Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố chính sách ứng dụng AI trong quân sự nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực và nâng cao năng lực tác chiến.

Chính sách được Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố vào 2/7 trong bối cảnh Lực lượng Phòng vệ nước này đang phải đối mặt với nhiều thách thức về tuyển dụng vì sự già hóa dân số và khả năng khai thác sức mạnh của công nghệ mới.

Bộ trưởng Quốc phòng, Minoru Kihara nhấn mạnh, AI có tiềm năng trở thành một trong những công nghệ then chốt giúp Nhật Bản vượt qua những thách thức này.

Chính sách mới tập trung 7 lĩnh vực ưu tiên ứng dụng AI, bao gồm: phát hiện và xác định mục tiêu bằng radar và hình ảnh vệ tinh, thu thập và phân tích thông tin tình báo, cũng như trong các phương tiện quân sự không người lái.

Việc ứng dụng AI được kỳ vọng sẽ giúp Nhật Bản nâng cao tốc độ chiến đấu, giảm thiểu sai sót do con người, tiết kiệm nhân lực và chi phí lao động.

Động thái của Nhật Bản được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang xem xét sử dụng AI để tích hợp các hệ thống khác nhau và xử lý lượng dữ liệu khổng lồ nhằm cải thiện quy trình ra quyết định.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang nỗ lực ứng dụng AI để hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là trong các hệ thống vũ khí không người lái.  Chính vì vậy, Nhật Bản cần khẩn trương thích ứng với phương thức tác chiến mới và hoạt động hiệu quả hơn.

Bộ trưởng Quốc phòng Minoru Kihara lưu ý rằng AI có tiềm năng trở thành một trong những công nghệ có thể vượt qua những thách thức của Nhật Bản về dân số già hóa và suy giảm.

Tuy nhiên, chính sách mới cũng thừa nhận những rủi ro tiềm ẩn khi sử dụng AI, chẳng hạn như sai sót số liệu và thiên kiến. Do đó, việc triển khai cần tuân thủ các hướng dẫn của chính phủ về sử dụng AI, đồng thời xem xét các cuộc thảo luận quốc tế về giảm thiểu rủi ro.

Chính sách cũng khẳng định con người vẫn giữ vai trò quyết định trong ứng dụng công nghệ: “AI hỗ trợ cho phán đoán của con người, và cần đảm bảo sự tham gia của con người trong việc sử dụng nó, cho thấy chính phủ Nhật Bản không có ý định phát triển các hệ thống vũ khí sát thương hoàn toàn tự động.

Bên cạnh các lĩnh vực ưu tiên nêu trên, AI cũng sẽ được ứng dụng trong một số lĩnh vực khác như chỉ huy và kiểm soát, an ninh mạng, hỗ trợ hậu cần, cũng như giúp nâng cao hiệu quả công việc hành chính.

Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng AI, Bộ trưởng Kihara công bố sáng kiến ​​mới nhằm tăng cường năng lực an ninh mạng cho Lực lượng Phòng vệ Mặt đất. Theo đó, Nhật Bản sẽ tổ chức kỳ thi mới để tuyển chọn và đào tạo các tân binh trở thành chỉ huy trong lĩnh vực an ninh mạng ngay từ giai đoạn tuyển quân, bao gồm cả việc trao đổi nhân sự với khu vực tư nhân.

Việc Nhật Bản đẩy mạnh ứng dụng AI và an ninh mạng trong quân đội đã được đề cập trong Chiến lược An ninh Quốc gia và Chương trình Xây dựng Lực lượng Phòng vệ mà Nội các Nhật Bản phê duyệt vào năm 2022, theo The Japan News.