Các điểm chính
Giao dịch chênh lệch lãi suất là cơ chế tận dụng sự chênh lệch lãi suất giữa hai loại tiền tệ hoặc các công cụ tài chính.
Ý tưởng của cơ chế này là vay một loại tiền tệ có lãi suất thấp rồi đầu tư vào một loại tiền tệ có lãi suất cao hơn. Nếu tỷ giá giao dịch có lợi, bạn kiếm được lợi nhuận từ "chênh lệch lãi suất" (tức là lợi nhuận từ chênh lệch tỷ giá).
Mặc dù giao dịch chênh lệch lãi suất có thể mang lại lợi nhuận, nhưng những thay đổi bất ngờ về giá trị tiền tệ hoặc lãi suất có thể nhanh chóng biến một giao dịch có lợi thành một giao dịch bất lợi. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và những thay đổi trong chính sách tiền tệ của Nhật Bản vào năm 2024 là ví dụ khi các giao dịch này đi sai hướng.
Khi giao dịch chênh lệch lãi suất, trader cần hiểu rõ về thị trường toàn cầu, các quyết định của ngân hàng trung ương và cách quản lý đòn bẩy hiệu quả. Do đó, hình thức giao dịch này thường phù hợp hơn với các nhà đầu tư có kinh nghiệm hoặc tổ chức lớn.
Giao dịch chênh lệch lãi suất là gì?
Giao dịch chênh lệch lãi suất là một chiến lược trong đó bạn vay tiền bằng một loại tiền tệ có lãi suất thấp rồi đầu tư vào một loại tiền tệ hoặc tài sản khác có lợi nhuận cao hơn. Ý tưởng vô cùng đơn giản: bạn đang tìm kiếm lợi nhuận từ chênh lệch giữa các tỷ giá này.
Mặc dù chủ yếu dùng trong lĩnh vực giao dịch ngoại hối và giao dịch tiền tệ, nhưng chiến lược này cũng có thể được áp dụng cho các cổ phiếu, trái phiếu và thậm chí cả hàng hóa.
Cách giao dịch chênh lệch lãi suất hoạt động
Cơ chế này thường diễn ra như sau: bạn vay một khoản tiền bằng một loại tiền tệ có lãi suất thấp hoặc gần bằng không – chẳng hạn như đồng Yên Nhật (JPY) với lãi suất thấp trong nhiều năm. Sau đó, bạn chuyển đổi số tiền đó thành một loại tiền tệ có lãi suất cao hơn, chẳng hạn như đồng Đô la Mỹ. Khi nắm giữ loại tiền tệ có lợi suất cao, bạn đầu tư vào một loại tài sản như trái phiếu của chính phủ Hoa Kỳ hoặc các tài sản khác mang lại cho bạn lợi nhuận cao.
Ví dụ: Nếu bạn vay đồng Yên ở mức 0% và đầu tư vào một tài sản trả 5,5%, bạn sẽ kiếm được 5,5% đó, trừ đi mọi khoản phí hoặc chi phí. Hoạt động này giống như việc dùng tiền rẻ để kiếm nhiều tiền hơn (miễn là tỷ giá giao dịch có lợi).
Lý do các nhà đầu tư sử dụng giao dịch chênh lệch lãi suất
Giao dịch chênh lệch lãi suất vô cùng phổ biến vì cơ chế này mang đến cách kiếm lợi nhuận ổn định từ chênh lệch lãi suất mà không cần giá trị của khoản đầu tư phải tăng lên. Nhờ đó, hình thức giao dịch này trở thành lựa chọn yêu thích của các nhà đầu tư lớn như quỹ phòng hộ và nhà đầu tư tổ chức, những đối tượng có công cụ và kiến thức để quản lý các rủi ro.
Thông thường, khi các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy trong giao dịch chênh lệch lãi suất thì tức là họ vay nhiều tiền hơn số tiền thực tế họ có. Do đó, nhà đầu tư có thể kiếm nhiều lợi nhuận hơn – nhưng đồng nghĩa cũng có thể phải chịu khoản lỗ lớn nếu kế hoạch không như mong đợi.
Ví dụ về giao dịch chênh lệch lãi suất
Một trong những ví dụ phổ biến nhất về giao dịch chênh lệch lãi suất là chiến lược đồng Yên-Đô la cổ điển. Trong nhiều năm, các nhà đầu tư đã vay đồng Yên Nhật rồi dùng số tiền đó đầu tư vào các tài sản của Hoa Kỳ để thu về mức lợi nhuận cao hơn nhiều. Đây là một thỏa thuận hấp dẫn nếu chênh lệch lãi suất duy trì có lợi và đồng Yên không đột ngột tăng giá trị so với đồng Đô la – tình trạng này từng xảy ra gần nhất vào tháng 07/2024 (chúng ta sẽ sớm đề cập thêm về vấn đề này).
Một ví dụ phổ biến khác liên quan đến các thị trường mới nổi. Tại đây, các nhà đầu tư vay bằng loại tiền tệ có lãi suất thấp rồi đầu tư vào các loại tiền tệ hoặc trái phiếu có lợi suất cao hơn từ những thị trường mới nổi. Lợi nhuận tiềm năng có thể lớn, nhưng những giao dịch này rất nhạy cảm với điều kiện thị trường toàn cầu và sự thay đổi trong tâm lý nhà đầu tư. Nếu tình trạng chuyển biến xấu, những giao dịch này có thể nhanh chóng chuyển từ có lợi nhuận sang rắc rối.
