Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức thông qua Luật AI – đạo luật toàn diện đầu tiên trên thế giới nhằm kiểm soát và quản lý công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

Quyết định trên được đưa ra sau cuộc họp của các nước thành viên EU vào thứ ba ngày 21/5, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc định hình tương lai của AI trên phạm vi toàn cầu.

“Việc thông qua Luật AI là một cột mốc quan trọng đối với Liên minh Châu Âu,” ông Mathieu Michel, Bộ trưởng Bộ Số hóa Bỉ cho biết trong một tuyên bố cùng ngày. “Với Luật AI, Châu Âu nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tin tưởng, minh bạch và trách nhiệm khi đối phó với các công nghệ mới đồng thời đảm bảo rằng công nghệ đang thay đổi nhanh chóng này có thể phát triển và thúc đẩy đổi mới Châu Âu,” Michel nói thêm.

Đạo luật được kỳ vọng sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý toàn diện cho việc phát triển, ứng dụng và quản lý AI trong các lĩnh vực quan trọng như y tế, tài chính, giáo dục và giao thông. Theo đó, EU phân loại các ứng dụng AI dựa trên mức độ rủi ro mà chúng tiềm ẩn đối với xã hội.

Các ứng dụng AI được đánh giá là “không thể chấp nhận được” như các hệ thống “đánh giá xã hội”, cảnh sát dự đoán và nhận dạng cảm xúc tại nơi làm việc và trường học sẽ bị cấm. Các hệ thống AI có nguy cơ cao, bao gồm các phương tiện tự hành, thiết bị y tế và các ứng dụng AI trong dịch vụ tài chính và giáo dục, sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn.

Luật AI cũng đặt ra những yêu cầu cụ thể đối với các hệ thống AI thế hệ mới, thường được gọi là AI “mục đích chung”, bao gồm các hệ thống như ChatGPT của OpenAI, Gemini của Google và Copilot của Microsoft. Các yêu cầu này bao gồm: tuân thủ luật bản quyền của EU, công khai minh bạch về cách thức đào tạo các mô hình, thử nghiệm thường xuyên và bảo mật mạng đầy đủ.

Matthew Holman, đối tác tại công ty luật Cripps, cho biết luật này sẽ có tác động lớn đối với các công ty phát triển, sử dụng hoặc bán AI tại EU, đặc biệt là các công ty công nghệ Mỹ. Những doanh nghiệp bên ngoài EU sử dụng dữ liệu khách hàng EU trong nền tảng AI này sẽ cần phải tuân thủ luật mới.

“Các gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã theo dõi sát sao sự phát triển của luật này,” Holman nói thêm. “Đã có rất nhiều đầu tư vào các hệ thống AI tạo sinh đối mặt với công chúng mà sẽ cần đảm bảo tuân thủ luật mới, vốn ở một số nơi khá khắt khe.” Ủy ban EU sẽ có quyền phạt các công ty vi phạm Luật AI lên tới 35 triệu euro (38 triệu USD) hoặc 7% doanh thu toàn cầu hàng năm của họ, tùy theo mức nào cao hơn.

Tuy nhiên, sẽ mất một thời gian trước khi các yêu cầu này thực sự có hiệu lực, theo Dessi Savova, đối tác tại Clifford Chance. Các hạn chế đối với các hệ thống mục đích chung sẽ không bắt đầu cho đến 12 tháng sau khi Luật AI có hiệu lực. Và ngay cả sau đó, các hệ thống AI tạo sinh hiện có sẵn thương mại, cũng sẽ có một “giai đoạn chuyển tiếp” cho phép họ 36 tháng kể từ ngày luật có hiệu lực để đưa công nghệ của họ tuân thủ theo luật.

Sự ra đời của Luật AI là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy EU đang nghiêm túc trong việc quản lý và phát triển AI một cách có trách nhiệm. Luật này sẽ tạo ra một tiêu chuẩn toàn cầu cho các quốc gia khác theo đuổi và có thể tác động lớn đến sự phát triển và ứng dụng của AI trong tương lai.