Ban Hiệu suất Chính phủ của Musk sẽ chấm dứt hình thức làm việc từ xa với 2,3 triệu viên chức, tạo "sóng thần" thúc đẩy nhiều người xin nghỉ việc.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã cam kết sẽ cắt giảm bộ máy chính phủ cồng kềnh mà ông cho là hoạt động kém hiệu quả, và đã bổ nhiệm hai tỷ phú phụ trách Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE) để đảm nhận công việc này.

Tỷ phú Elon Musk và doanh nhân Vivek Ramaswamy, hai lãnh đạo của DOGE, đã công bố mục tiêu đầu tiên mà họ nhắm đến trong nỗ lực tinh giản bộ máy chính phủ là những viên chức đang thực hiện chế độ làm việc từ xa.



"Nếu viên chức không muốn đi làm trực tiếp, người nộp thuế Mỹ không nên trả lương để họ tiếp tục sử dụng đặc quyền làm việc từ xa như thời Covid-19", hai tỷ phú nhấn mạnh trong bài viết đăng trên WSJ ngày 20/11.

Kết thúc chế độ làm việc từ xa với viên chức được xem là một trong những quyết sách đầu tiên mà ông Trump sẽ ban bố sau khi nhậm chức ngày 20/1/2025, theo nguồn tin am hiểu vấn đề.

Musk tin rằng việc yêu cầu viên chức Mỹ quay lại chế độ làm việc tuần 5 ngày ở công sở sẽ tạo ra một đợt "sóng thần", thúc đẩy hàng loạt nhân viên liên bang tự nguyện xin nghỉ việc, giúp chính phủ Mỹ tinh giản bộ máy mà không cần phải ra các quyết định sa thải hàng loạt.




Doanh nhân Vivek Ramaswamy (trái) và tỷ phú Elon Musk


Chế độ làm việc từ xa được áp dụng rộng rãi ở Mỹ kể từ khi đại dịch Covid-19 hoành hành và tiếp tục được duy trì đến nay. Trong số 2,3 triệu viên chức liên bang Mỹ, khoảng 1,3 triệu người được chấp thuận làm việc từ xa. Số còn lại cần làm việc trực tiếp vì tính chất công việc, như thanh tra an toàn thực phẩm hay nhân viên y tế, theo báo cáo của Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB) năm 2024.



Dữ liệu chính phủ Mỹ chỉ ra nhóm viên chức được phép làm việc từ xa vẫn dành 60% thời gian tới nhiệm sở, tương đương với người lao động trong khu vực tư nhân



Trong cuộc phỏng vấn với WSJ tuần trước, Ramaswamy cho rằng các viên chức Mỹ nên lo lắng cho công việc của họ một khi DOGE đi vào hoạt động. "Chúng tôi sẽ tiến hành một cách hợp tình hợp lý nhất có thể ở cấp độ cá nhân. Nhưng để tinh giản bộ máy quan liêu, kế hoạch rõ ràng sẽ gây ra một số hậu quả", ông nói.



Ông Ramaswamy trong bài đăng trên X ước tính khoảng 25% viên chức trong bộ máy chính phủ Mỹ sẽ xin nghỉ việc nếu DOGE áp dụng quy định làm việc trực tiếp toàn thời gian.

Dù một số công ty như Amazon và Dell gần đây yêu cầu nhân viên trở lại văn phòng toàn thời gian, hầu hết công ty Mỹ đều linh hoạt cho phép nhân viên làm việc từ xa, theo dữ liệu theo dõi hơn 6.300 công ty của Flex Index.

Đế chế kinh doanh của tỷ phú Elon Musk được xem là ngoại lệ, khi ông loại bỏ hoàn toàn chế độ làm việc từ xa tại Tesla, Spacex và X sau đại dịch, mô tả cách thức làm việc này là "sai lầm về mặt đạo đức".



Thị trưởng Washington Muriel Bowser ủng hộ ý tưởng buộc viên chức phải tới nhiệm sở đầy đủ. Bà từng thúc giục Tổng thống Joe Biden ban hành chỉ thị rõ ràng yêu cầu viên chức liên bang làm việc trực tiếp toàn thời gian. Bà tuần trước cho hay đã đề nghị gặp Tổng thống đắc cử Trump để thảo luận vấn đề này.

