Trừu tượng hóa chuỗi là gì?
Các điểm chính
Trừu tượng hóa chuỗi đề cập đến ý tưởng đơn giản hóa việc sử dụng các ứng dụng và dịch vụ blockchain bằng cách loại bỏ sự phiền toái và quy trình kỹ thuật khỏi trải nghiệm người dùng (UX).Trừu tượng hóa chuỗi có thể làm cho các ứng dụng trở nên hấp dẫn hơn với người dùng cuối và giúp nhà phát triển xây dựng các DApp hiệu quả hơn cho phép tương tác chuỗi chéo.Trừu tượng hóa chuỗi phải đối mặt với những thách thức như rủi ro tập trung, rủi ro bảo mật và các vấn đề tiềm ẩn về khả năng tương tác.
Giới thiệu
Hoạt động tương tác với blockchain thường rắc rối và khó khăn, đặc biệt là đối với người mới. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về trừu tượng hóa chuỗi, cơ chế hoạt động, một số lợi ích và thách thức cũng như những quan niệm sai lầm thường gặp về trừu tượng hóa chuỗi.
Trừu tượng hóa chuỗi là gì?
Trừu tượng hóa chuỗi là ý tưởng [của NEAR](https://academy.binance.com/en/articles/what-is-near-protocol-near) về việc đơn giản hóa cách người dùng tương tác với công nghệ blockchain bằng cách tách công nghệ blockchain khỏi trải nghiệm người dùng (UX). Mục tiêu là người dùng không nên biết về [blockchain](https://academy.binance.com/en/articles/what-is-blockchain-and-how-does-it-work) cụ thể mà họ đang tương tác hoặc thậm chí nhận ra họ đang sử dụng blockchain.
Trừu tượng hóa chuỗi hoạt động như thế nào?
Hiệu năng
Hãy tưởng tượng nếu bạn chỉ có thể gửi tin nhắn từ điện thoại iPhone này sang điện thoại iPhone khác nhưng không thể gửi đến điện thoại Android. Điều đó sẽ không hiệu quả và không thực tế. Tương tự, người dùng sẽ có thể tương tác với các ứng dụng phi tập trung ([DApp](https://academy.binance.com/en/articles/what-are-decentralized-applications-dapps)) trên các blockchain khác nhau mà không gặp phải những trở ngại không cần thiết.
Mục tiêu của trừu tượng hóa chuỗi là loại bỏ hoặc che đi sự phức tạp của công nghệ blockchain, cho phép người dùng tập trung vào chức năng và lợi ích của DApp mà họ sử dụng. Ví dụ: nếu Sarah muốn sử dụng một DApp mới tên XYZ, cô ấy không phải lo lắng về việc DApp đó được xây dựng trên blockchain nào. Từ góc độ người dùng, Sarah chỉ cần DApp này hoạt động tốt và hoàn thành mục đích của nó.
Tương tự như vậy, hàng triệu người sử dụng Internet mỗi ngày, nhưng chỉ có một số ít hiểu được công nghệ đằng sau và cách thức hoạt động của Internet. Miễn sao Internet hoạt động đúng mục đích và tăng thêm giá trị cho người dùng thì không có lý do gì để người dùng bình thường phải nắm rõ các chi tiết kỹ thuật của nó.
Giao dịch
Hãy tưởng tượng rằng bằng cách sử dụng một DApp, bạn có thể dễ dàng giao dịch trên nhiều mạng lưới và khám phá các dịch vụ khác nhau. Ví dụ: Sarah mở ứng dụng XYZ trên điện thoại, đặt cà phê và thấy ưu đãi giảm giá của cửa hàng quần áo yêu thích. Sarah mua một đôi giày, kiếm phần thưởng được lưu trữ dưới dạng token không thể thay thế ([NFT](https://academy.binance.com/en/articles/what-is-an-nft)) trên [Ethereum](https://academy.binance.com/en/articles/what-is-ethereum). Sau đó, Sarah thấy một ưu đãi đặc biệt đi kèm phần thưởng và mua vé tham dự một sự kiện, cũng là NFT, nhưng trên BNB Smart Chain ([BSC](https://academy.binance.com/en/articles/an-introduction-to-bnb-smart-chain-bsc)).
