Sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI) mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều rủi ro chưa từng có cho ngành truyền thông, phim ảnh, truyền hình và giải trí.

Sự xuất hiện của công nghệ tạo nội dung tự động này khiến các chuyên gia bảo hiểm truyền thông phải đối mặt với một câu hỏi nan giải: liệu họ có bảo hiểm các yêu cầu bồi thường cho nội dung được tạo ra bằng AI tạo sinh hay không?

Ros Breese, Giám đốc bảo hiểm – truyền thông, điện ảnh và truyền hình tại Tokio Marine HCC International, cho biết AI tạo sinh đã tạo ra nhiều cuộc thảo luận sôi nổi trong ngành bảo hiểm truyền thông. Công nghệ này mang đến một loạt rủi ro mới khác biệt hoàn toàn với các phương pháp sáng tạo nội dung truyền thống.

Sự thận trọng với công nghệ AI không chỉ là thái độ của ngành bảo hiểm truyền thông, mà còn bao quát cả ngành truyền thông và giải trí, đặc biệt là khi đối mặt với các vụ kiện pháp lý nổi bật.

Chẳng hạn như vụ kiện của tờ New York Times chống lại OpenAI, chủ sở hữu ChatGPT về việc sử dụng tài liệu lưu trữ trong các công cụ AI tạo sinh. Tờ báo đã khẳng định bản quyền của họ bị vi phạm để huấn luyện các mô hình AI, và đòi bồi thường thiệt hại lên đến hàng tỷ USD.

Vụ kiện này cho thấy sự thiếu rõ ràng về pháp lý liên quan đến việc sử dụng AI tạo sinh trong việc tạo nội dung. Vấn đề lớn nhất là việc truy xuất quyền sở hữu nội dung gốc trong tài liệu AI tạo sinh. Hiện tại, chưa có khung pháp lý cụ thể nào về vấn đề này, khiến các công ty truyền thông và các nhà sản xuất phim phải thận trọng trong việc ứng dụng công nghệ mới này.

Khi AI tạo sinh trở nên phổ biến hơn, ngành bảo hiểm sẽ cần phải điều chỉnh cách tiếp cận của mình đối với các rủi ro mà nó gây ra.

Để giảm thiểu rủi ro, Breese khuyến nghị các công ty nên phát triển các giao thức để truy tìm nguồn gốc của nội dung và thiết lập mối liên hệ trách nhiệm hai chiều giữa khách hàng và các công cụ AI tạo sinh.

“Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể sẽ xem xét nó giống với nội dung khác và hợp tác với các công ty bảo hiểm để giảm thiểu các yêu cầu bồi thường. Nếu chúng ta biết AI tạo sinh được sử dụng cho mục đích gì và những chủ sở hữu nội dung gốc, điều ấy sẽ tạo ra sự đảm bảo trong mối liên hệ giữa người sử dụng với công cụ AI tạo sinh,” cô cho biết. “Chúng ta đang trên tiến trình này.

Tính minh bạch về mặt luật pháp và các vụ kiện quan trọng như vụ kiện của New York Times cũng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình các chiến lược bảo hiểm trong tương lai.

Bên cạnh những thách thức về mặt công nghệ, chính bản thân bối cảnh tiêu thụ truyền thông cũng đang thay đổi, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Hiện nay đang có xu hướng rõ rệt là chuyển từ nội dung sản xuất truyền thống sang các định dạng ngắn gọn, dễ tiêu hóa hơn như podcast.

Breese cho biết: “Chúng tôi đang thấy rất nhiều nội dung podcast hơn bao giờ hết, đặc biệt trong thể loại tội phạm có thật. Có một sự quan tâm lớn đến các bộ phim tài liệu sử dụng tư liệu lưu trữ, thay vì các bộ phim truyền hình bom tấn lớn.” Vị giám đốc nói thêm, “nếu bạn nhìn vào các dịch vụ phát trực tuyến hiện nay, có một danh mục phim tài liệu khổng lồ, điều mà chúng ta sẽ không thấy cách đây năm hay mười năm trước. Chúng ta đang thấy một xu hướng chuyển đổi rõ rệt từ phim truyền hình hư cấu sang nội dung thực tế.”

Xu hướng này đòi hỏi một cách tiếp cận khác đối với quản lý rủi ro. Ví dụ, các nhà làm phim tài liệu sẽ phải đối mặt với đủ loại vấn đề về quyền với những cá nhân xuất hiện trong tác phẩm của họ, bao gồm cả trong các cảnh lưu trữ. Theo cô Breese, bản thân chuyện này đã là một mỏ mìn tiềm ẩn.

Sự phức tạp trong việc giải quyết tư liệu lưu trữ và việc sử dụng các biện pháp bảo vệ như sử dụng hợp lý và đối xử công bằng càng làm phức tạp quá trình sản xuất. Những thách thức này cho thấy sự cần thiết của các giải pháp bảo hiểm chuyên biệt phù hợp với bối cảnh phức tạp của sản xuất phim tài liệu và nội dung có thật.

Breese khuyên các nhà môi giới làm việc với khách hàng trong lĩnh vực truyền thông và điện ảnh nên theo dõi các rủi ro đang phát triển và nhu cầu bảo hiểm và quản lý rủi ro đặc thù của khách hàng. “Mối quan hệ và cuộc trò chuyện càng cởi mở giữa tất cả các bên trong chuỗi bảo hiểm thì càng có lợi,” cô nói.