Các điểm chính

  • Chỉ số điều chỉnh PCE là chỉ số theo dõi mức độ thay đổi của giá các hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng theo thời gian, cho phép nhà hoạch định chính sách đưa ra các chính sách và chiến lược kinh tế hiệu quả hơn.

  • Chỉ số điều chỉnh PCE thường xuyên điều chỉnh để phản ánh thói quen chi tiêu hiện tại, cung cấp một bức tranh chính xác hơn về tình hình lạm phát. Ngoài ra, Chỉ số điều chỉnh PCE còn bao gồm nhiều loại hàng hóa và dịch vụ nên đây là thước đo lạm phát được ưa chuộng để thiết lập chính sách tiền tệ.

  • Chỉ số điều chỉnh PCE có thể ảnh hưởng đến thị trường tiền mã hóa thông qua việc ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Lạm phát cao ở các loại tiền tệ truyền thống có thể khuyến khích mọi người đầu tư vào các cổ phiếu và tiền mã hoá còn lạm phát thấp có thể khiến các loại tiền tệ truyền thống hấp dẫn hơn.

Giới thiệu

Lạm phát tác động đáng kể đến nền kinh tế, ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng và các quyết định chính sách. Một thước đo lạm phát quan trọng là chỉ số điều chỉnh Chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE). Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu Chỉ số điều chỉnh PCE là gì, cơ chế hoạt động, lợi ích và mặt hạn chế cũng như tác động tiềm ẩn của Chỉ số điều chỉnh PCE đối với thị trường tiền mã hoá.

Chỉ số điều chỉnh PCE là gì?

Chỉ số điều chỉnh PCE là thước đo được sử dụng để theo dõi mức độ thay đổi của giá các hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng theo thời gian. Chỉ số điều chỉnh PCE giúp các nhà kinh tế học và nhà hoạch định chính sách theo dõi tình hình lạm phát để đưa ra các chính sách và chiến lược kinh tế hiệu quả hơn.

Chỉ số điều chỉnh PCE hoạt động như thế nào?

Chỉ số điều chỉnh PCE hoạt động theo cơ chế so sánh giá hiện tại của một rổ hàng hóa và dịch vụ với giá trong năm cơ sở. Kết quả cho thấy tỷ lệ lạm phát của một nền kinh tế.

Cách tính Chỉ số điều chỉnh PCE

Các bước tính Chỉ số điều chỉnh PCE như sau: 

1. Chọn Năm cơ sở: Chọn một năm làm điểm tham chiếu. 

2. Xác định giỏ hàng hóa và dịch vụ: Giỏ này bao gồm tất cả các mặt hàng mà người tiêu dùng thường mua.

3. Thu thập dữ liệu về giá: Thu thập giá của các mặt hàng này trong cả kỳ hiện tại và năm cơ sở.

4. Tính chỉ số: Chia tổng chi phí của rổ trong kỳ hiện tại cho tổng chi phí trong năm cơ sở rồi nhân với 100 để được giá trị chỉ số. Công thức là: 

Chỉ số điều chỉnh PCE = (Chi phí giỏ hàng trong kỳ hiện tại / Chi phí giỏ hàng trong năm cơ sở) × 100

5. Tính tỷ lệ lạm phát (%): 

Tỷ lệ lạm phát (%) = Chỉ số điều chỉnh PCE - 100

Cách diễn giải

Kết quả của Chỉ số điều chỉnh PCE có thể được diễn giải như sau:

  • Chỉ số điều chỉnh PCE bằng 100 cho thấy giá hiện tại không thay đổi so với năm cơ sở.

  • Chỉ số điều chỉnh PCE lớn hơn 100 cho thấy mức giá chung đã tăng lên kể từ năm cơ sở (lạm phát).

  • Chỉ số điều chỉnh PCE nhỏ hơn 100 cho thấy mức giá chung đã giảm kể từ năm cơ sở (giảm phát).

Ví dụ

Giả sử rổ hàng hóa và dịch vụ tăng từ 1.000 USD trong năm cơ sở lên 1.050 USD trong năm hiện tại. Sử dụng công thức: 

Chỉ số điều chỉnh PCE = (1.050/1.000) × 100 = 105

Kết quả này nghĩa là giá các hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đã tăng 5% kể từ năm cơ sở, cho thấy lạm phát.

So sánh PCE và CPI

Mặc dù cả Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) đều theo dõi sự thay đổi giá của một rổ hàng hóa và dịch vụ theo thời gian, nhưng chúng có các phương pháp tính toán, phạm vi và trường hợp sử dụng khác nhau.

Công thức

  • Chỉ số điều chỉnh PCE: Sử dụng công thức chỉ số kiểu chuỗi cho phép thay đổi số lượng hàng hóa và dịch vụ được tiêu thụ nên Chỉ số điều chỉnh PCE linh hoạt và chính xác hơn theo thời gian.

  • CPI: Sử dụng công thức Laspeyres có trọng số cố định, công thức này có thể trở nên lỗi thời nếu hành vi của người tiêu dùng thay đổi.