Tất cả các giao dịch này có thể xảy ra trong một ứng dụng duy nhất, nhờ đó Sarah không phải quản lý nhiều ví, chuyển đổi mạng lưới hoặc trực tiếp xử lý phí giao dịch. Mức độ [tương tác chuỗi chéo](https://academy.binance.com/en/articles/what-is-cross-chain-interoperability) này chính là mục tiêu cao nhất của trừu tượng hóa chuỗi.
Lợi ích của trừu tượng hóa chuỗi
Chống phân mảnh thanh khoản
[Thanh khoản](https://academy.binance.com/en/articles/liquidity-explained) thường bị cô lập trong các blockchain cụ thể, khiến người dùng và nhà phát triển khó tiếp cận và sử dụng. Trừu tượng hóa chuỗi giải quyết vấn đề này bằng cách cho phép tiếp cận thanh khoản trên các blockchain khác nhau.
Giả sử John muốn cho vay token của mình để kiếm lãi. Nếu thanh khoản bị cô lập, John sẽ phải tìm một nền tảng trên blockchain cụ thể mà token của anh nằm trên đó. Tuy nhiên, nhờ vào trừu tượng hóa chuỗi, John có thể cho vay token trên một nền tảng tích hợp thanh khoản từ nhiều blockchain. Việc này có thể mang lại nhiều người dùng hơn cho nền tảng và [lãi suất](https://academy.binance.com/en/articles/interest-rates-explained) cạnh tranh hơn cho John.
Đơn giản hóa việc phát triển ứng dụng
Đối với nhà phát triển, trừu tượng hóa chuỗi cho phép họ linh hoạt xây dựng DApp mà không bị giới hạn bởi các ràng buộc của một blockchain cụ thể.
Một nhà phát triển có thể sử dụng Ethereum cho chức năng [hợp đồng thông minh](https://academy.binance.com/en/articles/what-are-smart-contracts) và sử dụng [Polygon](https://academy.binance.com/en/articles/what-is-polygon-matic) để tiết kiệm chi phí. Ví dụ: [Decentraland](https://academy.binance.com/en/articles/what-is-decentraland) sử dụng mạng lưới Polygon để cho phép người dùng nhận, mua, bán và trao đổi phụ kiện đeo trên người lấy avatar mà không mất phí giao dịch. Điều quan trọng cần lưu ý là Decentraland sử dụng nhiều tính năng để loại bỏ hoàn toàn các khoản phí. Giao dịch trên Polygon có mức phí thấp nhưng không hoàn toàn miễn phí.
Những thách thức của việc trừu tượng hóa chuỗi
Rủi ro tập trung hóa
Trừu tượng hóa chuỗi có thể được thực hiện thông qua việc tạo ra một giao diện cho phép người dùng tương tác với tất cả các loại ứng dụng blockchain từ một nơi duy nhất, từ đó nâng cao trải nghiệm người dùng. Tuy nhiên, có một lo ngại rằng giao diện này có khả năng trở thành điểm chịu lỗi duy nhất.
Rủi ro bảo mật
Mỗi blockchain có một giao thức bảo mật riêng. Nếu chúng được kết hợp thành một giao diện duy nhất thì sẽ rất khó để đảm bảo tất cả các biện pháp bảo mật đều được duy trì. Nếu không được thực hiện cẩn thận, giao diện mới của trừu tượng hóa chuỗi có thể mang lại rủi ro cho các blockchain riêng lẻ.
Các vấn đề về khả năng tương tác
Đảm bảo khả năng tương tác giữa các blockchain khác nhau lại là một thách thức khác. Các blockchain khác nhau có [thuật toán đồng thuận](https://academy.binance.com/en/articles/what-is-a-blockchain-consensus-algorithm) và ngôn ngữ hợp đồng thông minh riêng biệt, gây khó khăn cho việc tạo một giao diện duy nhất hoạt động hoàn hảo trên tất cả các mạng lưới. Ví dụ: một hợp đồng thông minh được viết cho mạng lưới Ethereum không tương thích trực tiếp với Solana do sự khác biệt về ngôn ngữ lập trình và công nghệ cơ bản.