Rủi ro của giao dịch chênh lệch lãi suất
Tương tự bất kỳ chiến lược đầu tư nào, giao dịch chênh lệch lãi suất vẫn ẩn chứa những rủi ro. Rủi ro lớn nhất là rủi ro tiền tệ. Nếu loại tiền tệ bạn vay đột ngột có giá trị hơn so với loại tiền tệ bạn đã đầu tư, bạn có thể mất lợi nhuận hoặc thậm chí gặp thua lỗ khi chuyển đổi lại.
Ví dụ: Nếu bạn vay JPY rồi mua USD và khi đồng Yên tăng giá cao hơn so với đồng Đô la, bạn có thể mất tiền khi bạn chuyển trở lại đồng Yên. Một rủi ro khác là thay đổi lãi suất. Nếu ngân hàng trung ương của loại tiền tệ bạn vay tăng lãi suất, chi phí đi vay của bạn sẽ tăng lên, từ đó làm giảm lợi nhuận của bạn. Ngoài ra, nếu ngân hàng của loại tiền tệ bạn đầu tư cắt giảm lãi suất, lợi nhuận của bạn cũng sẽ giảm.
Có thể thấy rõ những rủi ro này trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi nhiều nhà đầu tư thua lỗ lớn trong các giao dịch chênh lệch lãi suất, đặc biệt là những giao dịch liên quan đến đồng Yên. Vào năm 2024, những thay đổi trong chính sách tiền tệ của Nhật Bản đã khiến đồng Yên tăng giá, kéo theo làn sóng giảm bớt giao dịch chênh lệch lãi suất và gây ra biến động trên thị trường.
Tác động của các điều kiện thị trường
Giao dịch chênh lệch lãi suất có xu hướng hoạt động hiệu quả hơn khi thị trường ổn định và khả quan. Trong điều kiện ổn định hoặc xu hướng tăng, các loại tiền tệ và lãi suất không biến động quá nhiều và các nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận rủi ro hơn.
Tuy nhiên, khi thị trường biến động hoặc có bất ổn về kinh tế, giao dịch chênh lệch lãi suất có thể tăng rủi ro nhanh chóng. Trong các thị trường có đòn bẩy cao và biến động mạnh, các nhà đầu tư có thể hoảng loạn và bắt đầu hủy bỏ các giao dịch chênh lệch lãi suất, từ đó có thể gây ra biến động lớn về giá tiền tệ và thậm chí dẫn đến tình trạng bất ổn tài chính với quy mô lớn hơn.
Khi Ngân hàng Nhật Bản bất ngờ tăng lãi suất vào tháng 07/2024, giá đồng Yên đã tăng vọt và khiến nhiều nhà đầu tư nhanh chóng hủy bỏ các giao dịch chênh lệch lãi suất đồng Yên. Hậu quả là làn sóng bán tháo các tài sản có rủi ro cao hơn để hoàn trả các khoản vay bằng đồng Yên. Tình trạng này không chỉ làm chao đảo thị trường tiền tệ mà còn gây ra làn sóng bán tháo toàn cầu các khoản đầu tư rủi ro hơn. Tác động gây ra còn lớn hơn nhiều do các vị thế đòn bẩy.
Tổng kết
Giao dịch chênh lệch lãi suất có thể là một phương thức hiệu quả để kiếm lợi nhuận từ chênh lệch lãi suất giữa các loại tiền tệ hoặc tài sản. Tuy nhiên, bạn cần phải cân nhắc các rủi ro, đặc biệt là trong các thị trường có đòn bẩy cao và biến động mạnh.
Để thành công với giao dịch chênh lệch lãi suất, bạn cần nắm rõ thị trường toàn cầu, biến động tiền tệ và xu hướng lãi suất. Vì những yếu tố này có thể gây bất lợi nếu thị trường thay đổi bất ngờ nên giao dịch chênh lệch lãi suất phù hợp hơn với các nhà đầu tư có kinh nghiệm hoặc những tổ chức có đủ nguồn lực để quản lý rủi ro hiệu quả.
Đọc thêm:
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Nội dung này được trình bày cho bạn trên cơ sở "nguyên trạng" chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin chung và hướng dẫn, không phải là sự cam đoan hay bảo đảm dưới bất kỳ hình thức nào. Không nên coi nội dung này là nội dung tư vấn tài chính, pháp lý hoặc chuyên môn khác. Đây cũng không phải khuyến nghị mua bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể nào. Bạn nên tìm kiếm lời khuyên từ các cố vấn chuyên môn phù hợp. Trong trường hợp bài viết do cộng tác viên bên thứ ba đóng góp, xin lưu ý rằng những quan điểm được đưa ra thuộc về cộng tác viên bên thứ ba và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Binance Academy. Vui lòng đọc toàn bộ tuyên bố miễn trừ trách nhiệm của chúng tôi tại đây để biết thêm chi tiết. Giá tài sản kỹ thuật số có thể biến động. Giá trị khoản đầu tư của bạn có thể tăng hoặc giảm và bạn có thể không lấy lại được số tiền đã đầu tư. Bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với các quyết định đầu tư của mình và Binance Academy không chịu trách nhiệm pháp lý đối với bất kỳ tổn thất nào bạn có thể gặp phải. Không nên coi tài liệu này là nội dung tư vấn tài chính, pháp lý hoặc chuyên môn khác. Để biết thêm thông tin, hãy xem Điều khoản sử dụng và Cảnh báo rủi rocủa chúng tôi.