Báo cáo mới từ Aspen Digital cho thấy 76% tài sản tư nhân châu Á đã đầu tư vào tiền mã hóa, tăng mạnh so với năm 2022, nhờ sự rõ ràng về quy định và ra mắt ETF.

Theo báo cáo mới được công bố bởi Aspen Digital, công ty chuyên về đầu tư và tư vấn trong lĩnh vực tài sản số, thị trường tiền mã hóa đang thu hút sự quan tâm ngày càng tăng từ các nhà đầu tư tài sản tư nhân tại châu Á. Cụ thể, báo cáo ước tính rằng 76% tài sản tư nhân trong khu vực đã tham gia vào thị trường này, và con số trên dự kiến sẽ tiếp tục tăng với 18% khác có kế hoạch đầu tư trong tương lai.

Sự tăng trưởng đánh dấu một bước tiến đáng kể so với năm 2022, khi Aspen Digital thực hiện khảo sát tương tự tại Hồng Kông và chỉ ghi nhận 58% số người tham gia đã đầu tư vào tiền mã hóa. Báo cáo mới nhất được thực hiện dựa trên khảo sát 80 văn phòng gia đình và cá nhân có giá trị tài sản ròng cao (high-net-worth individuals – HNWI) trên khắp châu Á, chủ yếu quản lý tài sản từ 10 triệu đến 500 triệu USD.

Sự thay đổi trong mối quan tâm về blockchain ở Châu Á. Nguồn: Aspen Digital Nhu cầu đầu tư tăng mạnh nhờ ETF và quy định rõ ràng hơn

Mặc dù phần lớn các nhà đầu tư (70%) hiện chỉ phân bổ dưới 5% danh mục đầu tư vào tài sản số, một số đã bắt đầu tăng tỷ lệ này lên trên 10% trong năm 2024. Sự gia tăng được thúc đẩy bởi một số yếu tố, gồm sự chấp thuận các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) Bitcoin giao ngay tại Mỹ và Hồng Kông, cũng như những tín hiệu tích cực về khung pháp lý rõ ràng hơn cho thị trường tiền mã hóa.

Báo cáo của Aspen Digital cho thấy 53% nhà đầu tư được khảo sát tiếp cận thị trường tiền mã hóa thông qua các quỹ hoặc ETF. ETF Bitcoin giao ngay đã bắt đầu giao dịch tại Mỹ vào tháng 1/2024, trong khi ETF Bitcoin và Ether giao ngay được triển khai tại Hồng Kông vào tháng 4. Sự xuất hiện của các sản phẩm đầu tư được quản lý chuyên nghiệp đã giúp giảm bớt rào cản gia nhập thị trường cho các nhà đầu tư truyền thống.

Xu hướng trên cũng được phản ánh trong Báo cáo Quỹ Đầu cơ Tiền mã hóa toàn cầu do AIMA và PwC thực hiện. Khảo sát của họ với gần 100 quỹ đầu cơ tại 6 khu vực, quản lý tổng tài sản trị giá 124,5 tỷ USD, cho thấy tỷ lệ tiếp xúc với tiền mã hóa đã tăng từ 29% năm 2023 lên 47% vào năm 2024. Các quỹ này cho biết sự rõ ràng về quy định và sự ra mắt của các ETF tiền mã hóa tại Mỹ và châu Á là những yếu tố chính thúc đẩy sự thay đổi trên.

Ngoài ra, báo cáo của Aspen Digital cũng cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng của các nhà đầu tư châu Á đối với các ứng dụng công nghệ blockchain, đặc biệt là tài chính phi tập trung (DeFi), trí tuệ nhân tạo (AI) và các mạng lưới hạ tầng vật lý phi tập trung (DePIN). Hai phần ba số người được hỏi bày tỏ sự hứng thú với DeFi, trong khi 61% cho biết họ quan tâm đến AI và DePIN.

Sự lạc quan về triển vọng của Bitcoin cũng là một yếu tố đáng chú ý. Báo cáo chỉ ra rằng 31% nhà đầu tư kỳ vọng giá Bitcoin sẽ đạt 100.000 USD vào cuối năm 2024.