Những quan niệm sai lầm thường gặp về trừu tượng hóa chuỗi
Trừu tượng hóa chuỗi giúp loại bỏ sự khác biệt trong blockchain
Mặc dù trừu tượng hóa chuỗi giúp đơn giản hóa hoạt động tương tác chuỗi chéo nhưng các tính năng độc đáo của mỗi blockchain vẫn giữ nguyên. Trừu tượng hóa chuỗi giúp đơn giản hóa và tự động hóa các quy trình kỹ thuật để cải thiện trải nghiệm người dùng nhưng không trực tiếp thay đổi cơ sở hạ tầng của blockchain.
Trừu tượng hóa chuỗi chỉ liên quan đến các giao dịch chuỗi chéo
Hỗ trợ giao dịch trên các blockchain khác nhau là một tính năng quan trọng của trừu tượng hóa chuỗi, nhưng không phải là tiện ích duy nhất của nó. Trừu tượng hóa chuỗi cũng liên quan đến việc đơn giản hóa việc sử dụng DApp, triển khai hợp đồng thông minh và truy xuất dữ liệu trên nhiều blockchain.
Tổng kết
Trừu tượng hóa chuỗi đề cập đến việc đơn giản hóa hoạt động tương tác trên các mạng lưới blockchain khác nhau. Lợi ích của trừu tượng hóa chuỗi bao gồm chống phân mảnh thanh khoản và đơn giản hóa việc phát triển ứng dụng. Trừu tượng hóa chuỗi phải đối mặt với những thách thức như rủi ro tập trung, rủi ro bảo mật và các vấn đề tiềm ẩn về khả năng tương tác. Tuy nhiên, nó có thể mở đường cho các hệ sinh thái blockchain thân thiện với người dùng và có khả năng tương tác.
Đọc thêm:
[Khả Năng Mở Rộng Blockchain - Sidechain Và Kênh Thanh Toán](https://academy.binance.com/en/articles/blockchain-scalability-sidechains-and-payment-channels)[Thực thi song song là gì và công nghệ này hoạt động như thế nào?](https://academy.binance.com/en/articles/what-is-parallelization-and-how-does-it-work)[Cầu Nối Blockchain Là Gì?](https://academy.binance.com/en/articles/what-s-a-blockchain-bridge)[Tính khả dụng của dữ liệu là gì?](https://academy.binance.com/en/articles/what-is-data-availability)
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Nội dung này được trình bày cho trên cơ sở "nguyên trạng" chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin chung và hướng dẫn, không phải là cam đoan hay bảo đảm dưới bất kỳ hình thức nào. Không nên coi nội dung này là nội dung tư vấn tài chính, pháp lý hoặc chuyên môn khác, cũng như khuyến nghị mua bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể nào. Bạn nên nghe lời khuyên từ các cố vấn chuyên môn phù hợp. Trong trường hợp bài viết do cộng tác viên bên thứ ba đóng góp, xin lưu ý rằng những quan điểm được đưa ra thuộc về cộng tác viên bên thứ ba và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Binance Academy. Vui lòng đọc toàn bộ tuyên bố miễn trừ trách nhiệm của chúng tôi tại đây để biết thêm chi tiết. Giá tài sản kỹ thuật số có thể biến động. Giá trị khoản đầu tư của bạn có thể tăng hoặc giảm và bạn có thể không lấy lại được số tiền đã đầu tư. Bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với các quyết định đầu tư của mình và Binance Academy không chịu trách nhiệm pháp lý đối với bất kỳ tổn thất nào bạn có thể gặp phải. Không nên coi tài liệu này là nội dung tư vấn tài chính, pháp lý hoặc chuyên môn khác. Để biết thêm thông tin, hãy xem thêm [Điều khoản sử dụng](https://www.binance.com/en/terms?_gl=1*nvnsc5*_gcl_au*Njk4MDE5NjA2LjE3MDI1NjM5MTU.) và [Cảnh báo rủi ro](https://www.binance.com/en/risk-warning?_gl=1*7rdmj6*_gcl_au*Njk4MDE5NjA2LjE3MDI1NjM5MTU.).