Việt Nam đã giảm từ vị trí thứ 3 năm 2023 xuống thứ 5 trong năm 2024 trên Chỉ số Chấp Nhận Crypto Toàn Cầu. Sự sụt giảm này chủ yếu do sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các quốc gia trong khu vực như Indonesia, nơi đã đẩy nhanh tốc độ chấp nhận của các tổ chức và đưa ra các khung pháp lý rõ ràng hơn. Mặc dù Việt Nam đã có sự tăng nhẹ về giá trị dịch vụ tập trung, nhưng vị trí trong DeFi vẫn giữ nguyên, cho thấy tốc độ phát triển Web 3 chậm hơn so với các nước láng giềng.
Chỉ Số Chấp Nhận Tiền Điện Tử 2024 của Chainalysis tại Đông Nam Á và Ấn Độ
Luật pháp tại Việt Nam liên quan đến crypto.
Theo dự thảo, quản lý tài sản số bao gồm các quy định về quyền sở hữu, chuyển nhượng, sử dụng tài sản số; quy định về thuế, tài chính; hợp tác quốc tế và chia sẻ thông tin; quy định về bảo mật, an toàn thông tin, an ninh mạng, sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng; quản lý theo vòng đời; phòng chống, ngăn chặn, quản lý rủi ro.
Ngoài ra, dự luật cần bổ sung chế định về quyền sở hữu, thừa kế và sử dụng; biện pháp bảo mật, giao dịch tài sản số, xử lý khiếu nại của người dùng, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phù hợp với thông lệ quốc tế, thuận lợi cho các giao dịch; chống rửa tiền và minh bạch hóa thị trường.
Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản này, hoàn thành trong tháng 5/2025. Việc này nhằm hạn chế rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố liên quan tới loại tài sản này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt vấn đề đã đến lúc quản lý Bitcoin tại Việt Nam
Trong phiên thảo luận của Quốc hội về công nghệ số, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số, đồng thời đề cao phương châm “vừa làm, vừa rút kinh nghiệm,” đảm bảo tiến trình không nóng vội nhưng cũng không quá cầu toàn.
Thủ tướng cho biết hiện nay "đời thực như nào thì đời ảo như thế". Và nêu vấn đề rằng Bitcoin tăng phi mã, có giá trị cao trên thế giới và thực tế nước ta vẫn có giao dịch Bitcoin nhưng tại sao không đưa vào quản lý?
Nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh cần quy định rõ về tài sản số
Ngày 30/11, trong kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, nhiều đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số:
- Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (đoàn Nghệ An):
• Việt Nam đứng TOP2 thế giới về tỷ lệ sở hữu tài sản số, với khoảng 20 triệu người và 120 tỷ USD tiền mã hóa mỗi năm. “Vì vậy nếu chúng ta không có khung pháp lý cho hình thức sở hữu này thì sẽ bỏ qua một mảng rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế số”, ông Hiếu nói.
• Đề xuất cần phân loại rõ tài sản số và quy định riêng cho từng loại. Ví dụ như đối với tiền mã hóa thì có những quy định khác, tài sản số đại diện hoặc tài sản ảo trong hệ sinh thái kỹ thuật số thì cũng phải có những quy định khác.
- Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh):
• Đề xuất bổ sung thêm các ví dụ cụ thể về tài sản số như tài sản trí tuệ số, NFT, tiền mã hóa (cryptocurrency), và tài sản số liên quan đến dữ liệu lớn (big data). Điều này giúp minh họa phạm vi áp dụng và tránh gây hiểu nhầm.
• Cần làm rõ hơn sự khác biệt giữa tài sản mã hóa và các tài sản số khác, đồng thời nhấn mạnh tài sản mã hóa có thể bao gồm cả các token tiện ích (utility tokens) và token chứng khoán (security tokens).
- Đại biểu Bế Trung Anh (đoàn Trà Vinh)
• Việt Nam đã có xã hội số, Chính phủ số và đặc biệt có kinh tế số. Chúng ta muốn có kinh tế số lành mạnh thì các giao dịch kinh tế số phải dựa vào các quy định của pháp luật.
• Trong dự thảo luật này đã định nghĩa về tài sản số, nhưng chưa thấy có định nghĩa về tiền số. “Chẳng lẽ chúng ta lại mua bán, giao dịch tài sản số bằng tiền thật”, đại biểu nêu vấn đề và kiến nghị cần phải có khái niệm "tiền số" để quản lý.
Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số gồm 8 Chương, 73 Điều đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8 vừa qua và dự kiến Quốc hội sẽ thông qua trong 2025.