người giao dịch P2P trên Binance
Nguyên tắc giao dịch: Khi người bán đăng bán thì họ phải để sẵn tiền trên sàn. Khi bạn giao dịch qua Binance P2P thì số tiền bạn mua sẽ bị sàn khóa theo giao dịch mà bạn đang thực hiện cho đến khi bạn nhận được tiền. Nếu bạn chuyển khoản xong mà bên bán không chuyển tiền thì bạn có thể bấm khiếu nại để báo cáo với sàn.
Hãy chú ý tới các quảng cáo có giá giao dịch bất thường. Quảng cáo bất thường phổ biến là những quảng cáo mua có mức giá cao hơn giá thị trường đang giao dịch khá nhiều. Kẻ lừa đảo đang cố tình gài bẫy để nạn nhân nhấn vào quảng cáo bằng cách đăng một mức giá phi thực tế. Người dùng cần lưu ý không nhấn vào những quảng cáo khả nghi.
Cẩn thận với các người dùng chưa từng có giao dịch thành công, hoặc tỷ lệ hoàn thành giao dịch rất thấp.
Đối với người bán, luôn kiểm tra tài khoản ngân hàng để chắc chắn đã nhận được đầy đủ khoản thanh toán cho giao dịch, KHÔNG giải phóng tiền mã hóa khi chưa nhận được tiền trong tài khoản. Đối với người mua, hãy bảo đảm tài khoản ngân hàng của người nhận khớp với tên đối tác đang giao dịch.
Nên cân nhắc kỹ khi chuyển tiền cho tài khoản ngân hàng có tên chủ tài khoản không đúng với định dạng bình thường. Ví dụ “DUONG VANPHONG” không có dấu cách, ”ĐUONG VAN PHONG” sai định dạng chuẩn, trong khi định dạng chuẩn sẽ là “DUONG VAN PHONG”. Một vài tài khoản khi đăng ký với sàn Binance sẽ bị lỗi trong tên, đây không phải điều quá đáng lo ngại. Tuy nhiên, trường hợp bạn khiếu nại vì giao dịch có vấn đề mà tên tài khoản không khớp dù chỉ là một dấu cách, sàn có khả năng sẽ không giải quyết cho bạn.
Ở trường hợp ngược lại, bạn cũng nên kiểm tra kỹ thông tin họ tên của mình trong giao dịch P2P trên Binance vì đôi lúc sàn ghi thông tin của bạn bị lỗi. Nếu bị lỗi thông tin về tên, bạn liên hệ với bộ phận hỗ trợ của sàn Binance và họ sẽ sửa lại tên chính xác trong 2 ‒ 5 ngày làm việc.
Cần cẩn thận với những trường hợp tên không đúng định dạng để đảm bảo giao dịch Binance P2P an toàn
Kiểm tra thêm tình trạng bảo trì của ngân hàng, thường là vào cuối tuần hoặc ngày lễ. Ngân hàng bảo trì nên thường sẽ treo lệnh, còn bên bán trên sàn Binance P2P khi gặp trường hợp này có thể sẽ hủy lệnh. Nếu không đàm phán được với bên bán và ngân hàng giải phóng lệnh sau khi treo thì bạn sẽ mất tiền.
Một số hình thức lừa đảo trên Binance P2P khác cần biết
Làm giả hình ảnh biên lai chuyển tiền
Trong trường hợp này, kẻ lừa đảo là người mua tiền mã hóa từ bạn. Sau khi giao dịch được khớp lệnh, kẻ lừa đảo sẽ đánh dấu “Đã thanh toán” và gửi kèm cho bạn một biên lai chuyển tiền giả. Biên lai giả mạo trông rất giống biên lai thật.
Kẻ lừa đảo sẽ thuyết phục nạn nhân mình đã chuyển tiền thành công và yêu cầu nạn nhân mở khoá. Các lý do chúng sử dụng bao gồm: mạng đang bị nghẽn, chuyển tiền liên ngân hàng nên tiền đến trễ…. Nếu người dùng sơ ý không kiểm tra tài khoản ngân hàng và vô tình xác nhận, tài sản sẽ được giải phóng cho kẻ lừa đảo.
Bạn cần làm gì để bảo vệ tài sản của mình?
Đầu tiên và trên hết, người dùng phải luôn kiểm tra số dư tài khoản ngân hàng. Nếu hệ thống ngân hàng của bạn chưa hoặc không ghi nhận tiền từ người mua, tuyệt đối không được giải phóng tài sản mã hóa.
Hãy để ý đến biên lai chuyển tiền. Nếu nhận thấy có điều gì đó không đúng như thông tin giờ giao dịch sai, format không giống chuẩn, hình ảnh không rõ ràng… thì khả năng cao bạn đang giao dịch P2P trên Binance với một kẻ lừa đảo.
Chuyển thiếu nhiều tiền
Kẻ lừa đảo đóng vai người mua tiền mã hóa từ bạn khi giao dịch P2P trên Binance. Thủ đoạn của kẻ lừa đảo là tạo quảng cáo mua với một số tiền cố định hoặc chọn mua từ một quảng cáo khác với số tiền cố định. Đối tượng sẽ đặt một lệnh mua, ví dụ với số tiền là 29.999.999 VND. Tuy nhiên trên thực tế, đối tượng chỉ thanh toán 29.999 VND cho bạn. Hai số tiền tương tự nhau rất dễ khiến bạn nhầm lẫn nên bạn cần hết sức tỉnh táo khi giao dịch.
Không chỉ P2P mà cả thị trường Crypto đều là mồi ngon của kẻ xấu nên nhà đầu tư phải tự trang bị kiến thức để tránh mắc bẫy
Giả mạo nhân viên sàn giao dịch P2P trên Binance
Kẻ lừa đảo giả mạo làm nhân viên sàn giao dịch P2P trên Binance thường liên hệ với đối tác qua các kênh Telegram, Zalo, Whatsapp… thay vì trực tiếp trên sàn Binance và lừa người mua huỷ đơn lệnh, sau đó lấy tiền của họ.
Lừa đảo trên sàn Binance tinh vi và trên đây chưa phải là tất cả. Bạn cần biết rằng những kẻ lừa đảo còn nhiều chiêu trò hơn vậy. Để lật tẩy hết những chiêu trò này, hãy cảnh giác 8 hình thức lừa đảo trong Crypto để tự nâng cao ý thức bảo vệ tài sản cá nhân.
Trong thị trường Crypto, cơ hội rất nhiều nhưng rủi ro lừa đảo cũng nhiều không kém. Mình tin rằng, những lưu ý trong bài viết không chỉ giúp bạn giao dịch an toàn trên Binance P2P mà còn có thể áp dụng cho rất nhiều sàn khác. Điều quan trọng nhất để tránh bị lừa đảo hay vướng vào rắc rối vẫn là ý thức và kiến thức của nhà đầu tư.