Tiền số của ngân hàng trung ương (CBDC – Central Bank Digital Currency) đang nổi lên như một cuộc cách mạng ngành tài chính, hứa hẹn mang đến một giải pháp thay thế cho tiền tệ truyền thống. Bài viết này sẽ khám phá các động lực phát triển, lợi ích, thách thức và tác động của sự thay đổi mang tính đột phá này.

Định nghĩa CBDC và xu hướng thúc đẩy

Tiền số của ngân hàng trung ương (CBDC) là phiên bản mã hoá của tiền pháp định do chính phủ phát hành và quản lý bởi các ngân hàng trung ương, đảm bảo giá trị gắn liền với tiền tệ chính thức. CBDC xuất hiện để đáp ứng nhu cầu giao dịch tiền mã hoá ngày càng tăng và sự phát triển của công nghệ blockchain.

Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy việc chuyển từ tiền mặt sang thanh toán sang thanh toán mã hoá, xuất phát từ mối lo ngại về vệ sinh và thiếu hụt tiền mặt. Xu hướng này đã diễn ra trong nhiều năm, khi các ngân hàng và tổ chức tài chính toàn cầu xử lý số lượng giao dịch trên không gian mã hoá nhiều hơn hẳn  so với giao dịch tại chi nhánh vật lý.

Xu hướng giảm sử dụng tiền mặt cũng rất rõ rệt, minh chứng là ở Châu Âu, việc sử dụng tiền mặt đã giảm 1/3 từ năm 2014 đến 2021, và ở Na Uy, chỉ còn 3% giao dịch sử dụng tiền mặt. 

Đồng thời, sự quan tâm đến tài sản mã hóa ngày càng tăng, với 10% người trưởng thành ở Vương quốc Anh và 10% hộ gia đình ở một số nước EU sở hữu tài sản mã hóa. Điều này cho thấy nhu cầu cấp thiết phải đổi mới và hiện đại hóa hệ thống thanh toán, và CBDC chính là giải pháp tiềm năng.

Các ngân hàng trung ương như Hệ thống Dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng Nhật Bản, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), và Ngân hàng Trung ương Đức (Deutsche Bundesbank) cũng đang xem xét CBDC để hiện đại hóa hệ thống tiền tệ.

Mục tiêu của họ là ổn định hệ thống thanh toán địa phương trước sự gia tăng của các giải pháp thanh toán mã hóa toàn cầu, đồng thời nắm bắt cơ hội dẫn đầu trong việc định hình tương lai của hệ thống tài chính.

Các mô hình CBDC và thử nghiệm trên toàn cầu

Hiện nay, CBDC đang được thí điểm tại nhiều quốc gia với các phương pháp tiếp cận khác nhau. 

Tại Trung Quốc, ngân hàng trung ương đã giới thiệu e-CNY, dựa vào các ngân hàng tư nhân để quản lý tài khoản tiền số tại Thế vận hội Bắc Kinh 2022. Ngân hàng Trung ương Châu Âu cũng đang xem xét phát hành đồng euro mã hoá thông qua các tổ chức tài chính được cấp phép. 

Một mô hình phổ biến khác  trong cộng đồng tiền số là mã thông báo ẩn danh, nhưng chưa được thử nghiệm đầy đủ bởi các ngân hàng trung ương.

Tại thời điểm này, 134 quốc gia, chiếm hơn 98% GDP toàn cầu, đang khám phá CBDC. Ví dụ, Sand Dollar của Bahamas, ra mắt vào tháng 10 năm 2020, đã trở thành CBDC đầu tiên được chính thức công nhận là tiền tệ hợp pháp. 

Nga đang phát triển nền tảng đồng Rúp mã hoá để giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt quốc tế. Singapore xây dựng CBDC bán lẻ, được mô tả là “phiên bản mã hoá của tiền giấy và tiền xu hiện nay”. 

Bên cạnh đó, Pháp đã hoàn thành thử nghiệm kéo dài 10 tháng với sự tham gia của 500 tổ chức sử dụng CBDC do Ngân hàng Trung ương Pháp phát hành. Trong khi Nigeria ra mắt eNaira vào tháng 10/2021, trở thành quốc gia châu Phi đầu tiên triển khai CBDC.

Ngoài Sand Dollar, Ngân hàng Trung ương Đông Caribe cũng ra mắt DCash, một loại tiền số cho Liên minh tiền tệ ở khu vực này. Brazil, Ấn Độ, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Saudi đều đang trong giai đoạn thí điểm phát triển CBDC, tập trung vào cả ứng dụng bán lẻ và xuyên biên giới.

Lợi ích, thách thức và những lo ngại xung quanh CBDC

CBDC mang lại nhiều lợi thế như giảm chi phí, tăng tốc độ thanh toán, và mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho mọi người. Theo ước tính, việc chuyển sang tài chính mã hoá có thể giúp các nhà cung cấp dịch vụ tài chính tiết kiệm khoảng 400 tỷ USD hàng năm.

Bên cạnh đó, CBDC còn cải thiện hiệu quả của các hệ thống thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ ngân hàng cho những người không có tài khoản ngân hàng thông qua các thiết bị di động. Ngoài ra, tính chất được kiểm soát của CBDC cũng giúp cải thiện đáng kể an ninh thanh toán và giảm thiểu nguy cơ gian lận.