"Đảm bảo lực lượng lao động liên bang trở lại làm việc là điều rất quan trọng", Bowser nói.

Tuy nhiên, yêu cầu làm việc trực tiếp 5 ngày mỗi tuần tại nhiệm sở sẽ gây xáo trộn tại một số cơ quan liên bang, theo giới quan sát. Một số viên chức được phép làm việc từ xa chia sẻ rằng ý tưởng Musk đưa ra sẽ làm đảo lộn cuộc sống của họ và không chắc có thể giúp chính phủ tiết kiệm ngân sách như mong đợi.



"Tôi không thể từ bỏ công việc. Tôi sẽ buộc phải trở lại thủ đô Washington ngay cả khi điều đó đồng nghĩa phải sống xa gia đình", một nhân viên Thư viện Quốc hội sống ở vùng Trung Tây Mỹ nói.

Một viên chức làm việc hơn 10 năm trong chính phủ Mỹ nói sẽ mất 2-3 giờ mỗi ngày để di chuyển đến văn phòng gần nhất nếu phải quay lại làm trực tiếp toàn thời gian.

"Căng thẳng sẽ lên tới đỉnh điểm. Tôi sẽ từ chức và nghỉ việc nếu phải đi làm trực tiếp toàn thời gian. Tôi sẽ coi đây là dấu hiệu để bắt đầu chương mới cho cuộc đời mình", người này nói.



Randy Erwin, chủ tịch Liên đoàn Nhân viên liên bang Quốc gia Mỹ, phản đối ý tưởng của DOGE. Ông cho rằng duy trì hình thức làm việc từ xa cũng là cách để sẵn sàng nếu xảy ra thảm họa. Ông lưu ý một trong những nỗ lực lớn nhất để thúc đẩy làm việc từ xa cho viên chức liên bang được tiến hành sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001.

"Tất cả những gì họ muốn làm là cắt giảm lực lượng lao động liên bang và xem việc chấm dứt chế độ làm việc từ xa là cách để ép mọi người tự nguyện nghỉ việc. Họ không biết điều đó có thể gây hại cho đất nước thế nào", Erwin nói.



Tỷ phú Elon Musk (trái) và Tổng thống đắc cử Donald Trump tại Boca Chica, bang Texas ngày 19/11. Ảnh: AP

Chấm dứt làm việc từ xa không phải là điều duy nhất mà DOGE dự kiến thực hiện thời gian tới. Nguồn tin am hiểu vấn đề cho biết ủy ban dự kiến thực hiện một số sắc lệnh hành pháp nhằm cắt giảm chi tiêu của chính phủ.

Tỷ phú Musk từng nói trong cuộc mít tinh của ông Trump ở Madison Square Garden hồi tháng 10 rằng ông có thể giúp cắt giảm ít nhất 2.000 tỷ USD trong ngân sách liên bang Mỹ.



Nguồn tin thêm rằng Musk và Ramaswamy đang xác định tất cả những nơi họ có thể cắt giảm trong chính phủ liên bang, trong khi doanh nhân Ramaswamy sẽ phụ trách thêm việc đưa ra các lập luận pháp lý cho đề xuất cắt giảm.

DOGE được cho là sẽ "cung cấp khuyến nghị và hướng dẫn từ bên ngoài chính phủ" về nỗ lực tinh giản hệ thống, cắt giảm quy định, giảm chi tiêu và tái cấu trúc cơ quan liên bang. Ông Trump kỳ vọng sứ mệnh này sẽ hoàn thành vào ngày 4/7/2026, trùng mốc kỷ niệm 250 năm quốc khánh Mỹ.

Dù vấp phải phản ứng từ một số viên chức liên bang, việc thành lập Ban Hiệu suất chính phủ là một ý tưởng đáng hoan nghênh và cần thiết, theo Joel Thayer, chủ tịch Viện Tiến bộ kỹ thuật số kiêm luật sư ở Washington.



"Một chính phủ hoạt động hiệu quả hơn là ưu tiên lưỡng đảng từ lâu. DOGE là một trong những kế hoạch tích cực nhất để tăng tốc guồng quay của chính phủ", Thayer nói.



(Theo CNN, WSJ, Newsweek)

$BTC $XRP $ETH