Phạm vi

  • Chỉ số điều chỉnh PCE: Có phạm vi rộng hơn, bao gồm tất cả hàng hóa và dịch vụ được các hộ gia đình tiêu thụ, bao gồm cả những hàng hóa và dịch vụ được bên thứ ba thanh toán thay cho người tiêu dùng như chủ sử dụng lao động và các chương trình của chính phủ (ví dụ: bảo hiểm y tế do chủ sử dụng lao động cung cấp).

  • CPI: Tập trung vào chi tiêu cá nhân của hộ gia đình. Chỉ số này không bao gồm các mặt hàng do bên thứ ba thanh toán.

Các trường hợp sử dụng khác nhau

  • Chỉ số điều chỉnh PCE: Thường được Cục Dự trữ Liên bang sử dụng để thiết lập chính sách tiền tệ nhờ có phạm vi rộng hơn và ưu điểm về phương pháp luận.

  • CPI: Thường được sử dụng để điều chỉnh các chế độ phúc lợi An sinh xã hội, khung thuế và các mục đích khác khi cần đo lường mức độ ảnh hưởng của lạm phát đối với chi tiêu cá nhân.

Các hạn chế

Tính phức tạp

Việc tính toán Chỉ số điều chỉnh PCE phức tạp hơn so với các chỉ số đo lạm phát khác, chẳng hạn như CPI. Chỉ số điều chỉnh PCE sử dụng công thức chỉ số kiểu chuỗi và đòi hỏi phải cập nhật và điều chỉnh thường xuyên. Điều này có thể khiến công chúng khó tiếp cận và khó hiểu Chỉ số điều chỉnh PCE hơn.

Tính khả dụng của dữ liệu

Chỉ số điều chỉnh PCE dựa vào dữ liệu từ các cuộc khảo sát kinh doanh, dữ liệu này có thể không phải lúc nào cũng có sẵn hoặc chính xác. Bất kỳ sự khác biệt hoặc chậm trễ nào trong việc thu thập dữ liệu đều có thể ảnh hưởng đến tính chính xác và kịp thời của Chỉ số điều chỉnh PCE, từ đó có thể khiến các phép đo lạm phát kém tin cậy hơn.

Chỉ số điều chỉnh PCE trong lĩnh vực tiền mã hoá

Trong lĩnh vực tiền mã hóa, Chỉ số điều chỉnh PCE có thể giúp các nhà đầu tư hiểu xu hướng lạm phát ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý thị trường tiền mã hoá. Ví dụ: nếu các loại tiền tệ truyền thống gặp phải tình trạng lạm phát cao, mọi người có thể chuyển sang các kênh lưu trữ giá trị khác như cổ phiếu và tiền mã hoá. Ngược lại, nếu Chỉ số điều chỉnh PCE cho thấy lạm phát hoặc giảm phát thấp thì mức độ hấp dẫn của kênh đầu tư có thể giảm đi.

Tổng kết

Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) là công cụ được sử dụng để theo dõi mức độ thay đổi của giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng theo thời gian. So với CPI, Chỉ số điều chỉnh PCE được điều chỉnh tốt hơn theo những thay đổi về số lượng các hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng và có phạm vi rộng hơn. Mặc dù Chỉ số điều chỉnh PCE không được sử dụng trực tiếp trong tiền mã hoá nhưng chỉ sổ này có thể cung cấp thông tin chuyên sâu về lý do đằng sau sự quan tâm và tâm lý của nhà đầu tư đối với thị trường tiền mã hóa.

Đọc thêm:

Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Nội dung này được trình bày cho bạn trên cơ sở "nguyên trạng" chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin chung và hướng dẫn, không phải là sự cam đoan hay bảo đảm dưới bất kỳ hình thức nào. Không nên coi nội dung này là nội dung tư vấn tài chính, pháp lý hoặc chuyên môn khác. Đây cũng không phải khuyến nghị mua bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể nào. Bạn nên tìm kiếm lời khuyên từ các cố vấn chuyên môn phù hợp. Trong trường hợp bài viết do cộng tác viên bên thứ ba đóng góp, xin lưu ý rằng những quan điểm được đưa ra thuộc về cộng tác viên bên thứ ba và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Binance Academy. Vui lòng đọc toàn bộ tuyên bố miễn trừ trách nhiệm của chúng tôi tại đây để biết thêm chi tiết. Giá tài sản kỹ thuật số có thể biến động. Giá trị khoản đầu tư của bạn có thể tăng hoặc giảm và bạn có thể không lấy lại được số tiền đã đầu tư. Bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với các quyết định đầu tư của mình và Binance Academy không chịu trách nhiệm pháp lý đối với bất kỳ tổn thất nào bạn có thể gặp phải. Không nên coi tài liệu này là nội dung tư vấn tài chính, pháp lý hoặc chuyên môn khác. Để biết thêm thông tin, hãy xem Điều khoản sử dụngCảnh báo rủi rocủa chúng tôi.