Tuy nhiên, CBDC cũng đối mặt với nhiều thách thức. Khả năng truy xuất giao dịch của CBDC làm dấy lên lo ngại về quyền riêng tư, có thể cản trở việc người dùng tự nguyện sử dụng.. 

Bên cạnh đó, một số dự án CBDC triển khai sớm, như DCash, đã gặp phải trục trặc kỹ thuật trong quá trình vận hành. Hơn nữa, chi phí phát triển hạ tầng tiền số có thể vượt quá lợi ích đạt được ở một số quốc gia, khiến bài toán kinh tế trở nên kém khả thi.

Từ thử nghiệm đến triển khai: Bài học kinh nghiệm

Trung Quốc đã khẳng định vị thế tiên phong trong cuộc đua phát triển CBDC với dự án e-CNY. Được phát triển bởi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), e-CNY sử dụng hệ thống ngân hàng tư nhân để phân phối và đã đạt được những bước tiến đáng kể kể từ khi bắt đầu thử nghiệm vào năm 2019. Tính đến tháng 5 năm 2022, đã có hơn 260 triệu giao dịch e-CNY được thực hiện, đạt tổng giá trị giao dịch ấn tượng hơn 83 tỷ nhân dân tệ. Dù cải thiện tốc độ và hiệu quả thanh toán, e-CNY vẫn gặp lo ngại về quyền riêng tư và giám sát của chính phủ.

Bahamas với Sand Dollar đã cho thấy giao dịch nhanh chóng và an toàn hơn, đồng thời tăng cường tài chính bao trùm cho các cộng đồng xa xôi. Tuy nhiên, thách thức còn lại là đảm bảo mọi người dân đều có thể tiếp cận và sử dụng công nghệ này, với vấn đề cơ sở hạ tầng mã hoá và khả năng tiếp cận công nghệ là những rào cản lớn.

Tại Thụy Điển, dự án e-krona thử nghiệm từ năm 2020 để đánh giá tác động của CBDC đối với hệ thống thanh toán quốc gia. Dự án cho thấy tiềm năng cải thiện hiệu quả và giảm chi phí giao dịch, nhưng gặp khó khăn do cần đảm bảo tương thích với các hệ thống thanh toán hiện tại và giải quyết các vấn đề pháp lý về quyền riêng tư và bảo mật.

Dự án e-Peso của Uruguay (2017-2018) đã cung cấp những hiểu biết sâu sắc về cách triển khai và quản lý CBDC, đồng thời xác định những thách thức cần giải quyết trước khi triển khai rộng rãi, đặc biệt là vấn đề an ninh, bảo mật và khả năng tương thích với hệ thống tài chính hiện có. 

Canada đã tiến hành chương trình thí điểm “Jasper,” tập trung vào việc sử dụng blockchain để cải thiện quy trình thanh toán bán buôn. Các giai đoạn thử nghiệm cho thấy tiềm năng của CBDC trong việc tăng cường tính minh bạch và hiệu quả của hệ thống tài chính. Tuy nhiên, sự phức tạp về công nghệ và chi phí triển khai là những thách thức chính khiến việc phổ biến Jasper gặp khó khăn.

Tại Nhật Bản, thử nghiệm CBDC từ năm 2021 đã chứng minh khả năng hoạt động song song của CBDC với các hệ thống thanh toán hiện có, mang lại sự linh hoạt và bảo mật cao hơn cho người dùng. Tuy nhiên, vấn đề về hạ tầng và quy định pháp lý là những rào cản chính cần giải quyết để CBDC phổ biến rộng rãi.

Hướng tới tương lai của CBDC: hợp tác, tiêu chuẩn hóa và chuẩn bị

Việc thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế cho CBDC là cần thiết để đảm bảo tính tương thích và hiệu quả của các giao dịch xuyên biên giới. Vấn đề này đòi hỏi các ngân hàng trung ương và tổ chức tài chính toàn cầu cần hợp tác để phát triển các giao thức và tiêu chuẩn chung, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai và sử dụng CBDC. Sự hợp tác này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn rủi ro an ninh mạng và gian lận, đồng thời thúc đẩy niềm tin  và chấp nhận của công chúng đối với CBDC.

Để chuẩn bị cho việc áp dụng CBDC rộng rãi, các ngân hàng trung ương và các bên liên quan phải giải quyết nhiều vấn đề để cốt lõi, bao gồm: xác định rõ mục tiêu cuối cùng cho việc áp dụng CBDC so với tiền tệ truyền thống, xác định đối tượng người dùng mục tiêu, làm rõ vai trò của ngân hàng trung ương trong hệ sinh thái tiền tệ kỹ thuật số,  đánh giá nguồn lực và khả năng cần thiết để triển khai thành công, và điều chỉnh khung pháp lý, tài chính để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình áp dụng CBDC.

Thành công của việc chấp nhận rộng rãi CBDC sẽ phụ thuộc vào kết quả của các cuộc thí điểm và khung pháp lý rõ ràng, minh bạch. Mặc dù còn nhiều câu hỏi xoay quanh việc sử dụng xuyên quốc gia và tác động đối với hệ thống thuế, nhưng không thể phủ nhận rằng CBDC có tiềm năng to lớn trong việc định hình lại toàn bộ bức tranh tài chính toàn cầu.